Thị trường ngành chất bán dẫn có lượng đơn đặt hàng tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch, điều này đã đẩy doanh số bán hàng và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành lên mức cao mới và gây ra một cuộc tranh giành trên toàn cầu để tìm đủ nguồn cung. Mặc dù có hy vọng rằng sự bùng nổ có thể được duy trì trong vài năm nữa mà không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng các nhà sản xuất chip hiện đang phải đối mặt với một vấn đề quen thuộc: hàng tồn kho ngày càng tăng và nhu cầu thu hẹp.
Đó là một vấn đề nan giải cũ như thời đại máy tính. Phải mất nhiều năm để xây dựng một nhà máy sản xuất chip và không phải lúc nào họ cũng có thể vận hành khi cần thiết nhất. Trong vài năm gần đây, vấn đề là thiếu hụt nguồn cung. Gần đây nhất trong quý này, các nhà sản xuất ô tô và một số khách hàng khác đã phàn nàn rằng họ vẫn không thể có đủ linh kiện điện tử.
Nhưng vận may đã kết thúc với những nhà sản xuất chip lớn nhất. Các công ty như Nvidia Corp. đang báo cáo rằng có sự sụt giảm 40% hàng năm trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ, trong khi Micron Technology Inc. cảnh báo rằng nhu cầu đang bốc hơi nhanh trong nhiều lĩnh vực. Tuần này, dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy sản lượng vi mạch tích hợp đã giảm 17% trong tháng 7 sau khi tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021, phản ánh cú sốc chuỗi cung ứng cũng như nhu cầu về chip cấp thấp hơn từ thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới giảm dần.
Các nhà sản xuất máy tính cá nhân - một trong số người mua chip lớn nhất là điềm báo của thời kỳ đen tối. Theo Mercury Research, các lô hàng bộ xử lý máy tính bàn trong quý II đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ. Tổng số lô hàng bộ vi xử lý đã trải qua đợt sụt giảm lớn nhất trong năm nay kể từ khoảng năm 1984.
Đó là một động thái hoàn toàn khác trong giai đoạn phong toả do Covid, khi xu hướng làm việc tại nhà thúc đẩy nhu cầu về PC và các thiết bị khác. Các nhà sản xuất thiết bị điện tử từng sẵn sàng mua chip với bất kỳ giá nào họ có thể.
Tổng doanh thu ngành công nghiệp chất bán dẫn qua các giai đoạn |
Giờ mọi việc đã thay đổi 180 độ. Người tiêu dùng cắt giảm mua máy tính, khiến nhu cầu chip cũng giảm theo và tiến trình này được gọi là “điều chỉnh hàng tồn kho” (inventory correction).
Lần suy thoái cuối cùng như vậy là vào năm 2019 và chúng thường không kéo dài. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay khác với các giai đoạn trước khi nền kinh tế thế giới đang đối mặt với suy thoái. Nếu việc “điều chỉnh hàng tồn kho” xảy ra cùng lúc nền kinh tế rơi vào suy thoái, thì ngành này sẽ không có được sự phục hồi nhanh chóng như đã thấy sau đợt sụt giảm vừa qua.
Gus Richard, nhà phân tích của Northland Securities cho biết: “Đó sẽ là một đợt suy thoái tồi tệ”.
Đồng quan điểm, Christopher Danely, nhà phân tích của Citigroup dự đoán, mức sụt giảm của ngành sẽ là tồi tệ nhất trong ít nhất một thập kỷ và có thể là hai thập kỷ. Trong đó, mọi công ty và mọi danh mục chip đều có thể bị ảnh hưởng.
Một yếu tố nữa có thể khiến cuộc khủng hoảng dư cung với ngành chip có thể tồi tệ hơn là sự thúc đẩy rộng rãi của các chính phủ trong việc trợ cấp cho các nhà máy và thiết bị mới, từ Mỹ và châu Âu đến Trung Quốc và Nhật Bản. Các công ty như Intel đã vận động hành lang để thông qua luật Chips với quan điểm cho rằng Mỹ cần phải cạnh tranh hơn với các nhà sản xuất châu Á. Giờ đây, họ đã sẵn sàng bắt đầu bổ sung thêm công suất mới vào thời điểm nhu cầu không ổn định.
Theo Hiệp hội ngành thiết bị chip (SEMI), có 24 dự án xây dựng mới của các nhà máy chất bán dẫn quy mô lớn, được gọi là fabs, đang được tiến hành vào năm 2022. Con số này cao hơn mức trung bình là 20 dự án kể từ năm 2014. Tổng chi tiêu cho thiết bị sẽ đạt 117,5 tỷ USD vào năm 2022, tăng 15% so với kỷ lục ngành trước đó vào năm 2021. Năm tới, SEMI dự đoán mức chi tiêu đó sẽ tăng lên 120,8 tỷ USD.
“Từng là một cuộc cạnh tranh giữa các công ty, bây giờ nó là một cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia vì tầm quan trọng chiến lược. Đang có một cuộc chạy đua giữa Trung Quốc và Mỹ”, nhà phân tích Gus Richard cho biết.
Việc kinh doanh sản xuất chip ngày càng trở nên bấp bênh vì chi phí trả trước quá lớn. Các nhà máy có quy mô lên tới 20 tỷ USD cần phải được hoạt động liên tục 24 giờ một ngày để mang lại lợi nhuận trong vài năm trước khi chúng trở nên lỗi thời. Dù có rất nhiều nhà máy mới được xây dựng, nhưng số lượng công ty có công nghệ tiên tiến hàng đầu chỉ dưới 5 công ty, trong đó thị phần chủ yếu nằm trong tay 3 đại gia là Samsung Electronics Co., Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. và Intel.
Các công ty đó đã xây dựng sự thống trị của mình bằng cách hiểu rõ tính kinh tế của ngành hơn các đối thủ cạnh tranh của họ. Họ đã thêm dây chuyền sản xuất vào đúng thời điểm và làm cho chuỗi cung ứng trở nên hiệu quả nhất có thể.
Nhưng việc thúc đẩy tăng cường sản xuất chip ở Mỹ và châu Âu vốn cung cấp một giải pháp thay thế cho sản xuất ở châu Á, có thể phá vỡ động lực hướng tới hiệu quả đó. Nhà phân tích Jason Pompeii của Fitch Ratings cho biết, ngành chất bán dẫn đang “xây dựng các chuỗi cung ứng trùng lặp ở Mỹ và châu Âu. Quá trình chuyển đổi này sẽ dẫn đến các giai đoạn ngắn lặp đi lặp lại của doanh thu tăng cao và dòng tiền biến động, điều này đặc biệt trở nên kém hiệu quả hơn khi so với hiệu quả ngày càng tăng mà ngành công nghiệp đã đạt được trong những thập kỷ qua”.
Trước mắt, rủi ro là “đầu tư quá mức vào năng lực sản xuất dẫn đến dư cung”, ông cho biết.
Trong khi đó, các nhà sản xuất chip vẫn lạc quan về nhu cầu trong dài hạn. Các nhà điều hành doanh nghiệp vẫn kỳ vọng ngành này sẽ đạt tổng doanh thu 1.000 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Điều đó có nghĩa là việc xây dựng nhà máy khổng lồ của họ có thể rất xứng đáng.
“Mọi người đều rất kém trong việc dự báo nhu cầu. Có lúc sẽ quá lạc quan hoặc sẽ quá bi quan về nhu cầu”, nhà phân tích Stacy Rasgon của Sanford C. Bernstein cho biết.