Ngân hàng tuần qua: Ngân hàng chật vật chờ room tín dụng, đáo hạn trái phiếu vẫn khó khăn

Một số ngân hàng có thể được nới room vốn ngoại, áp lực trái phiếu vẫn căng thẳng, thị trường mua bán nợ thiếu khung pháp lý, đề xuất nới room ngân hàng, nợ xấu gia tăng... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

Áp lực lớn với ngân hàng từ nợ xấu và trích lập dự phòng

Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới, khi nợ xấu và trích lập dự phòng là những áp lực khá lớn.

Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng bước siết tín dụng với lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có bất động sản. Báo cáo tình hình hoạt động quý III/2022 của Bộ Xây dựng, tín dụng đối với kinh doanh bất động sản tính đến cuối tháng 8 giảm hơn 7.340 tỷ đồng so với tháng 6, còn 777.235 tỷ đồng.

Còn về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu phát hành khoảng 323.000 tỷ đồng, trong đó đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản 93.000 tỷ đồng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, huy động vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi vốn cho bất động sản là dài hạn, nên mở rộng tín dụng lĩnh vực này sẽ tiềm ẩn rủi ro.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2020-2022 là trái phiếu bất động sản. Trong đó, công ty chưa niêm yết chiếm trên 80%. Trong giai đoạn này, trái phiếu doanh nghiệp đa số do các ngân hàng thương mại phát hành và mua lại với lượng lớn từ các công ty bất động sản - chiếm hơn 40% lượng trái phiếu phát hành và giao dịch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo TS. Hiển, nếu nhìn vào số liệu trên của NHNN, thì thị trường bất động sản cũng không thiếu vốn. Vướng mắc ở đây phải chăng do các doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng, không có dòng tiền quay vòng vốn. Vì thế, giải pháp cho thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn hiện nay là phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Như vậy, sự suy thoái của bất động sản, nhìn ở góc độ tích cực, cũng là một sự thanh lọc để thị trường lành mạnh, vốn chảy vào đúng lĩnh vực cần thiết, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đưa bất động sản về đúng giá trị thật.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI giữ quan điểm, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực khá lớn. Trong thời gian gần đây, các công ty bất động sản gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tái cơ cấu nợ cho hoạt động kinh doanh của mình, dẫn đến gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ. Một số doanh nghiệp đã yêu cầu hoãn thanh toán gốc và thanh toán lãi. Tổng số trái phiếu sau khi loại trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành đang lưu hành khoảng 945.000 tỷ đồng, trong đó 27% sẽ đáo hạn vào năm 2023 - 2024 và 12% sẽ đáo hạn vào năm 2025. Gần một phần ba số trái phiếu này nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Tuy nhiên, con số này vẫn không bao gồm những trái phiếu đã được phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân, nhưng có bảo lãnh thanh toán, cũng như những trái phiếu hiện không có trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Vì thế, ngân hàng vẫn sẽ chịu rủi ro tín dụng liên quan đối với những trái phiếu theo hợp đồng repo.

Ngoại trừ big 4, ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được nới room ngoại lên 49%

Đây là nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Cụ thể, dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 như sau: “Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong trường hợp tổ chức tín dụng cổ phần chào bán cổ phần, phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ”.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 7 về tỷ lệ room vốn ngoại. Theo đó, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn quy định tại khoản 5 Điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc.

Thời gian qua, Vietcombank, MB, HDBank đã lấy ý kiến cổ đông về nhận chuyển giao bắt buộc. Trong khi đó, VPBank cũng đang trong quá trình lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Các ngân hàng chuyển giao bắt buộc lần lượt là: CB, OCeanBank, DongABank và GPBank.

Như vậy, nếu dự thảo Nghị định trên được thông qua, MB, HDBank và VPBank có thể sẽ được nới room vốn ngoại lên tới 49%.

Riêng với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP quy định, đối với tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ, phương án tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước trước khi trình Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Cách đây 2 ngày, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025.

Trong đó, Agribank nằm trong danh sách cổ phần hóa giai đoạn này, tỷ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là trên 65%. Đối với Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Nhà nước tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 64,46%.

Đối với 2 ngân hàng là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chính phủ sẽ thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ và “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2030" nêu tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ kế hoạch sắp xếp và tỷ lệ vốn dự kiến Nhà nước nắm giữ tại 02 ngân hàng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 80,9% vốn tại BIDV và 74,8% vốn tại Vietcombank.

Áp lực đáo hạn trái phiếu lớn một phần do lỗi của công ty chứng khoán và ngân hàng”

Chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “lụt thanh khoản” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp một phần do lỗi của công ty chứng khoán và ngân hàng đã “hứa lèo” với nhà đầu tư.

Phát biểu tại Hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” do Tạp chí tài chính Doanh nghiệp tổ chức sáng 30/11, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế (CIB) cho rằng, áp lực trái phiếu đáo hạn một phần có nguyên nhân từ các công ty chứng khoán và ngân hàng.

“Các tổ chức này, để bán được trái phiếu, họ hứa với nhà đầu tư sẽ mua lại trong 3-6 sau khi phát hành. Đến khi trái chủ yêu cầu mua lại thì họ không mua hoặc không đủ năng lực mua. Nhưng nếu đẩy trách nhiệm này cho nhà phát hành thì không đúng quy định, bởi thời hạn phát hành thường ít nhất là 1 năm”, ông Danh nhận định.

Để giúp doanh nghiệp giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, ông Mã Thanh Danh đề xuất 3 nhóm giải pháp.

Trước hết phải tính toán khả năng từ nội tại chính doanh nghiệp. Nếu không đủ tiền, doanh nghiệp có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại.

Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, doanh nghiệp có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn. Trong trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, doanh nghiệp có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.

Riêng với doanh nghiệp có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém khả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, doanh nghiệp buộc phải bán các tài sản mình đang có để thanh toán với các trái chủ. Đó có thể là đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tìm giải pháp từ bên ngoài thị trường. Thị trường chứng khoán đang phục hồi là cơ hội để doanh nghiệp có thể tính toán phương án huy động vốn qua thị trường này để thanh toán trái phiếu. Thậm chí họ có thể bán bớt cổ phiếu quỹ để thu tiền về.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là cần nguồn vốn trung và dài hạn để phát triển, sau khi không huy động được bằng kênh cổ phiếu và vay ngân hàng. Vì thế, thị trường Việt Nam rất cần những ngân hàng đầu tư (Investment Banking) có nguồn vốn lớn cho vay trung và dài hạn. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, họ sẽ đồng hành lâu dài bằng cách chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường chứng khoán cũng chưa được nâng hạng. Khi thị trường được nâng hạng sẽ đón thêm nhiều dòng vốn lớn đổ vào, giúp doanh nghiệp đỡ áp lực về nguồn vốn.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, các công cụ mua bán nợ tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến. Đồng thời, nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản, thì các trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu ra gặp nhiều rủi ro khi đầu tư trái phiếu là đầu tư theo tin đồn, đồng thời do thông tin thiếu minh bạch.

“Một phần nguyên nhân khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp là do những công ty phát hành công bố thông tin sai sự thật, thông tin giả, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế, không có tài sản đảm bảo.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định, không có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán”, ông Hưng nói.

Theo chuyên gia này, ngoài doanh nghiệp phát hành, các đơn vị môi giới, các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán cần minh bạch hơn trong quá trình tư vấn phát hành trái phiếu. Thậm chí, nhiều đơn vị hoạt động môi giới đầu tư trái phiếu khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép.

Các công ty chào bán không tuân thủ quy định, chưa xác nhận minh bạch thông tin đơn vị phát hành trái phiếu. Thậm chí, các đơn vị tư vấn và đại lý phát hành đã có động thái để “hỗ trợ” nhà đầu tư không đủ tiêu chuẩn tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ để thu hút dòng tiền.

