Ngân hàng nườm nượp nộp đơn xin nới room, nắn vốn vào sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang xem xét kiến nghị nới room tín dụng của hơn 10 ngân hàng thương mại cổ phần.
Các ngân hàng có “sức khỏe” tài chính tốt, rót vốn vào các lĩnh vực ưu tiên sẽ được Ngân hàng Nhà nước ưu ái cấp room tín dụng cao. Các ngân hàng có “sức khỏe” tài chính tốt, rót vốn vào các lĩnh vực ưu tiên sẽ được Ngân hàng Nhà nước ưu ái cấp room tín dụng cao.

Ưu ái cấp room tín dụng cao cho ngân hàng có sức khỏe tốt

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, điều hành tín dụng bằng chỉ tiêu, định hướng là cần thiết, đã phát huy tác dụng tốt trong 10 năm qua cả về kiểm soát lạm phát và chất lượng tín dụng. Bởi vậy, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục điều hành chỉ tiêu tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.

“Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đưa mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 12%. Thực tế 5 tháng đầu năm, tín dụng tăng 5%, chúng tôi đánh giá là phù hợp với diễn biến kinh tế. Trong quá trình triển khai, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh phù hợp với các tổ chức tín dụng có yêu cầu. Hiện nay, chúng tôi đã nhận được kiến nghị nới room của hơn 10 tổ chức tín dụng và đang xem xét, phân tích, đánh giá để xử lý”, ông Hà cho hay.

Được biết, chỉ tiêu tín dụng của các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp dựa trên quy mô, chất lượng tài sản và khả năng tăng trưởng tín dụng thực tế.

Trước đó, một số ngân hàng cho biết, dù mới 5 tháng đầu năm, song các ngân hàng này đã sử dụng gần hết 2/3 room tín dụng của cả năm và đã gửi kiến nghị nới room tới Ngân hàng Nhà nước.

Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao hạn mức tín dụng đến các ngân hàng. Theo đó, ngân hàng thương mại cổ phần được giao hạn mức cao nhất là 12%, nhiều ngân hàng chỉ được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 6 - 8%. Trong khi đó, tại mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua, nhiều ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20 - 30% trong năm nay. Quý II/2021, hàng loạt ngân hàng cũng rầm rộ tăng mạnh vốn điều lệ (đã được đại hội đồng cổ đông thông qua), tạo cơ sở để Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room.

Theo dự báo của các chuyên gia, năm nay, các ngân hàng có “sức khỏe” tài chính tốt, rót vốn vào các lĩnh vực ưu tiên vẫn sẽ được Ngân hàng Nhà nước ưu ái cấp room tín dụng cao. Ngược lại, các ngân hàng trích lập dự phòng nợ xấu chưa đầy đủ, cho vay quá nhiều đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và các lĩnh vực rủi ro khác sẽ khó được nới room.

Nắn dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, không lơ là rủi ro tín dụng

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng 6 tháng đầu năm nay ước tăng 5,5 - 6% và khả năng tín dụng cả năm tăng ở mức 12% là trong tầm tay, thậm chí có thể mở rộng thêm. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.

Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tốc độ tăng tín dụng bất động sản 3 năm nay có xu hướng giảm dần. Tính đến ngày 30/4/2021, tín dụng bất động sản tăng 4,83%, dự kiến hết tháng 6 tăng 5,5%.

Về tín dụng chứng khoán, đến hết tháng 6/2021, dự kiến tỷ trọng cho vay chứng khoán trong khoảng 0,48% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, chiếm khoảng 46.700 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này không thay đổi nhiều so với tháng 4 và tháng 5/2021.

“Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giám sát chặt chẽ cho vay ở lĩnh vực này, tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát, người vay sử dụng đúng mục đích”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho hay, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.

Để mở rộng tín dụng sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực...

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực, bao gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dự kiến, đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục