Sự kiện nằm trong chuỗi các Hội nghị được NHNN tổ chức tại NHNN chi nhánh các khu vực nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ba tỉnh thuộc Khu vực 8 (Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình) thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, trong hành lang kinh tế Đông Tây; với đường bờ biển dài và đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch; có các cảng biển nước sâu thuận lợi giao thương hàng hóa xuất, nhập khẩu, công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản và các ngành kinh tế biển mới.
Bà Nguyễn Thị Thu Thu, Quyền Giám đốc NHNN Chi nhánh Khu vực 8 cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại Khu vực và đã đạt kết quả khá tích cực. Đến cuối tháng 02/2025, dư nợ của các TCTD tại Khu vực 8 đạt 535.688 tỷ đồng, tăng 7.957 tỷ đồng, bằng 1,5% so với cuối năm 2024 (bao gồm cả dư nợ của Ngân hàng Phát triển), chiếm khoảng 33% tổng dư nợ của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% (dư nợ tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng so với năm 2024) góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước (tối thiểu 8%) và 3 tỉnh của Khu vực (8%-10,5%) trong năm 2025 đòi hỏi toàn ngành Ngân hàng nói chung và tại Khu vực 8 nói riêng cần quyết liệt triển khai nhiều giải pháp; trong đó, ngoài việc cân đối, đảm bảo cung tín dụng, cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, người dân để góp phần thúc đẩy yếu tố cầu và đẩy mạnh kết nối cung - cầu tín dụng, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý phù hợp.
Theo đó, NHNN chỉ đạo NHNN khu vực tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị số 01, 02 và các văn bản chỉ đạo khác của NHNN; Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn duy trì ổn định lãi suất tiền gửi và triển khai quyết liệt các biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; nghiêm túc thực hiện việc công bố thông tin về lãi suất cho vay, chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất (nếu có) đến khách hàng; Tăng cường công tác thanh tra, giám sát theo chức năng nhiệm vụ; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai tốt các chính sách, chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp với các sở, ban, ngành nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng.
|
Bà Nguyễn Thị Thu Thu, Quyền Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 8 |
Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD hội sở chính và các chi nhánh trên địa bàn:
Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, các cơ quan Nhà nước tại địa phương về các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng; đặc biệt là Chỉ thị 01 và 02 năm 2025 của Thống đốc NHNN;
Thứ hai, sớm hoàn thành việc phân bổ chỉ tiêu kinh doanh để chi nhánh chủ động triển khai các biện pháp huy động và tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch. Quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả;
Thứ ba, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; Duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường; Tiếp tục công bố thông tin về lãi suất cho vay, các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên trang thông tin điện tử của TCTD; Tích cực truyền thông để khách hàng nắm bắt và tiếp cận chính sách của TCTD;
Thứ tư, triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân;
Thứ năm, phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo an ninh, an toàn CNTT và hệ thống thanh toán.
Bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, Quyền Giám đốc NHNN Chi nhánh Khu vực 8 cho biết, vẫn cần có sự phối hợp của các sở, ban, ngành, hiệp hội liên quan trên địa bàn khu vực để triển khai các giải pháp, chính sách hiệu quả, đồng bộ để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng nội địa; Tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương; Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của từng tỉnh, thành phố;
Tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong khu vực tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu; xem xét, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính...
"Mục tiêu nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục có liên quan đến vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh", bà Thu nói.