Trên thị trường thế giới, các nhà đầu tư chủ yếu đầu tư thông qua quỹ mở với đội ngũ chuyên nghiệp. Các đơn vị này sẽ đầu tư những trái phiếu tốt, có độ an toàn cao, giúp nhà đầu tư linh hoạt trong thoái vốn.Trên thế giới, quỹ mở chiếm 80% giá trị đầu tư chứng khoán với tổng giá trị năm 2020 là 44.000 tỷ USD. Trong đó, đầu tư trái phiếu chiếm khoảng 45%. Tại Việt Nam, quy mô quỹ mở còn thấp, chỉ chiếm 0,5% GDP trong năm 2022.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp nở rộ ở nước ta giai đoạn vừa qua, chủ yếu là trái phiếu bất động sản của doanh nghiệp chưa niêm yết. Trong khi đó, nền kinh tế hiện nay đang có xu hướng thâm dụng vốn. Trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ tổng vốn trên doanh thu vượt 122%, nghĩa là các công ty niêm yết đang dùng vốn nhiều hơn để tạo ra doanh thu.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những dấu hiệu để nhận định trái phiếu doanh nghiệp an toàn là lãi suất cao không quá 30% so với lãi suất cho vay ngân hàng. Những công ty phát hành là công ty cổ phần đại chúng niêm yết hoặc được tổ chức xếp hạng uy tín đánh giá AAA.

“Nhà đầu tư nên tìm hiểu những công ty nổi tiếng, nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán. Các công ty này thường phát hành trái phiếu với lãi suất nằm giữa lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại hoặc cao hơn tối đa 4%, tính đến thời điểm hiện tại lãi suất có thể nằm ở mức 14% trở xuống. Như vậy, mức lãi suất này cho thấy tính ổn định và tương đối an toàn, giảm tỷ lệ rủi ro cho nhà đầu tư”, chuyên gia này khuyến nghị.

Thực tế, trái phiếu doanh nghiệp ở nước ta giai đoạn trước năm 2020 có lãi suất và quy mô phù hợp. Giai đoạn 2020-2022 xuất hiện nhiều công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ có lãi suất cao, tức đã tiềm ẩn rủi ro.

“Hiện tại, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư và hỗ trợ cho các công ty sản xuất kinh doanh”, ông Hiển đề xuất.

Ngân hàng, doanh nghiệp co kéo room tín dụng

Một số ngân hàng thương mại đang giảm lãi suất cho vay để “ghi điểm” với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi thời điểm “xét room” tín dụng cho năm 2023 cận kề. Trong khi đó, các doanh nghiệp than phiền, xấu hay tốt đều chung cảnh kẹt room tín dụng.

Trong khi cuộc đua tăng lãi suất huy động vẫn chưa dừng lại, thì trên thị trường đã có những ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Tuần qua, Vietcombank tiên phong giảm lãi suất cho vay tới 1% với các khoản vay bằng tiền đồng đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu, cùng thời điểm rộ lên tin đồn Vietcombank nằm trong số các ngân hàng được cấp thêm room tín dụng trong thời gian ít ỏi còn lại của năm.

Đầu tuần này, HDBank công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm lên tới 3,5%/năm với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, với số tiền giảm lãi suất khoảng 120 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay không chỉ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, mà còn để thực hiện cam kết trước đó, cũng như để “ghi điểm” với NHNN khi thời điểm cấp room tín dụng mới cận kề.

Trước đó, lãnh đạo NHNN khẳng định, việc cấp room tín dụng không chỉ dựa vào tình hình sức khỏe của ngân hàng, mà còn phụ thuộc vào tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân và một số tiêu chí khác.

Câu chuyện room tín dụng tiếp tục nóng bỏng bởi áp lực chéo từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn phục vụ sản xuất. Chính vì vậy, TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét nới room tín dụng thêm 2%.

Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn NHNN nới room tín dụng trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao dịp cao điểm cuối năm.

Trong khi doanh nghiệp tha thiết muốn nới room, thì Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, các ngân hàng thương mại đang thiếu nguồn vốn huy động để cho vay do tín dụng tăng trưởng cao, trong khi huy động vốn tăng thấp. Vì vậy, ngay cả khi NHNN nới room thì các ngân hàng cũng không có vốn để cho vay (do dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, thanh khoản không còn dồi dào).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay không đồng đều. Trong khi đa phần ngân hàng nhỏ rơi vào tình trạng thiếu nguồn vốn, thì một số ngân hàng lớn (đặc biệt ngân hàng thương mại có vốn nhà nước) vẫn khá dồi dào thanh khoản và vẫn có thể tăng dư địa cho vay thêm.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, NHNN hoàn toàn có thể nới thêm room tín dụng 1-2% trong tháng cuối cùng của năm để giải tỏa tình trạng căng thẳng nguồn vốn cho nền kinh tế. Tất nhiên, việc nới room chỉ nên tập trung vào một số ngân hàng khỏe và chỉ giải ngân cho các lĩnh vực ưu tiên.

Tình trạng room tín dụng cạn kiệt đang gây ra nhiều bất cập, với bất cập lớn nhất là doanh nghiệp tốt hay xấu đều chung cảnh cạn room. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (Châu Thành, Bến Tre) cho biết, lãi suất vay vốn tại công ty ông đã tăng 2%/năm với cả khoản vay bằng tiền đồng lẫn ngoại tệ. Tuy nhiên, trớ trêu là, ngay cả khi có tiền, ông vẫn không dám trả nợ ngân hàng, do sợ không được ngân hàng giải ngân khi có đơn hàng.

Tình cảnh này cũng diễn ra ở một số doanh nghiệp khác. Bà Trần Lệ Hằng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lê My Trần (Đà Nẵng) cho biết, doanh nghiệp này cũng không dám trả nợ ngân hàng vì ngân hàng thông báo là chỉ thu hồi nợ, chứ không giải ngân mới. Theo bà Hằng, mặc dù chủ trương của NHNN là siết chặt cho vay bất động sản, song thực tế thời gian qua, các ngân hàng chỉ tập trung cho vay bất động sản, nên khi hết room lại siết cào bằng, khiến doanh nghiệp thương mại cũng không có vốn để kinh doanh.

Trước tình trạng bất cập về room tín dụng, TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, NHNN không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành, mà chỉ nên quy định room ở một số nhóm ngành có tính đầu cơ cao. Thậm chí, đối với bất động sản, chỉ nên quy định trần với phân khúc có tính đầu cơ cao (như cho vay mua đất nền) và không nên bó room với phân khúc phục vụ nhà ở thật, nhà ở xã hội…

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu đã đưa ra được room tín dụng cho lĩnh vực rủi ro cao, NHNN cũng có thể bỏ room tín dụng của toàn ngành trên cơ sở siết chặt các tỷ lệ an toàn rủi ro. Đơn cử, với tình hình thanh khoản hiện tại, nếu NHNN siết chặt các chỉ tiêu về an toàn vốn, kể cả khi nới room, thì không phải ngân hàng nào cũng có thể cho vay. Nói cách khác, bỏ trần tín dụng cũng là cách để các ngân hàng cạnh tranh công bằng hơn.

TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, việc áp dụng trần tín dụng đang khiến ngành ngân hàng trở nên kém cạnh tranh hơn và có thể khiến tín dụng biến tướng sang các dạng khác.

Việc kiểm soát cung tiền của NHNN là rất cần thiết, nhất là với một nền kinh tế có tỷ lệ tín dụng/GDP cao như Việt Nam. Hiện nay, ngoài kiểm soát cung tiền một cách trực tiếp là đưa ra chỉ tiêu room tín dụng, NHNN đang kiểm soát cung tiền bằng các yếu tố khác như lãi suất điều hành, Hệ số An toàn vốn (CAR), tỷ lệ cho vay trên huy động, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn…

Các chuyên gia cho rằng, nếu tận dụng tốt các công cụ này, NHNN hoàn toàn có thể bỏ room tín dụng. Ngoài ra, để tránh hiện tượng tín dụng tăng trưởng giật cục như năm nay, NHNN nên giao hẳn chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm để ngân hàng và doanh nghiệp chủ động kế hoạch kinh doanh.

Trong văn bản vừa gửi các tổ chức tín dụng, NHNN vẫn kiên định room tín dụng 14% và nhắc nhở các ngân hàng tăng trưởng tín dụng phải trên cơ sở đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng. NHNN khẳng định, thời gian tới, sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình của hệ thống và từng tổ chức tín dụng để có giải pháp điều hành room tín dụng phù hợp theo chủ trương của Chính phủ.

Thiếu khung pháp lý vững chắc, thị trường mua bán nợ chưa hấp dẫn nhà đầu tư

Tại Tọa đàm “Phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam” diễn ra hôm nay (29/11), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, sự ra đời và phát triển của thị trường mua bán nợ đã, đang và sẽ đóng góp vô cùng quan trọng trong sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và sự ổn định, an toàn tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng và hệ thống doanh nghiệp.

Cách đây 1 năm (15/10/2021), Sàn giao dịch nợ VAMC đã chính thức ra mắt. Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động mua bán nợ trên sàn diễn ra kém sôi động.

Từ thực tế này, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, thị trường mua bán nợ Việt Nam về cơ bản vẫn còn khá sơ khai, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đó là khung pháp lý cho hoạt động thị trường mua bán nợ chưa thống nhất, bất cập, thiếu và yếu. Thị trường chưa thu hút được đa dạng thể tham gia, dẫn đến số lượng chủ thể còn ít. Hàng hóa trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng. Quy mô thị trường mua bán nợ còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Kỹ thuật, phương pháp định giá khoản nợ còn thiếu tính thị trường. Hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa có sự kết nối thông tin chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia thị trường.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn tới được dự báo diễn biến khó lường, tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn về chính trị và xung đột vũ trang ở một số khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng vay, dẫn tới nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Phát biểu tại Tọa đàm, chuyên gia IFC cũng cho rằng, một thị trường năng động với những bên bán sẵn sàng, khung pháp lý mạnh mẽ, luật lệ, quy định thống nhất, không có mâu thuẫn; đơn giản hoá thủ tục cưỡng chế tài sản đảm bảo… là những yếu tố tác động tích cực đối với thị trường, thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường. Song song với đó, Việt Nam cần phải tháo gỡ một số rào cản khác để tăng hiệu quả của thị trường như những khó khăn liên quan đến chuyển nhượng tài sản; những điểm chưa rõ ràng liên quan đến việc trả lại vật chứng trong vụ án hình sự…

Nghiên cứu từ một số nước thị trường mua bán nợ thành công như Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, một trong những yếu tố giúp cho thị trường mua bán nợ các nước trên phát triển là nhờ khuôn khổ pháp luật chặt chẽ, chi tiết cho hoạt động mua bán nợ; quy định tiêu chuẩn về việc định giá nợ và tài sản đảm bảo. Các loại hàng hoá trên thị trường đa dạng, trong đó khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường. Và điều kiện quan trọng nữa là phát triển thị trường thứ cấp.

Để phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là Nghị định về thị trường mua bán nợ. Trong đó bổ sung các chủ thể tham gia thị trường gồm nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước; mở rộng phương thức mua bán nợ trong đó cho cho phép chứng khoán hoá. Đặc biệt, sớm luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 và nhu cầu thời gian tới.

“Phải nhất quán, đồng bộ quy định việc tham gia của nhà đầu tư tư nhân khi sửa Luật đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS; phát triển thị thứ cấp, tăng tính thanh khoản; đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các TCTD, DNNN; tăng năng lực tài chính cho VAMC…”, TS. Lực lưu ý thêm.

Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định, việc thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng.

Do đó, NHNN và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị hoạt động hiệu quả, thực hiện được đầy đủ chức năng nhiệm vụ, sứ mệnh được giao, từng bước tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung trong tương lai.

Thương vụ nghìn tỷ tiếp tục khuấy động thị trường bancassurance

Thị trường bảo hiểm, ngân hàng vừa chứng kiến cú bắt tay hợp tác giữa LienVietPostbank và Dai - ichi Life Việt Nam. Thương vụ này làm thị trường bancassurance Việt Nam càng thêm sôi động.

Cuối tuần qua, sự kiện LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam Ký kết Hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền 15 năm được thị trường đặc biệt chú ý. Không chỉ bởi đây là sự kết hợp giữa hai thương hiệu danh tiếng trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm mà còn bởi đội ngũ tư vấn quốc tế hùng hậu tham gia thương vụ này.

Cụ thể, J.P. Morgan - định chế tài chính hàng đầu thế giới - là đơn vị tư vấn tài chính độc quyền cho LienVietPostBank, Linklaters tư vấn luật và Milliman là đơn vị tư vấn định giá. Linklaters là hãng luật hàng đầu thế giới, hiện cung cấp dịch vụ tư vấn luật trên 100 quốc gia, tham gia tư vấn luật cho nhiều giao dịch bancassurance tại khu vực châu Á. Trong khi đó, Milliman cũng là công ty hàng đầu thế giới về tư vấn định giá bảo hiểm nhân thọ, đã thực hiện nhiều hợp đồng tư vấn cho các giao dịch hợp tác bancassurance tại khu vực châu Á.

Giá trị thương vụ đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Tuy vậy, với giá trị thương hiệu của LienVietPostBank, Dai –ichi Life cũng như nhìn vào danh sách đơn vị tư vấn và định giá - đều là các tổ chức tư vấn quốc tế hàng đầu thế giới - có thể thấy, đây chắc chắn là một thương vụ “khủng”, giá trị ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

LienVietPostBank là cái tên hiếm hoi còn lại trong hệ thống ngân hàng chưa ký hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm. Trong 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận lên tới 72% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành mục tiêu của cả năm, trong đó có đóng góp lớn từ mảng dịch vụ (tăng 43%).

Sức khỏe lành mạnh, tệp khách hàng bán lẻ chất lượng, mạng lưới chi nhánh rộng lớn cùng hệ thống ngân hàng số đang được phát triển mạnh… LienVietPostBank là ngân hàng được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm để mắt tới. Trong khi đó, Dai-ichi Life Việt Nam là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Việt Nam.

Cú bắt tay này được dự đoán sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên. Thực tế, trước khi ký hợp đồng bảo hiểm độc quyền, LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam đã có 6 năm hợp tác, cung cấp dịch vụ tài chính cho gần 180.000 khách hàng với tổng doanh thu phí bảo hiểm lên tới hàng nghìn tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch mục tiêu ký kết ban đầu. LienVietPostBank cũng lọt vào top 9 ngân hàng có doanh số bancassurance lớn nhất hệ thống hiện nay.

Việc LienVietPostBank và Dai -ichi Life Việt Nam ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền khiến thị trường bancassuarance càng thêm sôi động. Tính đến đầu năm nay, trên thị trường đã có 61 hợp đồng hợp tác ngân hàng – bảo hiểm diễn ra. Trong đó có 40 hợp đồng hợp tác theo hình thức độc quyền và 21 hợp đồng hợp tác không độc quyền.

Trong những tháng đầu năm, thị trường tiếp tục chứng kiến thêm nhiều cú bắt tay giữa ngân hàng với bảo hiểm như: Agribank và FWD Việt Nam, Shinhan Life Việt Nam với Shinhan Việt Nam, VPBank và AIA gia hạn Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn từ 15 năm lên 19 năm...

Trước đó, rất nhiều thương vụ bắt tay ngàn tỷ đã được ký kết: Vietinbank – Manulife, Vietcombank - FWD, ACB – Sunlife, Techcombank – Manulife, MSB – Prudential, VIB – Prudential, Sacombank – Daiichi Life…

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, các ngân hàng có lợi thế về mạng lưới, đội ngũ nhân viên am hiểu, ngân hàng số phát triển… rất phù hợp cho việc phân phối sản phẩm bảo hiểm nên bancassurance đang ngày càng bùng nổ. Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như giúp cung cấp nhiều tiện ích đa dạng hơn cho khách hàng.

Bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay, thời gian qua, hoạt động bancassurance tại Việt Nam đã phát triển một cách mạnh mẽ. Tính riêng nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới.

“Doanh thu bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã giúp ngành bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định”, bà Phương cho biết.

Về phía ngân hàng, theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, thời gian qua, rất nhiều ngân hàng tích cực triển khai hoạt động bancassurance. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bancassurance tăng trưởng tới 23%. Doanh thu phí từ bancassurance hiện đang chiếm khoảng 5-10% tổng thu nhập hoạt động của mỗi ngân hàng.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường bancassurance Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng tích cực do tăng trưởng kinh tế giai đoạn từ nay tới năm 2025 tăng trung bình 6,5-7%/năm; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm của Việt Nam còn thấp (hiện đang là 2,7% và Chính phủ mong muốn nâng lên mức 3,5% vào năm 2025). Đặc biệt, mức độ bao phủ bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn rất thấp. Hiện chỉ khoảng 10% dân số Việt Nam mua bảo hiểm nhân thọ trong khi con số này tại Malaysia là 50%, tại Singapore là 80%.

Hiện nay, tỷ lệ khách hàng mua bảo hiểm tại ngân hàng cũng rất thấp, mới chiếm 5-8% lượng khách hàng của ngân hàng, đây cũng chính là dư địa để các ngân hàng tăng tốc trong lĩnh vực này. Với nền tảng số ngày càng cải thiện, các ngân hàng dễ dàng mở rộng kênh phân phối bảo hiểm hơn nữa, thông qua tệp khách hàng sẵn có. Với đà tăng tích cực từ đầu năm, thị trường bancassurance được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 30% trong năm nay.

Ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Tổng Giám đốc LienVietPostBank khẳng định: “Thông qua quan hệ hợp tác độc quyền với Dai-ichi Life Việt Nam, LienVietPostBank cam kết mang tới cho hàng triệu khách hàng những giải pháp bảo hiểm nhân thọ toàn diện, không chỉ được thiết kế phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc khách hàng mà còn với một mức chi phí thật sự cạnh tranh trên thị trường và chất lượng dịch vụ tốt nhất nhờ sự đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi trên nền tảng số”.

Lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Chính phủ nới room tín dụng thêm 2%

TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét nới room tín dụng thêm 2% để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bất động sản.

Chiều ngày 27/11, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ, ngành đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi kiến nghị với Thủ tướng nhiều vấn đề cần được tháo gỡ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tình hình khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn phục vụ sản xuất, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét nới room tín dụng thêm 2% và cho phép sử dụng nguồn tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh để giải ngân cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thanh toán kỳ hạn ngắn.

Ông Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Chính phủ thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như một số nước đang làm và phong tỏa tài sản của một số đơn vị có liên quan đến một số vụ việc. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Trước tình hình người lao động bị mất việc do doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, lãnh đạo UBND TP. HCM kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ người lao động vì vào thời điểm gần đến Tết âm lịch, người lao động rất khó tìm được việc mới.

Đối với tình hình cung ứng xăng dầu, TP. HCM kiến nghị Chính phủ mở room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng thời, tính toán tỷ lệ chiết khấu hợp lý để đảm nguồn cung xăng dầu.

Đối với lĩnh vực y tế, TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương (nguồn vốn trong nước) 4.500 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ TP. HCM, quy mô 1.000 giường gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức; Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi.

T.L
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục