Tìm dư địa cho vay
Tính đến cuối tháng 6/2022, dư nợ tín dụng của hầu hết ngân hàng đều tăng trưởng ở mức cao.
Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 14,6%, nếu tính thêm cả dư nợ đầu tư trái phiếu thì mức tăng trưởng cho vay đạt gần 14,4%, vượt xa so với hạn mức 10% được Ngân hàng Nhà nước tạm cấp.
BIDV được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 10% trong năm nay, nhưng dư nợ cho vay khách hàng tính đến cuối tháng 6 tăng 9,8%, nếu tính cả số dư nợ tín dụng cấp thông qua đầu tư trái phiếu thì mức tăng trưởng tín dụng là hơn 11%.
Với MBBank, tăng trưởng riêng cho vay khách hàng đến cuối tháng 6/2022 của ngân hàng mẹ là 14,25%, xấp xỉ mức trần tín dụng 15% được Ngân hàng Nhà nước cấp.
Tại ACB, tăng trưởng cho vay đạt trên 9,8% sau 6 tháng đầu năm nay, trong khi mức tăng tổng dư nợ tín dụng được cấp cả năm là 10%.
Các ngân hàng đã đồng loạt xin Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để có dư địa cho vay. Tuy nhiên, cơ quan này chưa có động thái sẽ cấp thêm room tín dụng.
Trong khi đó, thu từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm 70 - 80% tổng nguồn thu, với một số ngân hàng nhỏ vẫn “độc canh” tín dụng thì tỷ trọng này còn lớn hơn nhiều.
Để có dư địa cho tín dụng mới, giải pháp đầu tiên mà các ngân hàng thực hiện là tăng cường thu hồi các khoản nợ đến hạn, nhưng phụ thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng. Giải pháp thứ hai là đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, tức tập trung cho vay ngắn hạn, các khoản cho vay tiêu dùng trong thời gian 1 - 3 tháng, hạn chế cho vay dài hạn. Thứ ba là giảm lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ.
Tại buổi họp nhà đầu tư gần đây, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp tài chính doanh nghiệp, Techcombank chia sẻ, từ quý II/2022, Ngân hàng đã tái phân bổ tín dụng bằng cách giảm danh mục trái phiếu doanh nghiệp để chuyển sang cho vay mua nhà cá nhân. Theo đó, dư nợ trái phiếu giảm từ 77.000 tỷ đồng cuối quý I xuống 49.000 tỷ đồng cuối quý II, tương ứng giảm 36%; dư nợ cho vay mua nhà cuối quý II tăng 25% so với cuối quý I và tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ vay mua nhà trong danh mục sản phẩm cho vay cá nhân tăng từ 78% lên 82%.
Tại Vietcombank, đến cuối tháng 6/2022, Ngân hàng nắm giữ 11.608 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 10,7% sau 3 tháng; tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng là 1%.
Tương tự, trong quý II/2022, VietinBank giảm 18% quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp, xuống 10.967 tỷ đồng, tương đương 0,9% tổng dư nợ tín dụng; MB giảm 900 tỷ đồng trái phiếu; VPBank giảm tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng dư nợ từ 10% xuống 9,77%; TPBank giảm 4.300 tỷ đồng số dư trái phiếu doanh nghiệp; MSB hạ tỷ trọng trái phiếu từ 3,2% tổng dư nợ xuống 2,7%, còn xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.
Chờ nới room tín dụng
Các ngân hàng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới room tín dụng, nhằm đảm bảo triển khai chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ lãi suất 2%, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang tăng cao.
Lãnh đạo ABBank cho biết, đến hết tháng 6/2022, Ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao từ đầu năm.
Tại VPBank, Ngân hàng đã dùng hết room tín dụng được tạm cấp khi kết thúc quý II/2022. Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Phó tổng giám đốc thường trực VPBank Lưu Thị Thảo chia sẻ, nhiều ngân hàng đã dùng hết room tín dụng được cấp trong 6 tháng đầu năm 2022, trong đó, tín dụng của VPBank dành hầu hết cho hai phân khúc chiến lược là khối khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Room tín dụng đang là nỗi “đau đầu” của nhiều ngân hàng, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm phân bổ room tín dụng mới.
Có nhiều lý do khiến các ngân hàng sớm cạn dư địa cho vay, nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân chính xuất phát từ việc tín dụng tăng quá nhanh trong nửa đầu năm nay. Tính đến ngày 20/7, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 9,27% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm 2021 là 6,47%.
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tỷ lệ 14% được đưa ra dựa trên tăng trưởng năm 2021 ở mức 13,61% và năm 2020 là 12,17%. Bên cạnh đó, chỉ tiêu này còn được xây dựng dựa trên mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5%, lạm phát không quá 4% và dự toán ngân sách Quốc hội giao. Trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn cập nhật và bám sát diễn biến lạm phát, tăng trưởng GDP, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, tiến độ xây dựng cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Về việc phân bổ room tín dụng cho các ngân hàng, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc này dựa trên trên các yếu tố cơ bản như kết quả xếp hạng với các tiêu chí quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp, nông thôn... đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Nhiều ý kiến kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ cuối quý III/2022. Trong điều kiện hiện tại, hạn mức tăng thêm dự kiến không cao, đi cùng với điều kiện ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên sớm nới room tín dụng, nhằm đảm bảo triển khai chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ lãi suất 2%, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang tăng cao. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 ở mức 14 - 15% là phù hợp, ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông lâm nghiệp, thủy sản.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng đã đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho cả chương trình và chi tiết từng năm 2022, 2023. Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp và có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 (khoảng 16.035 tỷ đồng) và tổng hợp, bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 (khoảng 23.965 tỷ đồng). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho từng ngân hàng thương mại để nhanh chóng triển khai chương trình.
Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng, đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới chỉ đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng là 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng. Nguyên nhân một phần là do ngân hàng cạn room tín dụng nên khó đẩy mạnh giải ngân.