Ngành điện: 2 mối lo năm 2017

(ĐTCK) Bên cạnh yếu tố khó lường của khí hậu, thời tiết và thủy văn có thể ảnh hưởng tới tình hình sản xuất - kinh doanh, ngành điện cũng đang bắt đầu phải lo đối phó với những thách thức đặt ra về cân đối tài chính. Bởi lẽ, chi phí sản xuất điện được dự báo sẽ tăng đáng kể trong năm 2017 do giá nhiên liệu đầu vào có xu hướng tăng.
Chi phí sản xuất điện được dự báo sẽ tăng đáng kể trong năm 2017 do giá nhiên liệu đầu vào có xu hướng tăng Chi phí sản xuất điện được dự báo sẽ tăng đáng kể trong năm 2017 do giá nhiên liệu đầu vào có xu hướng tăng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, một số yếu tố chí phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 song chưa được đưa vào cân đối giá điện hiện hành, bao gồm: biến động tỷ giá, giá than, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng và đặc biệt là chi phí tăng từ tháng 12/2016 do giá than tiếp tục tăng khoảng 7% cung cấp cho sản xuất điện.

Theo tính toán của EVN, với việc giá than tăng khoảng 7%, dự kiến sẽ làm đội chi phí sản xuất điện lên 4.692 tỷ đồng trong năm 2017. Điều này đặt ra nhiều khó khăn cho Tập đoàn trong việc đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư và sản xuất.

Ngoài ra, một vấn đề khác đang đặt ra là đảm bảo nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt là đảm bảo cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam Bộ sau khi Nhà máy xử lý khí GPP Cà Mau sẽ được đưa vào vận hành từ tháng 4/2017.

Bên cạnh đó, theo Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An, năm 2017, để đảm bảo đủ nguồn điện cung ứng, dự kiến sẽ phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,2 tỷ KWh. Kế hoạch này đang đặt ra thách thức lớn đối với tình hình tài chính của EVN trong năm 2017 do chi phí điện chạy dầu khá cao.

Những thách thức về cân đối tài chính do chi phí sản xuất gia tăng đang tạo thêm áp lực cho ngành điện khi việc thu xếp vốn đầu tư cho các dự án điện hiện gặp khó khăn do Chính phủ đã có chủ trương hạn chế việc bảo lãnh vay vốn.

EVN và các đơn vị thành viên đã vượt ngưỡng hạn chế vay theo quy định hiện hành. Trong bối cảnh này, việc cân đối nguồn vốn và tài chính cho các dự án điện tiếp tục là bài toán lớn mà ngành điện nói chung và EVN nói riêng phải tính toán kỹ lưỡng để giữ tiến độ các dự án đầu tư, đảm bảo đủ nguồn cung ứng điện.

Liên quan đến khả năng cung ứng điện, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo ngành điện có dự phòng nhưng còn quá thấp, nhất là ở miền Nam, nên dự báo trong giai đoan 2017 - 2019 có nguy cơ không đáp ứng đủ điện cho miền Nam. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là nguy cơ hiện hữu cần nhận thức ngay để có giải pháp cụ thể.

Thống kê của EVN cho thấy, sản lượng điện sản xuất của EVN hiện chiếm 43,5%, do đó việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc phụ thuộc rất lớn vào các nhà máy điện ngoài EVN. Tuy nhiên, một số dự án nhiệt điện miền Nam do các đơn vị ngoài EVN đảm nhận có thể không đi vào vận hành kịp tiến độ nên theo chỉ đạo của Thủ tướng, EVN cần chủ động có phương án dự phòng nhằm chia sẻ và cùng tháo gỡ khó khăn, đồng thời đáp ứng mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo cung ứng đủ nguồn điện cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn tới.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu này, EVN cho biết, sẽ nỗ lực đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án, công trình và nguồn lưới điện, đặc biệt là các dự án điện cho miền Nam.

Theo đó, EVN tập trung thi công đảm bảo tiến độ các công trình lưới điện đồng bộ gồm: Nhiệt điện Long Phú 1 vào quý III/2017 và lưới điện đồng bộ Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 4 vào quý I/2018, đảm bảo khởi công đường dây 500kV sông Hậu - Đức Hòa.

Đối với các dự án nguồn điện, Tập đoàn sẽ hoàn thành đưa vào vận hành 10 tổ máy thuộc 5 dự án gồm: Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Sông Bung, Thủy điện Thác Mơ, Nhiệt điện Vĩnh Tân và Nhiệt điện Thái Bình. Đồng thời, đảm bảo tiến độ các dự án sẽ phát điện năm 2018 và các công trình lưới điện trọng điểm.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục