Còn dư địa giảm lãi vay cá nhân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chi phí đầu vào tiếp tục được cắt giảm khi xu hướng lãi suất tiếp tục ổn định ở mức thấp và thanh khoản dồi dào tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay không chỉ với khách hàng doanh nghiệp, mà cả với cá nhân.
Vay tiền mua nhà chiếm tỷ lệ lớn trong các khoản vay cá nhân Vay tiền mua nhà chiếm tỷ lệ lớn trong các khoản vay cá nhân

Dần đi xuống

Kể từ tháng 3/2021, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất - kinh doanh; HDBank giảm lãi suất cho vay đến 4,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải. Đó chỉ là hai trong số nhiều ngân hàng giảm lãi vay cho khách hàng cá nhân thời gian qua.

Giám đốc Khối bán lẻ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam, ông Trịnh Bằng Vũ cho biết, Shinhan đã thực hiện 4 lần giảm trên toàn bộ khung lãi suất chung trong năm qua, chưa kể đến các lần giảm trên các gói vay cho một số các phân khúc khách hàng cá nhân đặc biệt khác. Hiện tại, lãi suất cho vay tiêu dùng của Shinhan Bank bình quân tùy vào các gói như: đối với khách hàng cá nhân vay tín chấp là từ 10 - 18%/năm; đối với vay mua xe trong khoảng từ 6,8 - 8%/năm, còn đối với cá nhân vay mua nhà áp dụng lãi suất trong khoảng từ 6,5 - 8%/năm.

Ảnh tác giả

Với các khoản vay cá nhân như vay mua nhà, mua xe, nhiều khả năng Ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm tiếp lãi vay.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB

Trong khi đó, Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cũng cho hay, với các khoản vay cá nhân như vay mua nhà, mua xe, nhiều khả năng Ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm tiếp lãi vay. Eximbank cũng giảm lãi suất huy động đầu vào, đồng thời hạn chế phân khúc khách hàng yêu cầu lãi suất huy động cao mà Ngân hàng đã từng phải thu hút trong những giai đoạn huy động khó khăn trước đây, thay bằng phân khúc khách hàng mass (phổ thông) có lãi suất thấp hơn để cắt giảm lãi lãi suất đầu ra.

Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng giám đốc Eximbank, hướng đổi mới này nhằm đảm bảo sự ổn định, củng cố nền tảng quy mô khách hàng và tiết giảm chi phí huy động vốn.

Với tình trạng dư vốn trong hệ thống ngân hàng, Eximbank cũng chủ động giảm bớt huy động trên thị trường 2 để hiệu quả hơn. Tác động ngắn hạn của hai định hướng tái cấu trúc này là quy mô huy động của Ngân hàng giảm 3,8% trong năm 2020, nhưng đã hỗ trợ được lãi vay cho khách hàng bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, lãi vay đối với khách hàng cá nhân hiện đã giảm nhiều so với đầu năm trước. Cụ thể, năm đầu lãi suất cho vay chỉ còn 7,5 - 8% và sau 12 tháng, lãi suất sẽ theo xu hướng thị trường. Không chỉ lãi suất cho vay mới, mà ngay cả với các khoản vay mua nhà cũ, ACB cũng điều chỉnh giảm khi đến kỳ trả lãi 3, 6, 9 tháng hoặc 1 năm, tùy vào hợp đồng.

Theo ông Phát, dư nợ cho vay mua nhà tại ACB có tăng trong năm qua, nhưng chỉ tăng ở mức độ trung bình, không cao như các năm trước do tác động của đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, phó tổng giám đốc một ngân hàng khác nhận định, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng mục tiêu tín dụng tập trung vào chất lượng. Tín dụng cả năm 2021 được dự báo tăng ở mức 11-12%, thấp hơn giai đoạn 2016 - 2017, do đó lãi suất huy động cũng không có nhiều áp lực tăng trở lại, lãi vay khó tăng cao.

Dưới góc nhìn khác, Bộ phận phân tích SSI cho rằng, lãi suất tiền gửi và cho vay không thay đổi trong ngắn hạn và dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong nửa đầu năm nay, khi sức cầu vốn nền kinh tế vẫn yếu, dịch bệnh chưa chấm dứt hoàn toàn. Nhờ chi phí đầu vào cắt giảm, mặt bằng lãi suất cho vay hiện giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Hấp thụ vốn cải thiện

Tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp không cao trong bối cảnh tác động bởi đại dịch Covid-19, song các ngân hàng vẫn rộng cửa đối với thị trường nhà, đất, nhất là với khách hàng cá nhân vay mua nhà, tiêu dùng, biên lãi ròng (NIM) thường cao.

Thực tế, các ngân hàng vẫn khá thoải mái với cho vay bất động sản, nhất là với khách hàng cá nhân vay mua nhà.

Tại ACB, ông Phát cho hay, Ngân hàng vẫn đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, tiêu dùng, nhưng ưu tiên hoạt động vay mua nhà phố, căn hộ trong các dự án có liên kết với ngân hàng. ACB rất hạn chế cho vay với các chủ đầu tư dự án bất động sản và kiểm soát chặt rủi ro.

Trong khi đó, Techcombank luôn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hàng năm, một phần nhờ dựa vào hệ sinh thái bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng mà ngân hàng này đang có, thông qua bắt tay với một số ông lớn bất động sản như Sungroup, Vingroup.

Trước lo lắng của không ít cổ đông về việc dựa quá nhiều vào cho vay mua nhà, Techcombank cho hay, bất động sản là lĩnh vực Ngân hàng xác định ưu tiên từ 5 năm trước do có nhiều lợi thế và thực tế cũng đã phát triển nhanh những năm vừa qua. Theo các nhà băng, nếu nói rủi ro trong cho vay thì không chỉ riêng mỗi bất động sản mà dàn đều trên tất cả các lĩnh vực, nếu không kiểm soát chặt.

Tính đến giữa tháng 3/2021, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng khoảng 1,2%, trong khi tín dụng bất động sản chỉ tăng khoảng 1%, theo số liệu Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, tại nhiều ngân hàng thương mại, tỷ trọng cho vay bất động sản đang khá lớn. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm nay, tín dụng bất động sản tại các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội chiếm tới 21% tổng dư nợ. Nếu tính cả tín dụng tiêu dùng đang chiếm gần 20% tổng dư nợ và chủ yếu là cho vay mua nhà, thì tín dụng bất động sản lớn hơn con số 21% rất nhiều. Tương tự, tại TP.HCM, dư nợ cho vay mua nhà và dư nợ tín dụng tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm cũng lên tới gần 30% tổng dư nợ cho vay.

Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội trong quý IV/2020 cũng cho thấy, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung và tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng. Cụ thể, đến thời điểm báo cáo, tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, 62,43% của 1,6 triệu tỷ đồng này là tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng cho biết, đến cuối năm 2020, dư nợ bất động sản trên địa bàn đạt hơn 300.000 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng dư nợ.

“Con số này tăng 7,2% so với đầu năm”, ông Minh tiết lộ.

Đồng thời, bản thân các nhà băng cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát vấn đề dư nợ bất động sản chặt chẽ hơn rất nhiều so với giai đoạn nhà đất tăng trưởng nóng trước đây. Cụ thể, Thông tư 22/2020/TT-NHNN theo hướng tiếp tục siết lại hoạt động cho vay bất động sản khi giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Điều này khiến ngân hàng hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản mà chủ yếu cho cá nhân vay mua nhà.

Phân tích ngành bất động sản của các chuyên gia chứng khoán của VNDirect đưa ra mới đây cho thấy, thị trường phục hồi diện rộng sẽ giúp thúc đẩy ngành bất động sản năm 2021. Một phần nhờ chính sách lãi suất cho vay mua nhà được các ngân hàng đưa ra thấp hơn. Các nhà băng cũng cho biết, lãi suất cho vay mua nhà đang giảm dần. Theo các chuyên gia phân tích VNDirect, một yếu tố quan trọng liên quan đến sự phát triển của thị trường bất động sản chính là lãi suất vay mua nhà dần hạ nhiệt.

Thực tế, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành nhằm giúp nền kinh tế vực dậy, đến nay mặt bằng lãi suất giảm dần và việc này đã giúp giảm áp lực chi phí dự phòng cho các ngân hàng và giảm chi phí lãi vay cho khách hàng. Do đó, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói kích thích như miễn, giảm lãi và giảm lãi suất cho vay.

Thế nhưng, nhìn nhận về vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú lại cho rằng, năm qua, một số ngân hàng tung gói tín dụng ưu đãi, nhưng thực chất chỉ là hô hào mạnh còn triển khai lại rất mờ nhạt. Theo ông, hiện một số ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất cũ với các khoản vay trung dài hạn chưa đến kỳ trả nợ khiến nhiều người dân phải trả lãi cao. Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay lớn khi lãi suất huy động bình quân chỉ 3 - 5%/năm, trong khi có những khoản vay vẫn treo 9 - 10%/năm.

“Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho nhà băng có nguồn vốn đầu vào giá rẻ, không lý do gì các ngân hàng cho vay lãi cao. Đây là cơ hội giảm lãi suất cho vay với khách hàng chứ không phải để ngân hàng hưởng lợi nhờ biên lợi nhuận cao”, ông Tú nói.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương cũng đưa ra nhận định, lãi suất cho vay hiện nay vẫn đang khá cao, dao động từ 7,8 - 8%/năm với khách hàng doanh nghiệp và còn cao hơn với khách hàng cá nhân. Con số này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường khu vực và trên thế giới khi các nước như Trung Quốc, Thái Lan… đều có lãi suất thấp hơn.

Do đó, “tiếp tục giảm lãi suất là một nhu cầu cần thiết hiện nay”, ông Tú Anh nói.

Trâm Anh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục