Tăng trưởng âm trong 9 tháng
Các doanh nghiệp ngành dệt đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với kết quả không được như mong đợi khi hầu hết đều ghi nhận sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ, kể cả những doanh nghiệp thường xuyên ghi nhận tăng trưởng qua các năm.
Đơn cử, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến (VGG) ghi nhận doanh thu thuần 2.512 tỷ đồng trong quý III, giảm 11% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu thuần 6.418 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ 2018; lãi sau thuế 292,6 tỷ đồng, giảm 16,4% so với cùng kỳ.
Lượng hàng tồn kho tăng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận suy giảm tại VGG. Tính đến hết quý III/2019, hàng tồn kho của Công ty đã lên mức 1.174 tỷ đồng, tăng 384 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Ngoài ra, việc đầu tư cho Trung tâm nghiên cứu và phát triển mẫu Dương Long, trong đó giai đoạn 1 chính thức khánh thành với vốn đầu tư 50 tỷ đồng, tổng vốn dự kiến cho cả giai đoạn 2 hơn 100 tỷ đồng cũng đẩy chi phí trong kỳ tăng lên.
CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) ghi nhận doanh thu 9 tháng hơn 1.336 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 70 tỷ đồng, giảm 11%.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu toàn ngành dệt giảm 1,6%, lợi nhuận sau thuế giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, có gần 70% số doanh nghiệp dệt may niêm yết có mức tăng trưởng âm do số lượng và quy mô các đơn hàng giảm xuống, đồng thời giá bán trung bình thấp cũng kéo tụt biên lợi nhuận gộp, đặc biệt là các nhà sản xuất sợi nguyên sinh.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước trong 9 tháng đạt 24,6 tỷ USD, tăng trưởng 9,6% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 16,5% trong 9 tháng đầu năm 2018. Trong đó, xuất khẩu xơ sợi đóng góp 3,1 tỷ USD, chỉ tăng 3,1%, trong khi cùng kỳ năm 2018 tăng 13,9%.
Động lực tăng trưởng đang chậm lại được lý giải do người mua đang lo ngại về diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khiến số lượng và quy mô của các đơn hàng đều giảm xuống.
Sự ổn định của tiền đồng so với USD, trong khi đồng nội tệ của các nước đối thủ (như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan) mất giá mạnh hơn trong 9 tháng đầu năm 2019 cũng khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam phần nào gặp bất lợi.
Không chỉ các doanh nghiệp chuyên gia công, ngay cả những doanh nghiệp được coi là có lợi thế từ quy trình khép kín từ sợi đến thành phẩm cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) ghi nhận doanh thu thuần 2.789 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 154 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.
So với kế hoạch 3.953 tỷ đồng doanh thu và 242 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Công ty đạt lần lượt 70,5% và 64% chỉ tiêu.
Kỳ vọng lợi nhuận tăng vào cuối năm
Sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ, nhưng với nhiều doanh nghiệp, việc hoàn thành mục tiêu kế hoạch cả năm là có thể thực hiện được, một phần do các doanh nghiệp đặt mục tiêu khá thận trọng khi đều giảm so với mức thực hiện năm 2018.
Hơn nữa, theo các doanh nghiệp, quý IV/2019 cũng là quý chốt các đơn hàng nên doanh thu và lợi nhuận cũng ghi nhận tăng nhẹ so với bình quân 3 quý đầu năm.
Lãnh đạo Công ty cổ phần GMC chia sẻ, Công ty sẽ hoàn thành mục tiêu doanh thu 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 78 tỷ đồng trong năm 2019.
Từ nay đến cuối năm, GMC tập trung cho việc chào bán hơn 8,9 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ quyền 2:1 tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu GMC sẽ được mua 1 cổ phiếu mới, với giá phát hành 15.000 đồng/cổ phần bởi Công ty đang cần tiền để bổ sung vốn lưu động và cơ cấu nguồn vốn đảm bảo nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.
Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TCM cho biết, dù biên lợi nhuận sản phẩm sợi của TCM trong 9 tháng đầu năm 2019 giảm, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận chung của Công ty.
Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, TCM đã tái cấu trúc, giảm sản lượng sợi xuống còn 50%, nên doanh thu từ sợi không lớn trong tổng doanh thu, vì thế ảnh hưởng đến kết quả chung không nhiều. Nói về kế hoạch lợi nhuận 245 tỷ đồng trong năm 2019 liệu có khả thi?
Theo ông Tùng, việc nhận đủ đơn hàng để sản xuất đến hết năm 2019 và xu hướng càng về cuối năm, tình hình đơn hàng sẽ tốt hơn so với đầu năm nên TCM có khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, nhưng cần sự nỗ lực rất lớn.
Cũng theo lãnh đạo TCM, việc tăng cường hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang cho thấy hiệu ứng khá tốt.
Ông Tùng chia sẻ thêm, TCM sẽ đầu tư thêm 1 nhà máy nhuộm tại Khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long trong năm 2020, với công suất bằng 50% công suất của nhà máy hiện tại.
Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành dệt ghi nhận giảm so với cùng kỳ thì CTCP May Sông Hồng (MSH) vẫn đang giữ được “phong độ”. 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của MSH đạt 3.456,3 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành hơn 80% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 437 tỷ đồng, hoàn thành trên 92% kế hoạch năm và lãi sau thuế đạt gần 357 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ.
Trong khi các doanh nghiệp khác “tất tả” về đích thì với MSH, việc hoàn thành kế hoạch đã “trong tầm tay”.