Tuy vậy, bất cập trong phân bổ room tín dụng năm nay cho thấy, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành room tín dụng linh hoạt hơn trong năm 2023.
Nới room tín dụng có giải được cơn khát vốn?
Một số chuyên gia, doanh nghiệp đang đề nghị nới room tín dụng cho thời gian còn lại của năm 2022 do tình trạng cạn kiệt nguồn vốn đã đến cực điểm. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng nới thêm room tín dụng 1-2% trong 2 tháng cuối năm để tạo đà cho năm tới, nếu không nền kinh tế sẽ gãy đà tăng trưởng.
Tuy vậy, trao đổi với phóng viên tại Talk show “Gỡ nghẽn dòng tiền” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, nới room tín dụng thời điểm này không phải là giải pháp.
“Khó khăn trong việc tiếp cận vốn không còn nằm ở room tín dụng, bởi chỉ còn gần 2 tháng là hết năm 2022, mà vẫn còn 2% và nới room tín dụng hơn nữa, thì việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp liệu có kịp không?”, TS. Tuấn đặt câu hỏi.
Trên thực tế, dù room tín dụng vẫn còn khoảng 2% chưa giải ngân hết, song các ngân hàng đang trong thế kẹt. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng trên thị trường đã có tỷ lệ cho vay/huy động tại thị trường 1 vượt mức 90%, thậm chí không ít ngân hàng vượt 100%, nghĩa là số tiền ngân hàng cho vay đã vượt quá cả số vốn huy động.
Tình trạng căng thẳng nguồn vốn của hệ thống là rất dễ hiểu khi tín dụng 10 tháng tăng 11,5%, nhưng huy động vốn chỉ tăng 4,8%. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, hiện nay, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, các ngân hàng đang rất khó khăn về hệ số an toàn vốn.
“Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có nới thêm room tín dụng, thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay thêm”, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết.
Chính vì vậy, thừa nhận room tín dụng hạn hẹp là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp khô cạn dòng vốn, song các chuyên gia cho rằng, chìa khóa giải tình trạng tắc nghẽn vốn trên thị trường nếu nhắm vào tín dụng là chưa chuẩn.
“Phải nhìn nhận rất thực tế rằng, chúng ta khó khăn trong việc tiếp cận vốn là do khó khăn từ thị trường trái phiếu bị tê liệt. Do đó, để gỡ nghẽn cho nền kinh tế, phải tập trung gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu”, TS. Trần Minh Tuấn nhận định.
Mặc dù tín dung không phải là tội đồ gây nghẽn vốn của nền kinh tế, song nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế điều hành room tín dụng năm nay cũng bộc lộ nhiều điểm bất cập và nhà điều hành cần rút kinh nghiệm. Tình trạng tín dụng tăng phi mã trong nửa đầu năm (có thời điểm tăng 17% so với cùng kỳ) sau đó gần như đóng băng trong nửa cuối năm khiến nhiều doanh nghiệp vỡ kế hoạch kinh doanh.
Cơ chế điều hành room tín dụng cần linh hoạt hơn
Trong dài hạn, chúng ta nên bỏ room tín dụng. Trước mắt, tôi tán thành quan điểm cho rằng, điều hành room tín dụng thời gian tới cần linh hoạt hơn. Theo tôi biết, ngân hàng Nhà nước cũng đang xem xét vấn đề này, bên cạnh việc đưa ra những tiêu chí để xác định room tín dụng cho mỗi tổ chức tín dụng. Chính phủ đang triển khai các giải pháp gỡ khó từ tổng thể dòng tiền gắn 3 yếu tố: ổn định vĩ mô; an toàn hệ thống tài chính ngân hàng; phục hồi, gỡ khó cho sản xuất - kinh doanh.
- TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế
Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, những tháng đầu năm nay, tín dụng tăng rất mạnh do nhu cầu phục hồi kinh tế. Room tín dụng dự kiến cả năm khoảng 14%, nhưng có những thời điểm, tốc độ tăng room tín dụng lên tới 17% so với cùng kỳ. Trong những thời điểm đó, tổng cung tiền lại chỉ tăng 5-6%, khiến thanh khoản của không ít ngân hàng gặp nhiều khó khăn, buộc phải tăng lãi suất đầu vào.
Tất nhiên, cung tiền khan hiếm của nền kinh tế không chỉ do tín dụng tăng, mà còn do nhiều yếu tố khác, như giải ngân vốn đầu tư công chậm, thị trường trái phiếu, bất động sản khó khăn… Ngoài ra, tín dụng tăng nhanh nửa đầu năm sau đó hãm phanh đột ngột cũng đòi hỏi nhà điều hành rút kinh nghiệm.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì phân chia room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nên giao hẳn chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm để ngân hàng và doanh nghiệp chủ động kế hoạch kinh doanh.
Việc Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng lắt nhắt nhiều lần làm một số tổ chức tín dụng nảy sinh tâm lý kỳ vọng, thậm chí chạy đua tăng tốc tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm để “ép” nhà điều hành phải nới room trong những tháng cuối năm.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn coi room tín dụng là công cụ tốt để kiểm soát dòng tiền, thì có thể giao ngay từ đầu năm trên cơ sở ưu tiên sức khỏe của từng ngân hàng cũng như ưu tiên từng lĩnh vực cấp tín dụng. Tuy vậy, nếu siết chặt các tỷ lệ an toàn vốn, tôi cho rằng, việc nới room, thậm chí là bỏ room tín dụng cũng không đáng ngại”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Ngoài ra, theo TS. Trần Minh Tuấn, Ngân hàng Nhà nước không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành, mà chỉ nên quy định room ở một số nhóm ngành có tính đầu cơ cao, nhất là cho vay đầu tư chứng khoán. Riêng với tín dụng bất động sản, chỉ nên quy định trần với phân khúc có tính đầu cơ cao (như cho vay mua đất nền) và không nên bó room với phân khúc phục vụ nhà ở thật, nhà ở xã hội…