Năm 2013, nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt sức cầu của nền kinh tế còn yếu, sản xuất - kinh doanh chậm phục hồi, thị trường bất động sản vẫn trì trệ. Rủi ro đối với sự an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn; tiến trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu còn nhiều trở ngại. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ thanh tra, giám sát vừa phải tiếp tục đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, vừa phải hỗ trợ cho việc triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu.
Bộn bề công việc 2013
Trong năm qua, NHNN đã thực hiện trên 1.000 cuộc thanh tra, gần 500 cuộc kiểm tra và đưa ra trên 10.000 kiến nghị xử lý, sai phạm đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Phương thức thanh tra được triển khai theo hướng tăng cường thanh tra toàn diện pháp nhân TCTD, kết hợp thanh tra chấp hành pháp luật với đánh giá rủi ro.
Qua thanh tra, kiểm tra, một số rủi ro, vi phạm phổ biến tại nhiều TCTD đã được phát hiện và xử lý nghiêm, như: quản trị, điều hành, kiểm toán, kiểm soát nội bộ; hạch toán kế toán; huy động vốn; hoạt động tín dụng, bảo lãnh, cho vay, đầu tư vào lĩnh vực rủi ro có nguy cơ mất vốn; vi phạm quy định về sở hữu cổ phần, thu - chi tài chính; an toàn kho quỹ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, hoạt động liên ngân hàng, an toàn hoạt động của TCTD, đặc biệt là trong hoạt động tín dụng và đầu tư tài chính (như cho vay vượt giới hạn an toàn, không đúng đối tượng, sử dụng vốn sai mục đích); thanh khoản yếu kém, nợ xấu lớn, thua lỗ, tiến hành hoạt động kinh doanh không có giấy phép, lách các quy định về cấp tín dụng, lãi suất...
Đặc biệt, Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN đã phát hiện tại một số ngân hàng TMCP, cổ đông nắm cổ phần lớn, vượt giới hạn quy định của Luật Các TCTD; các cổ đông lớn đã thao túng, chi phối hoạt động của ngân hàng cho vay, đầu tư các công ty và người có liên quan với số tiền rất lớn để đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro cao, kinh doanh không có hiệu quả, dẫn đến tổn thất, nợ xấu cho ngân hàng. Trên cơ sở những sai phạm được phát hiện, đã kịp thời xử lý thông qua ban hành 150 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 138 TCTD, DN và cá nhân với tổng số tiền xử phạt chính gần 1,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật đối với những vụ việc nghiêm trọng. Kết quả thanh tra, giám sát ngân hàng là cơ sở để xác định các giải pháp tái cơ cấu phù hợp đối với TCTD.
Đối với công tác tái cơ cấu, sau 2 năm triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp cơ cấu lại theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/3/2012 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”, hệ thống ngân hàng đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ theo đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra của Đề án, an toàn của hệ thống ngày càng được cải thiện, số lượng các TCTD yếu kém giảm dần, rủi ro hệ thống được kiểm soát. Nếu như năm 2012, việc cơ cấu lại chủ yếu mang tính bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém có nguy cơ đổ vỡ thì kể từ năm 2013, hoạt động này đã mang tính chủ động và tự nguyện từ các TCTD.
Điều này đã chứng tỏ rằng, các chủ trương, chính sách, biện pháp cơ cấu lại ngân hàng được Chính phủ lựa chọn là đúng đắn và được ngành ngân hàng thực hiện có hiệu quả trên thực tế. Tư duy quản trị của các chủ sở hữu TCTD đã có sự thay đổi căn bản theo hướng thừa nhận sự tất yếu khách quan phải cơ cấu lại để vượt qua những hạn chế, yếu kém và tăng cường năng lực cạnh tranh. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm dần, đặc biệt là các TCTD yếu kém.
Về công tác xử lý nợ xấu, trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nỗ lực to lớn của ngành ngân hàng nói riêng và toàn xã hội nói chung trong việc kiềm chế và xử lý nợ xấu. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nợ xấu đã được kiềm chế và có xu hướng giảm (tháng 11/2013: -3,08%; tháng 12/2013: -17,98%). Nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đến ngày 31/12/2013 tương đương 3,61% tổng dư nợ tín dụng, tức là giảm 1,62% so với cuối năm 2012.
Trong năm 2013, các TCTD đã xử lý được 97.700 tỷ đồng nợ xấu (trong đó, các TCTD đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) tổng cộng 39.307 tỷ đồng nợ xấu). Nợ xấu được xử lý thông qua các hình thức như đôn đốc thu nợ từ khách hàng vay; TCTD nhận tài sản đảm bảo thay cho nghĩa vụ trả nợ; bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ; sử dụng dự phòng rủi ro; chuyển nợ xấu thành vốn góp; cơ cấu lại nợ; bên thứ ba trả nợ; bán nợ và một số hình thức khác. Sự ra đời và nhanh chóng phát huy tác dụng của VAMC khẳng định công cụ xử lý nợ xấu rất đặc thù của Việt Nam là sự lựa chọn sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Không chỉ tự mình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng còn phải tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho sản xuất - kinh doanh vượt qua khó khăn, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thông qua việc bảo đảm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất.
Những vấn đề đặt ra trong chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay là rất lớn và căn cơ, chiến lược để xử lý tính dễ bị tổn thương, khiếm khuyết đã tồn tại từ lâu trong hệ thống cũng như từng TCTD nhưng cũng nhằm tạo lập nền tảng vững chắc hơn cho sự an toàn, hiệu quả của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn phát triển mới tới đây. Kết quả tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đạt được đến nay là đáng khích lệ khi xem xét đến điều kiện thực hiện như khuôn khổ pháp lý, nguồn lực và môi trường kinh tế vĩ mô.
Năm 2013, các TCTD đã xử lý được 97.700 tỷ đồng nợ xấu, trong đó bán cho VAMC 39.307 tỷ đồng
Ba mũi giáp công năm 2014
Năm 2014, Chính phủ đã đề ra mục tiêu chủ yếu là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức thấp, duy trì tăng trưởng cao hơn năm 2013, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội... Để góp phần thực hiện mục tiêu này, ngành ngân hàng nói chung và Thanh tra, giám sát ngân hàng nói riêng sẽ đặc biệt chú trọng công tác thanh tra, giám sát, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Đây là những nhiệm vụ quan trọng để hướng đến mục tiêu bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng và trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ.
Thứ nhất, tiếp tục tập trung triển khai công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra toàn diện pháp nhân TCTD, kết hợp thanh tra chấp hành pháp luật với đánh giá rủi ro. Đặc biệt, trong năm nay, NHNN sẽ tiến hành thanh tra chuyên đề chất lượng tín dụng và yêu cầu các TCTD thực hiện kiểm toán độc lập chất lượng tín dụng với sự phối hợp chặt chẽ trong hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng (giữa Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng với thanh tra, giám sát ngân hàng tại chi nhánh tỉnh, thành phố) và giữa Thanh tra, giám sát ngân hàng với những tổ chức thực hiện kiểm toán độc lập. Kết quả thanh tra, giám sát và kiểm toán độc lập sẽ làm cơ sở để NHNN tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng, nhằm hướng đến một hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, bền vững hơn. Sử dụng kiểm toán độc lập làm công cụ hỗ trợ thanh tra, giám sát ngân hàng đã trở nên phổ biến trên thế giới và từ nay sẽ được NHNN sử dụng thường xuyên hơn trong việc góp phần quản lý, giám sát các TCTD như quy định tại Nghị định số 26/2013/NĐ-CP.
Thứ hai, đối với công tác tái cơ cấu. Như đã nói, những kết quả đạt được trong 2 năm triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 đã chứng minh tính khả thi và hiệu quả của Đề án. Trong năm 2014 này, NHNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại các TCTD, tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD theo nguyên tắc tự nguyện.
NHNN dự kiến chỉ đạo triển khai hoàn thành việc sáp nhập, hợp nhất của khoảng 6 - 7 TCTD trên cơ sở tự nguyện của các bên tham gia.
Thứ ba, đối với công tác xử lý nợ xấu. Phải nhận thức rằng, thanh tra, giám sát ngân hàng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu là 3 trọng tâm lớn, có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Thanh tra, giám sát là cơ sở đảm bảo triển khai tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đạt được hiệu quả cao, xử lý nợ xấu là một phần không thể thiếu trong quá trình tái cơ cấu. Tiếp nối những kết quả bước đầu đáng khích lệ trong năm 2012 và 2013, NHNN sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu theo Đề án xử lý nợ xấu kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo xử lý một bước căn bản nợ xấu của các TCTD, tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ. Đề cao trách nhiệm của các TCTD và đẩy mạnh hoạt động của VAMC trong xử lý nợ xấu. Trong năm 2014, dự kiến VAMC sẽ mua được từ 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu và tích cực phối hợp với các bên liên quan xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tập trung ưu tiên xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật NHNN, Luật Các TCTD, đặc biệt là các quy chế an toàn hoạt động và quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và triển khai Basel II ở Việt Nam nhằm hướng tới một hệ thống ngân hàng an toàn, lành mạnh và hiệu quả bền vững hơn sau tái cơ cấu.
Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu của ngành ngân hàng trong thời gian tới. Dù biết rất nhiều khó khăn, thách thức khó lường còn đang chờ đợi ở phía trước, nhưng đó là con đường duy nhất chúng ta phải đi và phải đến đích, cho dù con đường ấy có thể không thẳng và lúc đi nhanh, lúc đi chậm. Hơn bao giờ hết, ngành ngân hàng cần có hơn cả một sự quyết tâm, quyết liệt như đã thấy trong thời gian qua, đó là sự chung tay, hỗ trợ của toàn hệ thống chính trị và cả xã hội cho sự thành công của sự nghiệp cải cách ngân hàng.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới. Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới” |