Dự báo trên được đưa ra trong Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu quý II mang tựa đề “The aftershock” (tạm dịch: “Dư chấn”) mới được Ngân hàng Standard Chartered công bố.
Theo ngân hàng này, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay với động lực chính đến từ sức khỏe nội tại của nền kinh tế. Các thách thức từ nền kinh tế toàn cầu sẽ một phần nào đó làm suy giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN về sự phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu, chỉ sau Singapore; tỷ lệ giao dịch thương mại so với GDP của Việt Nam ở mức 198%, nằm trong nhóm cao nhất châu Á, trong đó xuất khẩu hàng điện tử chiếm tỷ trọng lớn.
"Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam sẽ đạt 3%. Các công cụ tiền tệ và tài khóa tiếp tục được thực hiện trong nửa cuối năm có thể sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tiến gần hơn tới mục tiêu 4 - 5% do Chính phủ đặt ra”, ông Chidu Narayanan, Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered nhận định.
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sẽ tiếp tục phục hồi và góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm. Tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5% trong năm nay và có mức đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung giảm 1,8 điểm phần trăm. Mức đóng góp vào tốc độ tăng GDP của lĩnh vực dịch vụ dự kiến giảm xuống 0,5 điểm phần trăm từ 2,8 điểm phần trăm của năm 2019.
Hoạt động xây dựng được dự báo sẽ chậm lại do yếu tố tâm lý thị trường và dòng vốn FDI giảm. Tuy nhiên, đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể sẽ trở nên mạnh mẽ hơn so với giai đoạn 18 tháng trước nhờ chương trình kích cầu của Chính phủ.
Ngành du lịch và các hoạt động liên quan bị chững lại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng - dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm khi nền kinh tế đã mở cửa trở lại, nhưng sẽ thấp hơn so với mức tăng của năm 2019.
Các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered dự đoán, hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ cải thiện trong nửa cuối năm khi nhu cầu thế giới phục hồi, mặc dù khó có thể trở lại như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ gia tăng trong ngắn hạn nhờ sức cầu từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu yếu ớt trên thế giới sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng thương mại. Tăng trưởng nhập khẩu có thể sẽ thấp hơn xuất khẩu, do đó, cán cân thương mại dự kiến sẽ tiếp tục thặng dư.
Nghiên cứu cũng dự đoán dòng vốn FDI sẽ sụt giảm trong năm nay, đạt 13 tỷ USD, trước tác động của tình trạng bất ổn gia tăng và tâm lý đầu tư ảm đạm trên toàn cầu. Các biện pháp của Chính phủ sẽ hỗ trợ dòng vốn FDI trong nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, sự dịch chuyển các hoạt động sản xuất không yêu cầu công nghệ cao sang Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị sẽ phần nào bù đắp sự sụt giảm do yếu tố tâm lý đầu tư, từ đó, hỗ trợ dòng vốn FDI.