Ngân hàng Việt Nam tự tin với kế hoạch tăng trưởng 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bám sát các giải pháp điều hành kinh tế của Chính phủ, chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng để phát triển, các ngân hàng tự tin đề ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

VietinBank phát triển nhanh và bền vững

Ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank.
Ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank.

Năm 2020, bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, VietinBank thực hiện thành công mục tiêu kép: Vừa đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khôi phục sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống và tiếp tục phát triển, vừa triển khai quyết liệt và có kết quả đổi mới, cải cách, tái cấu trúc hoạt động, thực hiện thành công phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch kinh doanh trung hạn 2018 - 2020, đóng góp quan trọng vào sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Kết thúc năm 2020, kết quả kinh doanh của VietinBank đều đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Trong đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17.085 tỷ đồng, vượt 64% kế hoạch.

Những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp, tác động mạnh và đa chiều tới các hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, với sự nỗ lực của toàn xã hội, chúng ta đã cơ bản ngăn chặn thành công và kiểm soát được dịch bệnh. Kinh tế Việt Nam được dự báo sớm phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực châu Á, nhu cầu nguồn vốn, dịch vụ tài chính - ngân hàng tăng lên cùng với sự phát triển kinh tế. Ngành ngân hàng nói chung và VietinBank nói riêng có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, mặc dù sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tôi tin tưởng, VietinBank sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh theo kế hoạch năm 2021, tạo cơ sở nền tảng để thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh doanh trung hạn giai đoạn 2021 - 2023 và chiến lược phát triển dài hạn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự đồng hành chặt chẽ và những ý kiến đóng góp của các cổ đông nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn, góp phần phát triển VietinBank nhanh và bền vững, mang lại lợi ích ngày càng nhiều hơn cho các cổ đông, khách hàng, đối tác, cán bộ, nhân viên và cộng đồng.

ACB đẩy mạnh phân khúc khách hàng cá nhân, SME

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB.

Chiến lược của ACB từ nay đến hết năm 2024 là đẩy mạnh phân khúc khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), mục tiêu mỗi năm tăng trưởng khoảng 1 triệu khách hàng ở mỗi phân khúc thông qua việc gia tăng số lượng sản phẩm, dịch vụ.

ACB đã và đang có sự đầu tư mạnh về số hóa, kỳ vọng năm 2021 có các bước đột phá.

Năm 2021, ACB dự kiến lợi nhuận trước thuế và tổng tài sản tăng 10%, đạt 10.602 tỷ đồng và hơn 488.000 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 9%; tín dụng kỳ vọng tăng 9%; nợ xấu dưới 2% (dưới 1% nếu thị trường thuận lợi).

Đến cuối tháng 3/2021, tổng tài sản đạt 447.000 tỷ đồng; tín dụng đạt 311.000 tỷ đồng, tăng hơn 4%; huy động đạt 352.000 tỷ đồng; lợi nhuận 3.100 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Trong quý I/2021, ACB đã tăng trích lập dự phòng để tăng khả năng an toàn tài chính cho Ngân hàng.

LienVietPostBank: Vượt thách thức, khẳng định vị thế

Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc LienVietPostBank.
Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc LienVietPostBank.

Năm 2021, Ban lãnh đạo LienVietPostBank xác định mục tiêu: kiên định phát triển theo định hướng bán lẻ, tăng trưởng toàn diện, đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, ổn định, bền vững.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng tiếp tục hoàn thành việc nâng cấp, mở mới các chi nhánh/phòng giao dịch đến các huyện còn lại trên cả nước để triển khai bán lẻ và phát triển dịch vụ ngân hàng số.

Chú trọng việc cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh triển khai các sản phẩm tập trung vào đối tượng khách hàng tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi mà dư địa tiềm năng trong mảng bán lẻ còn rất lớn.

Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu thu nhập từ nguồn thu dịch vụ, nâng cao tỷ trọng nguồn thu phi tín dụng. Trong đó, triển khai bán bảo hiểm trực tiếp tại tất cả các chi nhánh/phòng giao dịch trên toàn hệ thống là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng lực bán hàng, cũng như tăng doanh số bảo hiểm.

Tiếp tục đầu tư vào công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số theo kịp với xu thế chung. Số hóa sản phẩm, dịch vụ, quy trình nghiệp vụ để gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng, tối ưu hóa các quy trình vận hành và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng.

Không ngừng nâng cao chất lượng nhân sự và quản trị rủi ro trên toàn hệ thống. Từng bước thực hiện mục tiêu tiếp cận với những chuẩn mực quản trị rủi ro hoàn thiện hơn như Basel III để nâng cao năng lực quản trị rủi ro nội bộ, đồng thời khẳng định vị thế LienVietPostBank là một trong những ngân hàng quản trị rủi ro hàng đầu Việt Nam.

LienVietPostBank xác định, 2021 là năm bản lề của giai đoạn tăng tốc phát triển. Vì vậy, Ban lãnh đạo Ngân hàng cùng toàn thể 10.000 cán bộ, nhân viên trên toàn hệ thống quyết tâm vượt qua những khó khăn, thử thách, nắm bắt cơ hội để phát triển và hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.

Với nền tảng vững mạnh, chiến lược kinh doanh đúng đắn của Hội đồng quản trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Ban điều hành và tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, nhân viên, LienVietPostBank sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao mới, bứt phá mạnh mẽ để khẳng định vị thế, vững bước cho một hành trình vươn xa hơn.

NCB: Nền tảng tăng trưởng vững chắc

Ông Vũ Mạnh Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị NCB.
Ông Vũ Mạnh Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị NCB.

Năm 2020, trước tác động của Covid-19, ngành ngân hàng trong đó có NCB đã vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất - kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường...

Do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với các năm trước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt trên 12% so với cuối năm 2019.

Trong hệ thống ngân hàng, NCB là ngân hàng đi đầu trong quá trình số hóa hoạt động ngân hàng trên cả kênh giao tiếp khách hàng và nghiệp vụ nội bộ theo định hướng lấy khách hàng là trung tâm.

Từ đó, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, hình thành hệ sinh thái rộng khắp, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, dẫn dắt xu hướng và nâng cao trải nghiệm của khách hàng, kể cả trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều bất lợi do Covid-19 gây ra.

Kết thúc năm 2020, sự điều hành của Hội đồng quản trị, Ban điều hành, tinh thần kỷ luật, lạc quan của cán bộ, nhân viên, cũng như việc chuyển dịch hoạt động ngân hàng sang bán lẻ và dịch vụ đã đem lại kết quả tích cực khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng đạt 850 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2019.

Cổ phiếu NVB của Ngân hàng liên tục được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá tích cực và tăng giá trị hơn 100% trong năm vừa qua.

Bước sang năm 2021, NCB đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 95.000 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt hơn 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt khoảng 1.000 tỷ đồng…

Kế hoạch này được NCB xây dựng dựa trên nền tảng tăng trưởng vững chắc nhiều năm qua, theo đó, Ngân hàng luôn hoàn thành các kế hoạch được Ban lãnh đạo đề ra. Điều này cho thấy định hướng, chiến lược kinh doanh đúng đắn, chắc chắn trong hành trình phát triển của NCB, khẳng định những nỗ lực vượt bậc và quyết tâm cao độ của Ngân hàng.

OCB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 25%

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB.

Năm 2021 là năm đầu tiên OCB thực hiện chiến lược phát triển 5 năm 2021 - 2025, với định hướng trở thành ngân hàng trong Top 5 các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tốt nhất Việt Nam. OCB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% (trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch đề xuất của OCB); tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 25%, đạt 5.500 tỷ đồng; cổ tức 20 - 25%; tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên gần 14.450 tỷ đồng, tương đương tăng 32%.

Ngân hàng sẽ tập trung vào hoạt động bán lẻ và các phân khúc ưu tiên, cải thiện hành trình khách hàng; mở rộng danh mục sản phẩm ngân hàng, đẩy mạnh hoạt động marketing; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chiến dịch quảng bá, chương trình tiếp cận cộng đồng trên toàn quốc và mở mới, phát triển mạng lưới; tối ưu hóa công nghệ, số hóa toàn bộ quy trình nội bộ, dịch vụ trên nền tảng ngân hàng số; nâng cao hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực nâng cao của Basel II và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế mới (IFRS 9); tăng cường hợp tác chiến lược với các đối tác quốc tế để huy động các nguồn vốn giá tốt.

Tính đến hết quý I/2021, OCB đạt tổng tài sản 160.297 tỷ đồng, tăng 5,1%; dư nợ cho vay thị trường 1 (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 94.839 tỷ đồng, tăng 5,1%; cho vay khách hàng đạt 93.042 tỷ đồng, tăng 4,3%; huy động thị trường 1 (bao gồm ủy thác đầu tư) đạt 112.190 tỷ đồng, tăng 3,5%, riêng huy động từ tiền gửi khách hàng tăng xấp xỉ 6% so với cuối năm 2020.

Theo đó, trong quý đầu năm 2021, OCB ghi nhận tổng thu thuần trên 2.000 tỷ đồng, tăng 2,2%; thu thuần từ lãi đạt 1.366 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2020. Thu ngoài lãi giảm nhẹ chủ yếu do khoản giảm từ lãi mua bán chứng khoán.

Tuy nhiên, tỷ lệ thu thuần ngoài lãi trên tổng thu thuần vẫn duy trì tối ưu và theo sát kế hoạch ở mức 33%. Chi phí hoạt động được kiểm soát, chỉ tăng 10% so với cùng kỳ. Nhờ đó, tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) của OCB đạt 28,4% và luôn ở vị trí tốp đầu về hiệu quả hoạt động trong ngành ngân hàng. Vì vậy, lợi nhuận trong quý I/2021 tăng hơn 15% so với cùng kỳ, đạt 1.276 tỷ đồng.

KienlongBank: Nguồn thu chính đóng góp vào lợi nhuận vẫn là tín dụng, dịch vụ

Bà Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc KienlongBank.
Bà Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc KienlongBank.

Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu khiến kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp không ít khó khăn.

Trong bối cảnh đó, KienlongBank nỗ lực thực hiện các mục tiêu kế hoạch và kết quả nhìn chung khả quan: tổng tài sản đạt 57.282 tỷ đồng, tăng 12,09% và bằng 99,45% kế hoạch; tổng nguồn vốn huy động đạt 52.071 tỷ đồng, tăng 12,22% và bằng 99,18% kế hoạch; dư nợ cấp tín dụng đạt 34.716 tỷ đồng, tăng 3,69% và bằng 89,47% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 158,21 tỷ đồng.

Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số…, với các chỉ tiêu chủ yếu như GDP tăng 6,5% (cao hơn mức 6% Quốc hội giao), GDP bình quân đầu người 3.700 USD, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng dưới 4%.

Định hướng của ngành ngân hàng năm 2021 là Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Mục tiêu cụ thể là tăng trưởng tín dụng 12%, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán 12%.

Bám sát các giải pháp điều hành kinh tế, chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng để phát triển, Ban điều hành KienlongBank xây dựng hoạch kinh doanh năm 2021 như sau: tổng tài sản tăng 16,6%, tín dụng tăng hơn 28%, huy động vốn tăng 14%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng (gấp hơn 6 lần năm 2020). Nguồn thu chính đóng góp vào lợi nhuận năm nay của KienlongBank vẫn là tín dụng, dịch vụ, đặc biệt là thu hồi nợ xấu từ việc bán 176 triệu cổ phiếu STB.

HDBank quyết tâm thực hiện đồng bộ các mục tiêu

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank.
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank.

Thế giới trải qua năm 2020 đầy biến động, đại dịch Covid-19 đã khiến các nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Kinh tế Việt Nam với nền tảng kiểm soát tốt dịch bệnh của Chính phủ và các gói kích cầu được triển khai trong năm 2020, cùng với việc đạt được nhiều thỏa thuận thương mại quan trọng, dự báo năm 2021 sẽ thật sự hồi phục và tăng trưởng cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.

Với HDBank, kết quả kinh doanh năm 2020 là tiền đề vững chắc để Ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra theo chiến lược.

Cụ thể, năm 2021, dự kiến tổng tài sản tăng 25%, đạt 399.320 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 26%, đạt 236.758 tỷ đồng; tổng huy động vốn tăng 25%, đạt 359.851 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 7.281 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.000 tỷ đồng, lên 20.110 tỷ đồng trong năm nay, thông qua phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%. Số vốn điều lệ được bổ sung sẽ dùng để cho vay trung và dài hạn 2.000 tỷ đồng, phần còn lại bổ sung nguồn vốn lưu động trong hoạt động của Ngân hàng.

Để thực hiện các mục tiêu trên, HDBank sẽ đẩy mạnh bán chéo sản phẩm và phân phối sản phẩm bán lẻ: bảo hiểm, trái phiếu, thẻ, bất động sản, xe; tiếp tục khai thác thế mạnh và nhân rộng mô hình tại thị trường nông thôn, nông nghiệp, đẩy mạnh tài trợ chuỗi liên kết đối tác nền tảng, khai thác tốt khách hàng hệ sinh thái; triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, số hóa các hành trình khách hàng và tự động hóa các quy trình trọng yếu; gia tăng trải nghiệm khách hàng, thúc đẩy doanh thu, tiết giảm chi phí...

HDBank quyết tâm thực hiện đồng bộ các mục tiêu, đồng hành, chung tay cùng ngành ngân hàng và cộng đồng, hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của Covid-19. Ngân hàng tin tưởng năm 2021 sẽ tiếp tục phát triển bền vững, khẳng định vị thế hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.

Sacombank: Tận dụng tốt các cơ hội để phát triển

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank.

Kinh tế thế giới năm 2021 được kỳ vọng hồi phục khi đại dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, các gói kích thích kinh tế sẽ phát huy tác dụng thúc đẩy tăng trưởng.

Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khả quan nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, các nền tảng phát triển duy trì tích cực, là điểm đến đầu tư an toàn, nhờ đó thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia ngày càng mạnh mẽ để xây dựng chuỗi giá trị.

Các hiệp định thương mại tự do đã ký kết sẽ giúp mở rộng thị trường hàng hóa Việt Nam, gia tăng hoạt động thương mại toàn cầu.

Bám sát chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các mục tiêu tại Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, định hướng trong năm 2021 của Sacombank là tận dụng tốt các cơ hội để phát triển với thông điệp “Vững tâm - Vươn tầm”.

Năm nay, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 533.300 tỷ đồng, tăng 8%; tổng nguồn vốn huy động đạt 485.500 tỷ đồng, tăng 9%, trong đó, huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế 478.300 tỷ đồng, tăng 9%; tổng dư nợ tín dụng đạt 372.000 tỷ đồng, tăng 9% (dựa trên cơ sở mức tăng trưởng tín dụng cho phép của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến tình hình kinh doanh trong năm 2021, Hội đồng quản trị Sacombank sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp); lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Để đạt được các mục tiêu trọng yếu trên, Sacombank sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp trọng tâm như đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu theo Đề án; tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn vốn và sử dụng vốn; gia tăng quy mô và hiệu quả kinh doanh; gia tăng niềm tin cho khách hàng về thương hiệu ngân hàng hiện đại, thân thiện; nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của người dùng; cải tiến quy trình, phương pháp điều hành hoạt động kinh doanh và quản trị; tăng cường quản trị rủi ro, giám sát toàn diện hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số và nâng cao năng lực số; nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng nguồn nhân lực…

Nam A Bank bám sát mục tiêu chiến lược “khách hàng là trọng tâm”

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank.

Kết thúc năm tài chính 2020, dù gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhưng Nam A Bank đã tăng trưởng bứt phá, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng tài sản đạt 116% kế hoạch, huy động vốn đạt 114% kế hoạch, cho vay đạt 109% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 101% kế hoạch. Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Bước sang năm 2021, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Trong nước, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5%, theo đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có những chính sách phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh, đồng thời đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng trên.

Năm 2021 là năm đầu tiên Nam A Bank bước vào thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Để tạo nền tảng vững chắc và đà tăng trưởng cho giai đoạn tới, tập thể

Nam A Bank sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, bám sát mục tiêu chiến lược “khách hàng là trọng tâm” và hoàn thành kế hoạch kinh doanh trên cơ sở thực thi 3 nhóm giải pháp “củng cố, duy trì, tăng trưởng - hiệu quả”.

Một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh trọng yếu năm nay bao gồm: tổng tài sản 148.000 tỷ đồng, tăng 10,2%; huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá 122.000 tỷ đồng, tăng 16%; dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế 107.000 tỷ đồng, tăng 20%; tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.400 tỷ đồng.

Với thành quả năm 2020 và sự quyết tâm, đoàn kết của toàn thể cán bộ, nhân viên, sự ủng hộ của cổ đông, sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, Nam A Bank tự tin thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, đồng thời tiếp tục phấn đấu, tiến đến mục tiêu trở thành ngân hàng thương mại cổ phần bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam.

Hồng Dung - Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục