Ngân hàng ngoại: “Nốt thăng” còn ở phía trước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau bè trầm bởi đại dịch Covid-19 năm qua, các ngân hàng nước ngoài 100% vốn tại Việt Nam đang kỳ vọng góp những nốt thăng vào bản hòa ca phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans (tay trống) và ban nhạc phục vụ khán giả Việt Nam. Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans (tay trống) và ban nhạc phục vụ khán giả Việt Nam.

Các “đầu tàu” tiến bước

Trước đề nghị của Đặc san Ngân hàng về việc chia sẻ thông tin tình hình hoạt động kinh doanh năm 2020, ông Harry Loh, Tổng giám đốc UOB Việt Nam cho biết, do tác động của Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động kinh doanh của khách hàng, chúng tôi đã ưu tiên việc hỗ trợ khách hàng vượt qua những thách thức trước mắt.

Hiểu được tầm quan trọng của cộng đồng các doanh nghiệp đối với nền kinh tế Việt Nam, UOB Việt Nam đã chủ động liên hệ với các khách hàng doanh nghiệp của mình để cơ cấu lại các khoản vay của họ một cách phù hợp nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ các quy định của pháp luật.

UOB Việt Nam đã nhanh chóng chuyển sang cơ cấu lại các khoản nợ vay để khách hàng có thể quản lý dòng tiền của họ. Điều này đảm bảo rằng họ có khả năng tiếp tục điều hành và bảo vệ công việc trong điều kiện môi trường đầy thách thức, đồng thời có thể nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới nếu có.

“Phương pháp tiếp cận lâu dài của chúng tôi với khách hàng là nền tảng cho sự phát triển của UOB. Thông qua sự hỗ trợ mạnh mẽ từ khách hàng, chúng tôi đã có thể tăng tổng tài sản lên 44% vào cuối năm 2020. Chúng tôi cũng duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp là 0,7%, thấp hơn mức trung bình của ngành”, ông Harry Loh nói.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, không một ai được chuẩn bị để lèo lái một tổ chức vượt qua cuộc khủng hoảng thách thức nhất thời đại như dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng này có ảnh hưởng rất lớn đến cả sức khỏe, kinh tế và tài chính của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và của cả các quốc gia.

Năm 2020 là một năm khó khăn, nhưng theo ông Tim Evans, HSBC Việt Nam vẫn gặt hái được một số thành công. HSBC Việt Nam đã cùng đánh dấu năm 2020 - năm kỷ niệm 150 năm Ngân hàng HSBC có mặt tại Việt Nam bằng việc phát hành thành công trái phiếu Hoa Sen lần đầu với số lượng đăng ký vượt mức. Đợt phát hành này đã được The Asset bình chọn là đợt phát hành trái phiếu tốt nhất trong năm. Ngoài ra, HSBC được FinanceAsia và The Asset trao tặng nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải thưởng “Ngân hàng nước ngoài tốt nhất tại Việt Nam”.

“Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để trở thành đối tác chính thức của cơ quan này trong việc quảng bá Việt Nam tới các nhà đầu tư toàn cầu”, ông Tim Evans nhấn mạnh.

Riêng với các khối kinh doanh của HSBC Việt Nam, Ngân hàng đã cơ cấu lại và chuyển một số phòng giao dịch đến các địa điểm mới, phù hợp với mô hình kinh doanh mới. Khối dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam lần đầu tiên cán mốc tài sản được quản lý 20 tỷ USD. Trung tâm Thanh toán quốc tế và Tài trợ chuỗi cung ứng đạt kết quả kinh doanh tốt nhất so với các văn phòng khác của HSBC trong khu vực.

Trong năm 2020, HSBC tiến hành một số nghiệp vụ mới tại Việt Nam bao gồm giao dịch tín dụng thư (L/C) nội địa đầu tiên trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) - một thành công tiếp nối giao dịch thí điểm đầu tiên trên nền tảng blockchain thực hiện vào năm 2019. Ngân hàng đã cung cấp khoản vay tài chính bền vững đầu tiên cho một doanh nghiệp trong nước và một khoản vay đầu tiên khác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

“Chúng tôi tự hào với những thành công đã gặt hái được trong suốt một năm mà tình hình dịch bệnh và thiên tai diễn ra một cách bất thường. Với kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong năm 2020 và triển vọng tươi sáng cho năm 2021, tôi tin tưởng HSBC Việt Nam sẽ đồng hành cùng đất nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội”, ông Tim Evans nhấn mạnh.

Còn tại Shinhan Việt Nam, trong năm 2020, Ngân hàng vẫn tăng cường hợp tác đa dạng lĩnh vực như ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tổng công ty IDICO, Trường Quốc tế St. Mary’s, Học viện Jello.

Bên cạnh đó, Shinhan Việt Nam mở rộng quy mô hoạt động khi khai trương chi nhánh Phú Mỹ tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nâng tổng số chi nhánh và phòng giao dịch lên con số 37 trên toàn quốc.

Shinhan Việt Nam được vinh danh trong Top 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam tổ chức; tiếp tục nhận giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” do HR Asia trao tặng.

Cơ hội kinh doanh và đầu tư vẫn hấp dẫn

Ông Harry Loh cho biết, bất chấp đại dịch, UOB Việt Nam cũng tiếp tục nỗ lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Vào tháng 11/2020, UOB Việt Nam đã ký tiếp Biên bản hợp tác (MOU) với Cục đầu tư nước ngoài (FIA).

Theo Biên bản hợp tác mới, UOB sẽ tiếp tục tăng cường thêm 25.000 tỷ đồng (1,5 tỷ đô la Singapore) vốn FDI vào Việt Nam. Con số này sẽ bổ sung cho 51.000 tỷ đồng (3 tỷ đô la Singapore) vốn đầu tư UOB đã thúc đẩy vào VIệt Nam trong giai đoạn trước đó.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered thị trường Việt Nam nhìn nhận, đại dịch Covid-19 gây ra những thách thức chưa từng có tiền lệ, nhưng Việt Nam tiếp tục mang đến cơ hội kinh doanh và đầu tư hấp dẫn, với các yếu tố nền tảng như kinh tế mở, dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, thị trường nội địa ngày càng phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong nhiều năm qua và có tiềm năng tăng trưởng lớn trong tương lai.

Ảnh tác giả

Việt Nam là một thị trường quan trọng trong mạng lưới toàn cầu của Standard Chartered, với rất nhiều cơ hội để phát triển hoạt động kinh doanh.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered thị trường Việt Nam

“Việt Nam là một thị trường quan trọng trong mạng lưới toàn cầu của Standard Chartered, với rất nhiều cơ hội để phát triển hoạt động kinh doanh. Trọng tâm của tôi trong vai trò Tổng giám đốc là mang đến cho khách hàng, các cơ quan quản lý và cộng đồng sự hỗ trợ hữu ích dựa trên sự am hiểu sâu sắc về thị trường trong nước cùng với chuyên môn quốc tế của Ngân hàng”, bà Michele Wee nói.

Minh chứng cho cam kết này, tháng 11/2020, Standard Chartered đã ra thông báo cung cấp khoản tín dụng có hạn mức 35 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Sản xuất nhựa Duy Tân (Nhựa Duy Tân) với mục đích tài trợ vốn lưu động nhằm tăng cường hoạt động sản xuất chai nhựa cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất dung dịch sát trùng.

Được biết, Nhựa Duy Tân là một trong không ít doanh nghiệp được tài trợ vốn trong gói tài chính 1 tỷ USD của Standard Chartered dành để cung cấp các khoản tín dụng xuất nhập khẩu và cung cấp vốn lưu động với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong năm 2020, Standard Chartered Việt Nam được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ và nội tệ lần lượt ở mức BB và BBB-. Đồng thời, tổ chức này đánh giá triển vọng tín nhiệm của Ngân hàng ở mức “Ổn định”. Đánh giá từ Fitch một phần dựa trên kỳ vọng Standard Chartered Việt Nam nhận được sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ Standard Chartered PLC (Anh).

Theo Fitch Ratings, rủi ro từ việc khống chế mức trần trong thanh toán khoản vay bằng đồng nội tệ thấp hơn so với những hạn chế trên đồng ngoại tệ. Do đó, Standard Chartered Việt Nam đạt mức xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn bằng VND cao hơn định hạng quốc gia tại mức BBB-, phản ánh khả năng hỗ trợ vững mạnh từ công ty mẹ.

Số liệu cho thấy, Standard Chartered đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam trong những năm gần đây và phát triển mạnh mẽ hoạt động kinh doanh.

Ngân hàng đã hoàn tất việc tăng vốn cấp 2 với tổng giá trị 100 triệu USD (khoảng 2.300 tỷ đồng) cho chi nhánh Việt Nam trong năm 2019, tiếp sau đợt tăng vốn cấp 1 với tổng giá trị 49 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng) trong năm 2018. Đợt bơm vốn tạo điều kiện cho Standard Chartered Việt Nam trở thành một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên hoàn tất áp dụng quy chuẩn Basel II.

Bà Michele Wee cho biết thêm, Standard Chartered Việt Nam cũng không ngừng đầu tư vào con người và cải thiện năng lực kinh doanh để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Mục tiêu của Ngân hàng là trở thành ngân hàng tốt nhất được khách hàng tin chọn và tạo ra những đóng góp tích cực cho quá trình phát triển bền vững của Việt Nam.

Với thế mạnh là một ngân hàng quốc tế hàng đầu cùng sự am hiểu sâu sắc về thị trường trong nước, Standard Chartered Việt Nam sẽ tiếp tục mang đến những giá trị và sự hỗ trợ hữu ích cho khách hàng, các cơ quan quản lý và cộng đồng.

“Tôi rất mong được hợp tác với các đồng nghiệp của mình tại Việt Nam và các bên liên quan để thúc đẩy quá trình phát triển bền vững của Việt Nam”, bà Michele Wee nói.

Minh Anh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục