Ngân hàng ngoại “chia ngọt, sẻ bùi” cùng khách Việt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cũng như ngân hàng nội địa, các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và chiến lược được lựa chọn là vừa bảo toàn lực lượng, vừa đồng hành với Việt Nam vượt qua khó khăn để cùng nhau bứt phá.
Ngân hàng ngoại “chia ngọt, sẻ bùi” cùng khách Việt

Hiện thực hóa các cam kết trách nhiệm xã hội

Trao đổi với Đặc san Ngân hàng 2022, lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng ngoại cho biết, trong năm 2021, trước tác động của dịch bệnh, mục tiêu cao nhất là bảo toàn lực lượng, cụ thể là tạo điều kiện để các cán bộ, nhân viên được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, tạo không gian làm việc an toàn nhằm giảm thiểu lây nhiễm bệnh dịch, cũng như đảm bảo dịch vụ chăm sóc khách hàng không bị gián đoạn, hỗ trợ khách hàng thông qua các chương trình giảm phí và lãi suất, đẩy nhanh thời gian xét duyệt và giải ngân khoản vay…, đặc biệt là không ngừng tăng cường đảm bảo đời sống tinh thần và vật chất cho nhân viên của mình.

Báo cáo tài chính của HSBC Việt Nam cho thấy, tổng quỹ lương năm 2021 tăng lên mức 747 tỷ đồng so với con số 727 tỷ đồng của năm 2020, thu nhập bình quân mỗi nhân viên năm 2021 đạt 747 triệu đồng, tăng so với mức 705 triệu đồng năm 2020.

Song song với đó, các ngân hàng còn chung tay cùng Chính phủ trong việc đảm bảo an sinh xã hội, đẩy lùi dịch bệnh. Đơn cử, tại UOB Việt Nam, các nhân viên Ngân hàng cùng gia đình và khách hàng trên 17 thị trường, bao gồm cả Việt Nam, đã quyên góp được 1,86 triệu đô-la Singapore thông qua chương trình chạy bộ UOB Global Heartbeat Virtual Run/Walk để tài trợ cho 25 tổ chức từ thiện trên khắp thế giới nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tại Việt Nam, trong tháng 10/2021, một phần số tiền quyên góp thông qua Quỹ UOB Heartbeat được dùng để mua thực phẩm đóng hộp và số thực phẩm này được ông Harry Loh, Tổng giám đốc UOB Việt Nam trao cho Hội Chữ thập đỏ TP.HCM để cứu trợ hơn 1.500 gia đình có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh tại 15 quận, huyện trên toàn Thành phố. Quỹ cũng đóng góp các vật tư y tế cần thiết hàng ngày như quần áo bảo hộ, khẩu trang và găng tay cho các nhân viên y tế tuyến đầu làm việc trong đơn vị điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM…

“Sự hỗ trợ từ UOB Việt Nam không chỉ kịp thời giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mà còn chăm lo cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch trên địa bàn Thành phố”, ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM nói.

Trước đó, trong tháng 9/2021, Standard Chartered Việt Nam đã tài trợ 460 triệu đồng (tương đương 20.000 USD) cho chương trình “Vì nhịp thở Việt Nam” (Help Vietnam Breathe) do Quỹ Vina Capital khởi xướng để hỗ trợ các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM. Khoản tài trợ được sử dụng để mua máy thở cho các bệnh viện và đồ bảo hộ cá nhân cho lực lượng y tế tuyến đầu tại đây.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam chia sẻ: “Hỗ trợ cộng đồng luôn là hoạt động ưu tiên hàng đầu của chúng tôi tại Việt Nam. Khoản tài trợ này là một trong chuỗi các hoạt động chúng tôi đã thực hiện nhằm giúp Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid cũng như cùng với người dân vượt qua khó khăn của đại dịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục hiện thực hóa các cam kết trách nhiệm xã hội tại Việt Nam nhằm thúc đẩy thương mại và sự thịnh vượng nơi đây”.

Tương tự, trong năm 2021, HSBC Việt Nam đã triển khai 2 gói cứu trợ với tổng trị giá 11 tỷ đồng để cùng Việt Nam chống lại đại dịch Covid-19 thông qua các tổ chức đối tác như Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Foundation), Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), Viện Hợp tác và Phát triển châu Âu (IECD), Tổ chức Kidspire và Sáng hội cô nhi toàn cầu (WWO), Quỹ Vina Capital...

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi được tiếp tục hợp tác với các đối tác phi chính phủ lâu năm và tâm huyết trong những dự án ý nghĩa như vậy. Mặc dù Việt Nam đã kiểm soát đại dịch tốt, nhưng vẫn còn những nhóm cộng đồng yếu thế cần sự hỗ trợ. Chính vì lẽ đó, chúng tôi đã mở rộng gói cứu trợ của mình để hỗ trợ các cá nhân và cộng đồng dễ bị tổn thương, giúp họ ra khỏi "trạng thái sinh tồn" để bước vào "trạng thái phát triển". Khoản đóng góp bổ sung này cũng là một phần trong cam kết lớn của HSBC trong việc đồng hành cùng Việt Nam”.

Để cùng bứt phá

Hỗ trợ cộng đồng luôn là hoạt động ưu tiên hàng đầu của chúng tôi tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục hiện thực hóa các cam kết trách nhiệm xã hội tại Việt Nam nhằm thúc đẩy thương mại và sự thịnh vượng nơi đây.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam

Cuối tháng 4/2022, Standard Chartered Việt Nam đã tổ chức lễ khai trương trụ sở mới của Chi nhánh Thăng Long tại mặt tiền tầng 1 của tòa nhà văn phòng cao cấp Capital Place, vị trí thuận tiện và đắc địa ở Thủ đô Hà Nội. Được biết, Ngân hàng cũng dự kiến hợp nhất hoạt động, chuyển trụ sở 2 văn phòng khác ở Hà Nội về tầng 3 tòa nhà này vào tháng 6 tới.

“Là ngân hàng nước ngoài có lịch sử 118 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, chúng tôi duy trì cam kết mạnh mẽ với Việt Nam, với khách hàng, đối tác, cộng đồng và tất cả nhân viên. Chúng tôi cung cấp các sản phẩm và dịch vụ, các kênh phân phối và hệ thống đẳng cấp hàng đầu dành cho các khách hàng. Chúng tôi cũng không ngừng đầu tư nguồn lực để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, đồng thời nắm bắt các cơ hội mà thị trường mang lại”, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam chia sẻ.

Trước đó ít ngày, vào trung tuần tháng 4, HSBC Việt Nam đã phát hành thành công 500 chứng chỉ tiền gửi có giá 1 tỷ đồng/chứng chỉ cho một nhà đầu tư thể chế. Đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi mang tên “Đèn lồng” (Lantern), được phát hành bằng đồng Việt Nam, có lãi suất 3,5%/năm với kỳ hạn 357 ngày đã huy động 500 tỷ đồng với mục đích đa dạng hóa các nguồn vốn nhằm hỗ trợ việc tăng trưởng tài sản của Ngân hàng, đồng thời phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng của thị trường Việt Nam.

Ông Tim Evans chia sẻ, sự chào đón từ thị trường đối với sản phẩm chứng chỉ tiền gửi HSBC Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho sự lớn mạnh của thương hiệu HSBC Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong nước. Đó là thương hiệu Ngân hàng đã xây dựng và phát triển trong hơn 150 năm hoạt động tại đây. Mức độ quan tâm của các nhà đầu tư cũng là lời khẳng định cho niềm tin mạnh mẽ đối với chiến lược và câu chuyện tăng trưởng của HSBC Việt Nam những năm tới.

“Vốn huy động từ chứng chỉ tiền gửi "Đèn lồng" sẽ tiếp sức cho nguồn vốn của HSBC Việt Nam, đóng góp vào đà tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Sự thành công này cũng nêu bật cam kết của HSBC trong việc hỗ trợ phát triển thị trường vốn Việt Nam”, ông Tim Evans nhấn mạnh.

Một sự kiện đáng chú ý khác là vào đầu năm 2022, khi Tập đoàn UOB thông báo nhận sáp nhập mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Được biết, mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup có tổng giá trị tài sản ròng khoảng 4 tỷ đô-la Singapore và cơ sở dữ liệu khách hàng khoảng 2,4 triệu người tính đến ngày 30/6/2021, tạo ra thu nhập khoảng 0,5 tỷ đô-la Singapore trong nửa đầu năm 2021.

Ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn UOB cho biết, việc sáp nhập mảng kinh doanh bán lẻ của Citigroup tại các thị trường trọng điểm của Tập đoàn là Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam là một cơ hội tuyệt vời đến đúng thời điểm. UOB tin tưởng vào tiềm năng lâu dài của khu vực Đông Nam Á và Ngân hàng đã có sự cam kết, chọn lọc, kiên nhẫn trong việc tìm kiếm các cơ hội phù hợp để phát triển.

“Việc sáp nhập kinh doanh cùng nhượng quyền tiêu dùng trong khu vực của UOB sẽ tạo thành một tổ hợp mạnh mẽ, giúp mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh và nâng cao vị thế của Tập đoàn như một ngân hàng hàng đầu trong khu vực ASEAN”, ông Wee Ee Cheong nói.

Nhuệ Mẫn
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục