Ngân hàng Nhà nước: Tồn ngân cao khiến doanh nghiệp khó huy động vốn

0:00 / 0:00
0:00
Tại các nghị quyết sau chất vấn, giám sát, Quốc hội đều yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác.

Các khoản tồn ngân Ngân quỹ nhà nước ở mức cao, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế, theo đó đã gây khó khăn cho việc huy động vốn của doanh nghiệp để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như của tổ chức tín dụng.

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã ký báo cáo việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng.

Tại các Nghị quyết số 134/2020/QH14, Nghị quyết số 62/2022/QH14, Quốc hội đều yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác.

Theo báo cáo thì NHNN thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành về điều hành CSTT, thực hiện tốt vai trò của thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước trong việc phối hợp kiểm soát giá một số hàng hóa dịch vụ… nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, NHNN đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, nhưng vẫn duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ.

Trong thực tiễn điều hành, NHNN và Bộ Tài chính cũng thường xuyên trao đổi các thông tin về thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu Chính phủ, việc điều hành ngân quỹ của kho bạc Nhà nước để tăng cường sự phối hợp giữa công tác điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Thống đốc cũng cho biết, trong những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân Ngân quỹ Nhà nước (là các khoản NSNN thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu…) hiện nay đang ở mức cao, chiếm 6,94% tổng phương tiện thanh toán (cuối năm 2022 là 6,42%, cuối năm 2021 là 4,97%).

Các khoản tồn ngân Ngân quỹ nhà nước ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, tồn đọng tại NSNN làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế, theo đó đã gây khó khăn cho việc huy động vốn của doanh nghiệp để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như của tổ chức tín dụng.

Trường hợp cầu về vốn của nền kinh tế tăng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, việc cung về vốn bị đọng tại NSNN sẽ gây khó khăn cho việc giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng, Thống đốc nhìn nhận.

Cạnh đó, Thống đốc cũng nêu lý do kéo dài thời gian trong việc trình Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV).

Theo Thống đốc, NHNN đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định, xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân và gửi Bộ Tư pháp để thẩm định. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, NHNN đã hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ Bộ hồ sơ Dự thảo Nghị định trong năm 2022.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ , NHNN đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định; có tờ trình báo cáo Chính phủ ; gửi xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ xây dựng Nghị định và tiếp tục hoàn thiện để trình Chính phủ theo quy định .

Báo cáo của Thống đốc nêu, Nghị định về Cơ chế thử nghiệm là Nghị định được xây dựng không dựa trên quy định tại cấp độ Luật, do đó, quy trình xây dựng Nghị định sẽ cần nhiều thời gian hơn, Chính phủ phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định trước khi ký thông qua.

Bên cạnh đó, Nghị định là cách tiếp cận pháp lý mới nên nhiều vấn đề cần được rà soát kỹ lưỡng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cần được nghiên cứu, thiết kế để đảm bảo thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro, đảm bảo ổn định tài chính. Đồng thời, trong quá trình phối hợp với các Bộ, cơ quan còn có ý kiến chưa thống nhất dẫn đến kéo dài thời gian trình Chính phủ.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục