Nhiều ngân hàng nhỏ phải M&A
Mặc dù thông tin chính thức về đơn vị sẽ sáp nhập chưa được công bố, nhưng Maritime Bank cho biết, trong kỳ ĐHCĐ diễn ra vào ngày 19/4 tới, sẽ xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập một TCTD khác vào Ngân hàng. Đồng thời, trên thị trường đã nhanh chóng lan tin về việc Mekong Bank sẽ sáp nhập vào Maritime Bank. Thương vụ sáp nhập Mekong Bank vào Maritimebank cũng không quá bất ngờ với giới ngân hàng, bởi Maritimebank là cổ đông lớn của Mekongbank và hai nhà băng cũng này có cùng một số cổ đông lớn. Vì thế, thương vụ sáp nhập này sẽ có những điểm tương đồng như Southern Bank sáp nhập vào Sacombank.
Hiện Maritimebank đang nắm giữ 10,16% cổ phần Mekong Bank, trong khi Công ty TNHH Đầu tư Phúc Tiến giữ 10%; CTCK Maritimebank giữ 7,39%; CTCP Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán An Phúc nắm 13,34% và cổ đông lớn nhất của MeKong Bank là đối tác chiến lược nước ngoài Fullerton Financial Holdings nắm giữ 20% cổ phần.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, khả năng các thương vụ sáp nhập tới đây sẽ được đẩy nhanh tiến độ và kết thúc sớm hơn so với các thương vụ sáp nhập trước. Lý do, chủ trương của NHNN đang đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc ngành. Xu hướng sáp nhập giữa các ngân hàng là tất yếu trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu hệ thống và thu gọn số lượng các ngân hàng về còn khoảng 17 tổ chức vào năm 2015 của NHNN. Vì thế, khả năng thương vụ sáp nhập MeKong Bank vào Maritimebank cũng như Southern Bank sáp nhập vào Sacombank sẽ hoàn tất sớm trong mùa Hè năm nay. Lãnh đạo Sacombank cho hay, sau khi được cổ đông thông qua tại ĐHCĐ ngày 25/3, hiện hai bên đang ráo riết hoàn tất đề án sáp nhập trình NHNN.
Như vậy, những diễn biến này một lần nữa cho thấy, với ngân hàng nhỏ, con đường duy nhất để có thể tồn tại, phát triển trong bối cảnh hiện nay là M&A. Thực tế, không chỉ 9 ngân hàng nằm trong danh sách tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ, NHNN, mới phải chọn con đường này, mà ngay cả những cái tên ngoài danh sách như: DaiA Bank, Southern Bank… cũng phải tìm đến giải pháp sáp nhập và mất tên vĩnh viễn để có thể trút được gánh nặng nợ xấu.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, cơ quan này đang tiếp tục tiến hành tái cơ cấu các TCTD, sau khi đã triển khai đối với 9 đơn vị trong đợt 1. Sắp tới, NHNN sẽ tiếp tục tái cơ cấu một số TCTD, trong đó sẽ xử lý từ 6 - 7 ngân hàng thông qua hình thức sáp nhập, đưa số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép từ trước đến nay lên khoảng 7 - 10 ngân hàng. Theo Thống đốc NHNN, hiện tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đã giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 3,6 - 3,9%, nhưng theo đánh giá của NHNN, tỷ lệ này vẫn khoảng 7%. NHNN đặt mục tiêu mua thêm từ 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua VAMC năm nay.
Cũng theo lời Thống đốc Bình, hiện NHNN đang lên kế hoạch tiếp tục tái cấu trúc các TCTD. Trong số 9 TCTD tái cơ cấu đợt 1 thì chỉ còn GP Bank đang trong quá trình hoàn tất đàm phán với đối tác nước ngoài, vì họ sẽ mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này. Theo thông tin xuất hiện trên thị trường, nhiều khả năng GP Bank sẽ bán 100% vốn cho Tập đoàn UOB (Singapore).
Bên sáp nhập phải là ngân hàng mạnh?
Trước áp lực cạnh tranh của thị trường và việc thoái vốn của các cổ đông lớn khiến các ngân hàng nhỏ rơi vào tình thế khó khăn và phải chọn sáp nhập, hợp nhất. Tuy nhiên, lựa chọn được một ngân hàng vững mạnh để “trao thân, gửi phận” không phải là chuyện dễ, nhất là khi ngân hàng lớn có nhiều sự lựa chọn. Đơn vị bị sáp nhập bao giờ cũng rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, song không còn đường lùi nên cũng khó kén cá chọn canh. Chẳng hạn, với Southern Bank, tình hình hoạt động quá khó khăn, nợ xấu tăng 4%, còn lợi nhuận sụt giảm mạnh, chỉ đạt 3,2% chỉ tiêu của năm 2013… Vì thế, dù không nằm trong danh sách sáp nhập bắt buộc, nhưng Southern Bank sớm nhận ra đường thoát khả dĩ của mình, nên đã có đề nghị được sáp nhập vào Sacombank để vượt qua cơn bĩ cực.
Mặc dù Sacombank được đánh giá là ngân hàng đã có quy mô vốn lớn và kết quả kinh doanh ổn định trong 2 năm qua, nhưng theo đánh giá của các nhà phân tích, sáp nhập thêm Southern Bank, Ngân hàng sẽ mang thêm gánh nặng về nợ xấu và phải nỗ lực xử lý trong 1 - 2 năm đầu sáp nhập.
Ước tính, Sacombank sẽ cần ghi nhận thêm chi phí dự phòng khoảng 1.589 tỷ đồng (tương đương 38% lợi nhuận hoạt động trước dự phòng trong năm 2014 của Sacombank) để giải quyết vấn đề nợ xấu của Southern Bank khi sáp nhập. Trong trường hợp này, theo đánh giá của CTCK Bản Việt, lợi nhuận ròng sau thuế năm 2014 của Sacombank sẽ giảm đến 67% so với năm 2013 (thay vì tăng 4% như ước tính trước khi sáp nhập thêm Southern Bank). Vốn điều lệ của Sacombank sau sáp nhập cũng sẽ tăng lên trên 16.000 tỷ đồng và mạng lưới hoạt động đạt trên 500 điểm, số lao động sẽ cao hơn con số 10.000 người hiện nay.
Với các con số trên, lãnh đạo Sacombank cho rằng, nó sẽ tạo nên tiềm lực vững mạnh của Ngân hàng sau sáp nhập. Tuy nhiên, cũng có hệ lụy là chất thêm gánh nặng về chi phí lao động cho Sacombank sau sáp nhập. Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, điều này sẽ làm giảm năng suất hoạt động tính trên đầu người của Sacombank khi sáp nhập thêm Southern Bank.
Tương tự với thương vụ sáp nhập MeKong Bank vào Maritime Bank. Trên thực tế, vốn điều lệ của Maritime Bank đến cuối năm 2013 đã đạt 8.000 tỷ đồng. Nếu sáp nhập thêm MeKong Bank (hiện có vốn 3.700 tỷ đồng), vốn điều lệ Maritime Bank sau sáp nhập là 11.700 tỷ đồng.
Thế nhưng, bản thân Maritime Bank trong những năm qua cũng gặp phải không ít khó khăn. Kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh buộc nhà băng này phải sa thải hàng loạt nhân viên. Lợi nhuận trước thuế năm 2012 của Maritime Bank đạt chưa tới 300 tỷ đồng và năm 2013 là 401 tỷ đồng. Nguyên nhân do nợ xấu tăng, đòi hỏi Maritime Bank phải trích dự phòng lớn. Năm 2013, khoản dự phòng của Maritime Bank ngang bằng lợi nhuận trước thuế. Chỉ tiêu lợi nhuận 2014 được nhà băng này đưa ra ở mức khá khiêm tốn, chỉ là 265 tỷ đồng, nhưng khoản dự phòng dự kiến cần đến 700 tỷ đồng (kế hoạch lợi nhuận trước dự phòng rủi ro trước thuế thu nhập DN năm 2014 của Maritime Bank là 1.051 tỷ dồng).
Điều đó cũng phần nào cho thấy, Maritime Bank đã lường trước được những khó khăn khi “gánh” thêm MeKong Bank. Năm qua, Maritime Bank không chi trả đồng cổ tức nào cho cổ đông và kế hoạch trong 2014 cũng không có chủ trương chia cổ tức cho cổ đông. Có thể ngân hàng này phải dành nguồn lực để tái cơ cấu sau sáp nhập.
Nợ xấu của MeKong Bank năm qua vẫn được kiểm soát dưới 3%, song kết quả kinh doanh cũng sụt giảm mạnh, chỉ đạt 110 tỷ đồng so với chỉ tiêu ban đầu 300 tỷ đồng lãi trước thuế. Vì thế, cổ tức chi trả cho cổ đông cũng chỉ ở mức khiêm tốn 1,5%...
Mặc dù quá trình sáp nhập gặp nhiều khó khăn, các đơn vị bị sáp nhập chịu mất đi tên tuổi, những đơn vị nhận sáp nhập phải gánh không nặng thêm (nợ xấu, nhân sự...), thế nhưng hoạt động ổn định và dần có bước phát triển của các ngân hàng sau sáp nhập vẫn khiến con đường này hấp dẫn các bên.
Đơn cử SCB (được hợp nhất từ SCB, Ficombank, TinNghiaBank) sau 2 năm tái cơ cấu, ngân hàng này từng bước đi vào hoạt động ổn định, có chuyển biến tích cực hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện tái cơ cấu: hoàn trả tái cấp vốn khoảng 20.000 tỷ đồng, trả nợ ròng liên ngân hàng, nợ xấu còn 3%... Sau hơn 1 năm cuộc hợp nhất Habubank – SHB, SHB đã bán 1.400 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC để kéo tỷ lệ nợ xấu về dưới 5% và hoạt động lành mạnh hơn.
Do đó, xu hướng M&A lĩnh vực ngân hàng được dự báo còn sôi động hơn trong thời gian tới. Chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu không chọn M&A, chắc chắn ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém sẽ khó tồn tại.