Ngân hàng nhỏ thất bại với kế hoạch tăng vốn

Saigonbank, Nam A Bank, VietA Bank… là những điển hình về thất bại trong kế hoạch tăng năng lực tài chính nhiều năm liền.

Ngân hàng nhỏ thất bại với kế hoạch tăng vốn

Cụ thể, Nam A Bank đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng kể từ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2012 và sau đó đưa ra kế hoạch nâng vốn lên 4.000 tỷ đồng thông qua việc bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu cũng như đối tác chiến lược trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm, ngân hàng này vẫn chưa thể triển khai và kế hoạch tăng vốn vẫn bất thành.

Trong khi đó, Nam A Bank đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xin gia hạn thời gian thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn. Theo Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng 15/GCN-UBCKNN ngày 8/4/2015 được gia hạn đến ngày 5/8/2015. Trong thời gian gia hạn, Nam A Bank phải hoàn thành việc chào bán cổ phiếu.

Về phần mình, Saigonbank cho biết, phương án tự tái cơ cấu của nhà băng này đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận từ năm 2013. Theo HĐQT Saigonbank, nhìn chung, Ngân hàng đã thực hiện có kết quả và đảm bảo tiến độ cơ cấu lại theo phương án đã được NHNN phê duyệt. Tuy nhiên, đối với việc nâng cao năng lực tài chính từ mức vốn hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng của Saigonbank đã thất bại trong năm 2014.

Cổ đông không mặn mà

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngân hàng nhỏ khó thành công trong kế hoạch tăng vốn điều lệ là do giá cổ phiếu đang giao dịch thấp hơn giá chào bán.

Cụ thể, giá cổ phiếu Nam A Bank hiện giao dịch trên thị trường OTC với mức giá khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá Nam A Bank chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Vì thế, nhà băng này chỉ tăng được thêm 21,1 tỷ đồng sau khi chào bán thành công 2,11 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Lý do khác khiến kế hoạch tăng vốn của Nam A Bank thất bại là do thị trường chứng khoán khó khăn, cổ phiếu ngân hàng nhỏ không hấp dẫn nhà đầu tư.

Năm 2014, NHNN đã cho phép Nam A Bank được tự tái cấu trúc, mở rộng mạng lưới hoạt động. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, Nam A Bank báo lãi 188 tỷ đồng trước thuế, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà Nam A Bank đưa ra cho năm nay ở mức 360 tỷ đồng. Thế nhưng, các yếu tố này chưa đủ lực hút cổ đông rót thêm tiền.

VietA Bank cũng lên kế hoạch tăng vốn từ mức 3.098 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng nhiều năm qua, nhưng chưa thể triển khai, dù nguồn tăng vốn là từ thặng dư vốn cổ phần, Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và phát hành trả cổ tức năm 2013 - 2014 bằng cổ phiếu.

Theo HĐQT VietA Bank, do thị trường có những khó khăn nhất định, nên ngân hàng chia kế hoạch tăng vốn thành 2 đợt. Đợt I, Ngân hàng tăng thêm 402 tỷ đồng để nâng vốn lên 3.500 tỷ đồng và hiện phương án này đã được NHNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. VietA Bank dự kiến thực hiện việc tăng vốn trong quý II/2015, song đến nay chưa thể triển khai.

Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, trước chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành cùng làn sóng M&A nóng dần, các ngân hàng nhỏ không dễ tăng được vốn. Ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cấu trúc, sắp xếp lại với mục tiêu toàn hệ thống chỉ còn 20 - 25 ngân hàng. Vì thế, nếu không tăng được năng lực tài chính, các nhà băng nhỏ sẽ khó tránh khỏi M&A.

Thùy Vinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục