Theo Tổng cục Hải quan, ước tính 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,87 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Sức mua toàn cầu suy yếu, dẫn đến số đơn hàng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Đây là thực tế khó khăn đối với ngành gỗ. Hiện tại, chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và chỉ có đơn hàng tới tháng 6/2023.
Đã thế, trong thời điểm này, lãi suất ngân hàng lại tăng cao chóng mặt, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Ông Nguyễn Văn Đề, Tổng giám đốc Công ty Sofa Vina (TP.HCM) cho biết, xuất khẩu gỗ hiện rất khó khăn khi không có đơn hàng. Doanh thu thấp, lãi vay cao, doanh nghiệp sẽ sớm bị lãi vay ngân hàng “nuốt chửng”.
Mặc dù gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chính sách giảm lãi suất, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng theo ông Đề, nhiều doanh nghiệp sản xuất như Sofa Vina vẫn đang phải vay với mức lãi suất cao, khoảng 9 - 10%.
“Tôi cũng tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ vay vốn, nhưng từ hồi xảy ra Covid-19 thì ngân hàng nào cũng báo hết hạn mức. Hiện tại, chính sách hỗ trợ vẫn có, nhưng yêu cầu, điều kiện rất nhập nhằng, chồng chéo, nhiêu khê”, ông Đề nói.
Theo ông Tô Đăng Trung, Giám đốc Công ty TNHH Cung Việt (Bình Dương), khi cần đầu tư máy móc, ông đã chọn vay bằng thuê mua tài chính, thay vì vay ngân hàng dù lãi suất cao hơn. Chẳng hạn, khi cần đầu tư một gói máy móc khoảng 10 tỷ đồng, thuê mua tài chính sẽ cho vay 70% và thế chấp ngay bằng chiếc máy đó. Ngân hàng thì không có hình thức này, muốn vay ngân hàng phải thế chấp bằng nhà đất.
Đáng nói là, khi ngành gỗ ở thời kỳ hưng thịnh thì các thủ tục vay vốn tại ngân hàng dễ dàng hơn nhiều, doanh nghiệp có thể thế chấp để vay bằng chính đơn hàng của mình.
“Trước kia, nếu tôi có đơn hàng 5-7 tỷ đồng, cần vay 1 tỷ đồng để trả trước phần nguyên liệu cho đơn hàng thì có thể thế chấp bằng chính đơn hàng đó. Hiện tại thì bắt buộc phải dùng nhà đất”, ông Trung thông tin.
Chịu sức ép từ thị trường, từ lãi suất ngân hàng, các doanh nghiệp ngành gỗ đang phải tìm mọi cách để tồn tại. Phương thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là quay về phát triển thị trường nội địa.
Giám đốc Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (TP.HCM) chia sẻ, để tồn tại, Công ty đa dạng hóa thị trường, tập trung đẩy mạnh thương hiệu MOHO trong nước và phát triển sâu rộng thị trường châu Âu.
Bên cạnh đó, Savimex nâng sức cạnh tranh của mình bằng chất lượng cao và thời gian giao hàng, đáp ứng được các đơn hàng gấp và đơn hàng lớn. Đồng thời, hợp tác, liên kết với các đối tác chiến lược để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định với giá cả hợp lý. Sử dụng, khai thác hiệu quả nhất các nguồn lực về nhân sự, tài chính và đất đai.
Nhiều doanh nghiệp trước kia chỉ làm các đơn hàng xuất khẩu, thì hiện tại đã bắt đầu gia công những đơn hàng nội địa dù nhỏ.
“Khi làm những đơn hàng này, chúng tôi mất nhiều thời gian, công sức mà thu về không bõ bèn gì, nhưng vẫn phải làm để duy trì hoạt động”, giám đốc một doanh nghiệp cho hay.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Đề kiến nghị, nên công bằng về điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp. Bất kỳ doanh nghiệp nào đóng thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, thì đều được hưởng các gói ưu đãi về vay vốn ngân hàng.
Đồng thời, cần phổ biến cụ thể, chi tiết, đơn giản hóa điều kiện vay vốn tới các doanh nghiệp. Các điều kiện này cũng cần sâu sát với thực tế tình hình doanh nghiệp hiện tại.
Còn ông Tô Đăng Trung thì cho rằng, NHNN nên mở room tín dụng khoảng 30 - 40%, giải ngân cho các doanh nghiệp lớn của ngành để họ có thể thanh toán cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trước. Bởi lẽ, ở thời điểm khó khăn hiện nay, khi chưa có đơn hàng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ lựa chọn co cụm lại, tránh đầu tư, tránh rủi ro nên việc hạ lãi suất cho khối này không có nhiều ý nghĩa.
“Nên mở room cho các doanh nghiệp đầu tàu trước. Một vài tỷ đồng với họ không quá to, nhưng với những doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi lại mang ý nghĩa rất lớn. Hiện tại, thị trường đang đóng băng, cần có những động thái từ những doanh nghiệp lớn đi trước để phá băng, tạo sự chuyển động dần dần”, ông Trung nói.
Đứng ở góc độ ngân hàng, ông Đoàn Thái Sơn, Phó thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/NĐ-CP và Nghị định 116/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nhiều ưu đãi dành cho các đối tượng vay vốn trong lĩnh vực lâm sản.
NHNN cũng đã quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên, gồm lĩnh vực lâm sản và thuỷ sản; đồng thời cho phép các ngân hàng thương mại cho vay ngoại tệ với lãi suất thấp đối với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn.