Ngành công nghiệp xe điện gặp trục trặc

Vận tải đường bộ gây ra khoảng 15% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, cho nên thật khó để thế giới đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, trừ khi từ bỏ xe chạy bằng xăng và dầu diesel.
Bà Mary Barra, Chủ tịch và Giám đốc điều hành GM, phát biểu trong buổi ra mắt xe điện Cadillac Celestiq tại Los Angeles, ngày 17/10/2022. Ảnh: AFP Bà Mary Barra, Chủ tịch và Giám đốc điều hành GM, phát biểu trong buổi ra mắt xe điện Cadillac Celestiq tại Los Angeles, ngày 17/10/2022. Ảnh: AFP

Quá trình chuyển dịch gặp trục trặc

Trong nhiều năm qua, các nước đã đưa ra các khoản hỗ trợ hào phóng để khuyến khích người lái xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch chuyển sang sử dụng xe điện.

Khi giá giảm và công nghệ được cải thiện, xe điện đã có bước chuyển từ dòng xe kén người dùng sang thành xe phổ thông. Các nhà sản xuất ô tô bắt đầu cải tổ nhà máy và cung cấp nhiều loại xe điện hơn để đáp ứng nhu cầu. Giá ô tô điện đã giảm gần bằng giá xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và có vẻ như kỷ nguyên động cơ đốt trong có thể kết thúc sớm hơn dự kiến.

Thế nhưng, năm nay quá trình chuyển đổi sang xe điện đang gặp trục trặc. Các chính phủ đang cắt giảm các ưu đãi tài chính cho người mua xe điện, tăng trưởng doanh số dòng sản phẩm này đang đình trệ và ngành công nghiệp ô tô đang cân nhắc lại một số kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi nhanh chóng sang xe điện.

Trong khi thị trường xe điện Trung Quốc vẫn tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng lành mạnh, thì nhu cầu ở châu Âu và Bắc Mỹ đã giảm bớt.

Theo BloombergNEF, doanh số bán ô tô thuần điện cùng xe hybrid (chạy bằng xăng hoặc dầu diesel kết hợp chạy bằng điện) đã tăng gấp đôi vào năm 2021 và tăng 62% vào năm 2022. Nhưng tốc độ tăng trưởng doanh số đã chậm lại còn 31% vào năm 2023. Trung Quốc là động lực chính cho tăng trưởng đó, chiếm 59% doanh số toàn cầu, không bao gồm xe thương mại.

Tại châu Âu và Mỹ, sự dịch chuyển sang sử dụng xe điện đã đảo ngược, vì xe động cơ đốt trong chiếm thị phần ngày càng lớn trong tổng doanh số ô tô bán ra. Thị phần xe chạy bằng pin ở châu Âu đã giảm xuống còn 14% trong tháng 8, từ mức hơn 15% của cùng kỳ năm trước. Tại Đức, thị trường lớn nhất của châu Âu, doanh số bán xe điện đã giảm 69%.

Công ty nghiên cứu ô tô JD Power dự báo rằng các mẫu xe chạy bằng pin sẽ chiếm 9% doanh số ô tô tại Mỹ trong năm nay, giảm so với ước tính trước đó là 12,4%.

Một số nhà sản xuất ô tô ở châu Âu hiện cảnh báo rằng họ có thể phải chịu hàng tỷ euro tiền phạt nếu không thể đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của Liên minh châu Âu do doanh số bán xe điện giảm.

Các hãng ô tô vẫn ôm tham vọng về xe điện?

Ở làn sóng xe điện đầu tiên, các nhà sản xuất ô tô đã đem lại cho người lái xe trải nghiệm thú vị khi tiên phong cầm lái những mẫu xe điện được trang bị nhiều tiện ích và tính năng công nghệ, giúp họ tăng uy tín với người mua.

Tuy nhiên, những tệp khách hàng tiếp theo mà các hãng ô tô cần thuyết phục lại cân nhắc vấn đề chi phí hơn là trải nghiệm lái. Họ hoài nghi về công nghệ và cảnh giác hơn khi mua xe điện bởi họ không chắc chắc lúc nào mình có thể tìm thấy trạm sạc sẵn có trên đường. Điều này đặc biệt đúng ở Mỹ, nơi các trạm sạc xe điện chỉ tập trung ở các thành phố và dọc theo bờ biển phía Đông và phía Tây.

Tại châu Âu, doanh số bán xe điện giảm trùng với thời điểm trợ cấp chính phủ bị xóa bỏ. Nếu không có những khoản trợ cấp này, xe điện vẫn quá đắt so với những chiếc xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Trung bình, xe điện ở châu Âu và Mỹ đắt hơn lần lượt là 30% và 27% so với xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù nhiều mẫu xe điện ở các thị trường khác, đặc biệt là Trung Quốc, có giá rẻ hơn, nhưng chính phủ Mỹ và các nước châu Âu đang ra sức bảo vệ các nhà sản xuất ô tô trong nước bằng cách áp thuế quan và dựng các rào cản khác để kìm chân các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc như BYD.

Các hãng xe lớn, bao gồm: GM, Ford, Mercedes-Benz, Volvo và Toyota, hiện đã giảm bớt tham vọng phát triển xe điện. Các hãng ô tô này có bề dày lịch sử phát triển xe động cơ đốt trong và họ đang nhắm đến mục tiêu bán 23,7 triệu xe điện vào năm 2030, ít hơn 3 triệu chiếc so với dự báo của họ vào năm ngoái, theo BloombergNEF.

Ngay cả Tesla, hãng sản xuất xe điện thuần túy của Mỹ, từng nỗ lực tạo cú hích cho ngành công nghiệp xe xanh, nay đã ngừng đề cập đến mục tiêu cung cấp 20 triệu xe mỗi năm vào năm 2030.

Tại Mỹ, Ford đang loại bỏ mẫu SUV ba hàng ghế chạy hoàn toàn bằng điện và hoãn lại kế hoạch sản xuất mẫu xe bán tải thế hệ tiếp theo; đồng thời cắt giảm tỷ trọng chi tiêu cho xe điện xuống còn chiếm 30% chi tiêu vốn hàng năm, thay vì mức 40% trước đó.

Volkswagen cũng đang cắt giảm sản lượng. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu đang tiến hành các cuộc đàm phán căng thẳng với các tổ chức công đoàn về kế hoạch đóng cửa hai nhà máy ở Đức.

Trong khi đó, các hãng ô tô Trung Quốc đã giành được ưu thế về công nghệ xe điện và đang vượt trội hơn các thương hiệu châu Âu có mặt tại Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Gần đây, các hãng xe điện Trung Quốc cũng đã thâm nhập vào châu Âu, thị trường mà trước đây họ hầu như không hiện diện.

Quá trình chuyển đổi sang xe điện là một trụ cột trong tham vọng toàn cầu nhằm hạn chế biến đổi khí hậu. Đây cũng là một thách thức lớn đối với một ngành công nghiệp ô tô có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều nền kinh tế.

Các nhà sản xuất ô tô sử dụng hàng trăm nghìn người lao động. Tương tự các hãng ô tô, các nhà sản xuất pin xe điện đang bị ảnh hưởng bởi thị trường đi xuống. Northvolt AB, nhà sản xuất pin triển vọng nhất châu Âu, đang cắt giảm 20% lực lượng lao động toàn cầu và đã tạm dừng các kế hoạch mở rộng do nhu cầu hàng hóa chậm lại.

Động thái thúc đẩy điện khí hóa giao thông đường bộ trên toàn cầu đã khiến các nhà sản xuất ô tô châu Âu và Mỹ phải đối mặt với mối đe dọa cạnh tranh lớn từ Trung Quốc - quốc gia đã sớm dẫn đầu về công nghệ xe điện.

Các chính phủ phương Tây đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ mở cửa nhiều hơn cho hoạt động nhập khẩu, sản xuất xe điện và phụ tùng xe điện của Trung Quốc, sẽ khiến giá xe điện và phụ tùng xe điện của Trung Quốc tiếp tục giảm ở châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời thúc đẩy nhu cầu. Thế nhưng, điều này cũng có thể làm suy yếu các nhà sản xuất ô tô của châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời lại củng cố thêm vị thế thống trị của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp sạch trong tương lai.

Hiện tại, các quốc gia ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang áp đặt thêm các rào cản nhập khẩu để bảo vệ các ngành công nghiệp sạch mới nổi của họ trước sự cạnh tranh của Trung Quốc.

Trung Quốc đang có lợi thế về giá rất đáng kinh ngạc. Đơn cử, chi phí pin ở Trung Quốc đã giảm xuống còn trung bình 126 USD một kilowatt, trong khi giá pin ở Mỹ và châu Âu cao hơn 11% và 20%, theo BloombergNEF.

Chưa hết, các nhà sản xuất Trung Quốc đã hé lộ một loại pin thế hệ mới dựa trên sodium (hay còn gọi là natri), với trữ lượng ước tính nhiều hơn lithium - một hóa chất tương tự đang được sử dụng phổ biến trong pin xe điện. Điều đáng nói là loại pin thế hệ mới ít có khả năng bắt lửa hơn.

Một số chính phủ lo ngại về sự suy giảm gần đây trong nhu cầu xe điện đang cân nhắc xem có nên khôi phục các ưu đãi tài chính cho người mua hay không.

Giới phân tích cho rằng, việc các nhà sản xuất ô tô đã tái cấu trúc nhà máy để sản xuất xe điện, đồng nghĩa rằng họ đang tiến gần hơn đến việc cung cấp nhiều lựa chọn hơn với giá cả phải chăng hơn để hấp dẫn những người mua đang do dự.

Tại châu Âu, 7 mẫu xe điện mới có giá dưới 25.000 EUR (tương đương 27.810 USD) có thể ra mắt thị trường trong năm nay và năm sau, bao gồm chiếc Renault 5 mới và chiếc Citroën e-C3 của Stellants, theo nhóm vận động hành lang giao thông và môi trường T&E.

Trong kịch bản lạc quan đó, thị phần xe điện có thể chiếm tới 24% tại châu Âu vào năm tới, tổ chức T&E ước tính. Con số đó sẽ là một bước nhảy vọt so với 12,5% thị phần xe điện tại EU trong 7 tháng đầu năm 2024, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu.

Đông Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục