Ngân hàng Trung Quốc “phá rào” trích lập dự phòng

(ĐTCK) Để làm đẹp báo cáo lợi nhuận quý I, các ngân hàng Trung Quốc buộc phải phá rào giảm tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu xuống thấp hơn mức quy định. Đây là dấu hiệu mới nhất thế hiện những “rắc rối” trong ngành ngân hàng của quốc gia này.
Ngân hàng Trung Quốc “phá rào” trích lập dự phòng

Ngân hàng Công nghiệp và thương mại Trung Quốc (ICBC) đã tránh việc phải công bố một báo cáo lợi nhuận giảm sút bằng cách để tỷ lệ trích lập dự phòng cho nợ xấu ở mức 141%, dưới mức 150% theo quy định của Uỷ ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc. Hành động này giúp lợi nhuận trong quý I/2016 của ICBC tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chen Shujin, chiến lược gia tại DBS Vickers Hong Kong Ltd cho rằng, ICBC sẽ phải báo lợi nhuận giảm 2,5% nếu giữ mức trích lập dự phòng đúng như quy định. Cổ phiếu của ICBC lập tức giảm 1,4% trong phiên giao dịch sáng nay tại Hong Kong.

Trước đó, đầu tuần này, Bank of China Ltd cũng đã lên tiếng nhấn mạnh tới việc các nhà băng đang phải vật lộn để duy trì lợi nhuận, trong bối cảnh nền kinh tế gỉam tốc, các biện pháp của chính quyền kiềm chế tình trạng sử dụng đòn bẩy quá đà khiến nhiều công ty trong trạng thái chờ phá sản.

Tỷ lệ nợ xấu đang ở mức cao nhất kể từ năm 2006, khiến lợi tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng lớn có thể giảm mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ qua. Cũng vì lý do nay, lần đầu tiên Bank of China phá luật, báo cáo tỷ lệ trích lập dự phòng ở 149,1%.

Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc cho rằng, việc giảm tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu từ 150% xuống 120 – 130% là “hợp lý” và “khả thi”. Giới chức Trung Quốc có thể áp dụng tỷ lệ dự phòng khác nhau đối với từng ngân hàng.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố tháng này, Trung Quốc có 1,3 nghìn tỷ USD các khoản nợ không có đủ tài sản bảo đảm, với tỷ lệ nợ không có khả năng thu hồi tương đương 7% GDP.

Lam Phong (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục