CEO Deloitte Việt Nam: M&A ngành ngân hàng sẽ sôi động trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam đã có những nhận định lạc quan sức hấp dẫn của ngành ngân hàng Việt Nam với các nhà đầu tư ngoại.
Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam

Cùng với việc đánh giá cao những gì mà kinh tế Việt Nam đã đạt được trong năm 2020, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, trong chia sẻ mới đây dưới góc nhìn của một chuyên gia đã khẳng định rằng: ngành ngân hàng có một năm khá thành công trên nhiều phương diện.

Tuy vậy, theo ông Thinh, cũng như các ngành khác, hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng đã chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh.

“Rủi ro kinh tế toàn cầu tăng lên khiến nhà đầu tư có xu hướng tăng nắm giữ tiền mặt, các nhà đầu tư thận trọng hơn trong quyết định đầu tư. Các ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng này, việc đầu tư mở rộng ra các thị trường khác, trong đó có Việt Nam sẽ được đánh giá kỹ càng hơn. Trong khi đó, dịch bệnh khiến nợ xấu tiềm ẩn của các ngân hàng trở nên đáng lo ngại hơn”, ông Thinh nhận định.

Cũng vì các lý do đó, các giao dịch cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai do việc hạn chế đi lại, giãn cách xã hội trong thời gian bệnh dịch. Ngoài ra, một phần nguồn vốn đầu tư bị hạn chế khi các nước có truyền thống đầu tư tại Việt Nam cũng chịu tác động mạnh của dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, có cái nhìn khá lạc quan, ông Thinh cho rằng, Việt Nam vẫn đã và đang là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế.

Lý giải cho nhận định này, ông Thinh đã viện dẫn các yếu tố liên quan đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, sức hấp dẫn trong tăng trưởng kinh tế trong thời gian vừa qua, sức hấp dẫn đến từ thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn… Chưa kể, các ngân hàng nước ngoài cũng như các ngân hàng có cổ đông nước ngoài đã và đang kinh doanh với kết quả rất ấn tượng.

Theo ông Thinh, thì M&A ngành ngân hàng cho đến nay đã trải qua được hơn ba chu kỳ khác nhau từ năm 2000 đến nay. Và hiện nay, M&A của ngành ngân hàng sẽ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, như tài chính tiêu dùng, ngân hàng bán lẻ và các dịch vụ ngân hàng, thay vì việc mua nhằm mục tiêu kiểm soát và gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, ông Thinh cho rằng, hiện nay, các giới hạn về sở hữu khiến cho mức độ hấp dẫn trong việc đầu tư giảm đi, nhà đầu tư chưa có nhiều quyền kiểm soát đối với các hoạt động của ngân hàng nên khả năng các giao dịch lớn đáng kể sẽ tương đối hạn chế cho lĩnh vực ngân hàng, và sẽ tập trung vào nhóm các nhà đầu tư quỹ, tổ chức tài chính tìm kiếm lợi nhuận hoặc cơ hội tìm hiểu thị trường.

“Nhưng có nhiều yếu tố để hy vọng M&A ngành ngân hàng sẽ có nhiều điểm sáng trong năm 2021”, ông Thinh bày tỏ quan điểm.

Các lý do được đưa ra, đó là nhu cầu về vốn của các ngân hàng Việt Nam đang còn rất lớn. Hiện có khá nhiều ngân hàng đang xây dựng kế hoạch chào bán cổ phần, phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“Trong khi các ngân hàng đang kinh doanh với hiệu quả cao, rõ ràng ngành ngân hàng Việt Nam đang có một sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư. M&A là một phương thức cho các ngân hàng nước ngoài xâm nhập thị trường, khi mà Chính phủ hạn chế ban hành giấy phép thành lập ngân hàng mới”, ông Thinh nói.

Hơn thế nữa, Việt Nam đang tiếp tục là một điểm sáng về kinh tế cũng như trong kiểm soát dịch bệnh, điều này làm Việt Nam tiếp tục là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

“Với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, hy vọng các thương vụ sẽ được tái khởi động tạo ra thị trường M&A sôi động trong thời gian còn lại của 2021”, ông Thinh nhận định.

Ở một góc độ khác, ông Thinh cho rằng, việc EVFTA và EVIPA cùng nhiều FTAs khác được ký kết cũng đang mở ra cơ hội cho ngân hàng Việt đón làn sóng nhà đầu tư ngoại, khôi phục đà tăng trưởng sau dịch bệnh.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, EVFTA dự báo tác động không nhiều đến dòng vốn của EU vào thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam.

“EU là khu vực vốn không có nhiều hoạt động đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng trong quá khứ. Một yếu tố quan trọng là khác biệt về trình độ và văn hóa quản trị. Tuy nhiên, trong dài hạn, khi khoảng cách về trình độ quản trị được rút ngắn, với sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam, các ngân hàng Việt Nam sẽ thu hút đươc các nguồn vốn đầu tư từ thị trường này”, ông Thinh nhấn mạnh.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục