Ngân hàng với nỗi niềm truân chuyên đòi nợ

(ĐTCK) Thực tế, các vụ kiện đòi nợ của ngân hàng thường chiếm tỷ lệ lớn trong số án kinh doanh thương mại và không khó để nhận thấy, nhiều bản án hầu như không giúp ngân hàng lấy lại được nợ gốc, chứ không nói đến nợ lãi. 

Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Ðồng đã hủy bản án sơ thẩm vụ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) kiện đòi nợ CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, CTCP Cà phê Thái Hòa Lâm Ðồng và giao về cấp sơ thẩm giải quyết lại bởi có một số vấn đề, cũng như lý do về tố tụng chưa được tòa án cấp sơ thẩm làm rõ.

Việc hủy án ngoài khiến vụ việc kéo dài, còn cho thấy VDB khó có khả năng thu hồi nợ.

Cụ thể, VDB đã cho Tập đoàn Thái Hòa và công ty con Thái Hòa Lâm Ðồng vay vốn từ năm 2006. Ðến nay, tổng số nợ gốc và lãi của 2 doanh nghiệp này lên tới hơn 200 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay là tài sản hình thành từ vốn vay, bao gồm nhà máy chế biến cà phê nhân, các tài sản gắn liền với đất như nhà xưởng, tổng kho, nhà văn phòng... tại tỉnh Lâm Ðông.

Ðến nay, Thái Hòa Lâm Ðồng đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tình trạng pháp lý giải thể. Tập đoàn Thái Hòa thì lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ từ năm 2012.

Ngoài VDB, doanh nghiệp này còn nợ nhiều ngân hàng khác, tổng số tiền lên tới gần nghìn tỷ đồng. Không chỉ thế, ông Nguyễn Văn An, người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Thái Hòa và Thái Hòa Lâm Ðồng hiện đang bị khởi tố, điều tra, xét xử trong vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Vietcombank.

Vụ việc trở lại vạch xuất phát, VDB sẽ phải theo đuổi quá trình tố tụng từ cấp sơ thẩm. Song, với tình trạng doanh nghiệp như hiện tại, khả năng VDB có thể thu đủ hơn 200 tỷ đồng nợ gốc và lãi là vô cùng mong manh.

Một trường hợp khác, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng vừa xét xử sơ thẩm vụ Agribank khởi kiện Công ty TNHH Ô tô Kim Cương đòi hơn 63 tỷ đồng nợ gốc và lãi.

Bản án tuyên buộc Công ty Kim Cương phải trả tiền và dành quyền cho Agribank yêu cầu phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tài sản thế chấp đã được bán một phần để thu hồi nợ.

Phần còn lại bao gồm 4 xe ô tô, xe cứu hộ và nhà xưởng của Công ty Kim Cương tại Văn Lâm, Hưng Yên.

Thế nhưng, diện tích nhà xưởng trên đất này lại được Công ty TNHH Q. (trụ sở Hưng Yên) khẳng định là đất của họ, có đủ giấy tờ chứng minh như Quyết định giao đất của UBND tỉnh, sau đó cho Công ty Ô tô Ánh Sao thuê đất làm nhà xưởng. Công ty Q. không cho Công ty Kim Cương thuê.

Quá trình giải quyết vụ án, Công ty Ánh Sao không đến tòa. Công ty Kim Cương có 1 thành viên góp vốn ông Vũ Văn Xá có lời khai thể hiện ông nhận chuyển nhượng vốn năm 2008 và không biết việc doanh nghiệp vay tiền ngân hàng, không biết doanh nghiệp sử dụng tiền vay như thế nào.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ông Xá là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Kim Cương, nhưng ông chưa được bàn giao công nợ, tài sản.

Con dấu do thành viên khác của Công ty là ông Ðoàn Minh Khôi giữ. Ông Khôi cũng là Giám đốc của Công ty Ánh Sao. Hai công ty này cùng có trụ sở tại số 5B, Hòa Mã, Hà Nội.

Có thể thấy, mặc dù bản án tuyên buộc Công ty Kim Cương phải trả cho ngân hàng hơn 63 tỷ đồng, nhưng với tình trạng không hoạt động của doanh nghiệp và số lượng tài sản bảo đảm ít ỏi còn lại, ngân hàng không có hy vọng thu hồi đủ gốc và lãi.

Theo Luật sư Bùi Quang Thu (Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng), về cơ bản, ngân hàng nào cũng có quy trình xử lý nợ, tùy thuộc vào tình huống của khoản nợ, ngân hàng sẽ cân nhắc biện pháp áp dụng.

Nhiều trường hợp, ngân hàng phải khởi kiện ra tòa để có được bản án có hiệu lực pháp luật, dù tài sản thu hồi chỉ được một phần nhỏ và quá trình tố tụng kéo dài.

Theo Luật sư Thu, thực chất, trước đó, ngân hàng đã phải trích lập rủi ro với các khoản nợ thuộc nhóm 2, 3, 4, 5.

Việc khởi kiện và sau đó là thực thi bản án giúp ngân hàng phát mại tài sản bảo đảm. Nếu tài sản bảo đảm không đủ bù đắp thì sử dụng dự phòng để xử lý. Khi đó, khoản nợ xấu sẽ được khép lại, giúp cho các báo cáo tài chính được sạch đẹp.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục