Ngân hàng lo mất quyền thu giữ tài sản đảm bảo

0:00 / 0:00
0:00
Khả năng thu hồi nợ của ngân hàng sẽ giảm mạnh, khách hàng chây ỳ trả nợ sẽ tăng lên từ ngày 15/8/2022, nếu không có một bộ luật riêng về xử lý nợ xấu.
Xử lý nợ xấu luôn là vấn đề làm các ngân hàng đau đầu. Ảnh: Đ.T Xử lý nợ xấu luôn là vấn đề làm các ngân hàng đau đầu. Ảnh: Đ.T

Thu giữ tài sản là mấu chốt xử lý nợ xấu

Ông Nguyễn Huy Tài, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SHB cho hay, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) đã giúp các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, tiết giảm chi phí. Nghị quyết khẳng định quyền của chủ nợ, đặc biệt là quyền thu giữ tài sản đảm bảo, nên ý thức trả nợ của khách hàng tăng lên rõ rệt.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, từ khi Nghị quyết 42 được ban hành, xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/5/2021, toàn ngành đã xử lý được 353.810 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Trong giai đoạn này, trung bình mỗi tháng, toàn hệ thống xử lý được hơn 6.000 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42, cao hơn nhiều mức 3.520 tỷ đồng/tháng trung bình trước đó.

Đáng chú ý, khách hàng tự nguyện trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện nhiều. Cụ thể, hình thức khách hàng tự nguyện trả nợ chiếm 39,28% tổng nợ theo Nghị quyết 42, cao hơn nhiều so với mức 22,8% giai đoạn 5 năm trước đó.

Tuy nhiên, điều các ngân hàng thương mại lo lắng nhất hiện nay là Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực (ngày 15/8/2022), có nghĩa là, các ngân hàng đang đứng trước nguy cơ quay về cơ chế xử lý nợ xấu cũ, với quyền chủ nợ không được đảm bảo.

“Hiện nay, ngân hàng chủ yếu xử lý nợ xấu qua thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo. Khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, điều mà ngân hàng lo ngại nhất là khó thu giữ tài sản đảm bảo, tức quyền chủ nợ không được bảo vệ. Khi đó, chắc chắn, ý thức trả nợ của khách hàng sẽ giảm đi. Trong bối cảnh nợ cũ chưa xử lý hết, nợ xấu mới tăng cao do tác động của Covid-19, nếu thu hồi và xử lý nợ cũ chậm lại, ngân hàng sẽ không thể tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế”, lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.

Theo giải thích của vị lãnh đạo này, nếu Nghị quyết 42 hết hiệu lực, ngân hàng muốn thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý, thì chỉ có cách kiện ra tòa, mà tòa lại không áp dụng thủ tục rút gọn, nên quá trình xử lý nợ xấu sẽ kéo dài, dẫn đến giá trị tài sản bảo đảm giảm sút, khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính...

NHNN cũng cho rằng, việc không ghi nhận quyền thu giữ sẽ gây khó khăn cho tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), vì không thể chủ động thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến tài sản bảo đảm để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm.

Khi đó, tổ chức tín dụng và VAMC sẽ phải chờ bản án của tòa án, tạo tâm lý chây ỳ trả nợ của bên có nghĩa vụ, tạo áp lực lên cho các cơ quan xét xử, tạo cơ hội khuyến khích việc không tuân thủ kỷ luật hợp đồng, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh.

Bảo vệ quyền chủ nợ, nhưng tránh lạm quyền

Trước những tác động tiêu cực về xử lý nợ xấu có thể xảy ra trong bối cảnh Nghị quyết 42 chỉ còn hiệu lực 1 năm nữa, mới đây, NHNN đã chính thức lấy ý kiến về đề xuất xây dựng một luật riêng về xử lý nợ xấu trên cơ sở luật hóa Nghị quyết 42 và chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung mới.

Riêng về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, NHNN cho rằng, việc tiếp tục thực hiện chính sách này sẽ làm tăng ý thức trả nợ của khách hàng, thúc đẩy chủ tài sản phối hợp với tổ chức tín dụng và VAMC trong quá trình thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm.

Liên quan vấn đề trên, Nghị quyết 42 quy định tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu “Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm…”. Tuy nhiên, các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực đều không quy định trực tiếp nội dung này. Trong khi đó, đa phần khách hàng không hợp tác điều chỉnh nội dung hợp bảo đảm có điều khoản thu giữ, vì vậy, các tổ chức tín dụng rất khó để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42.

Chính vì vậy, NHNN đề xuất sửa đổi quy định trên theo hướng tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu, mà không cần phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm. NHNN cho rằng, quy định này sẽ góp phần giảm các vụ việc phải giải quyết tại tòa án, rút ngắn được quá trình xử lý tài sản bảo đảm, qua đó giảm thiểu chi phí cho Nhà nước và tổ chức tín dụng/VAMC, tối đa hóa giá trị thu nợ từ tài sản bảo đảm, giảm nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng, tăng quyền tiếp cận tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp.

Có một số ý kiến lo ngại rằng, việc trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho ngân hàng sẽ khiến gia tăng tranh chấp trong quá trình thu giữ, nảy sinh tình trạng lạm quyền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua, các ngân hàng triển khai quyền thu giữ tài sản đảm bảo hầu hết đều đúng pháp luật.

Ông Nguyễn Huy Tài cho hay, nguyên tắc của SHB là thu hồi nợ xấu, nhưng luôn tuân thủ nguyên tắc không gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, ưu tiên động viên khách hàng tự nguyện trả nợ. SHB ưu tiên thực hiện thu giữ các tài sản đất trống, nhà trống và các tài sản khác, mà việc thu giữ không gây ảnh hưởng đến cuộc sống, an sinh xã hội tối thiểu của chủ tài sản.

Tuy vậy, NHNN cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục duy trì giải pháp bảo vệ quyền chủ nợ, cũng cần đưa ra quy định trong quá trình thu giữ phải có sự tham gia của các cơ quan liên quan để tránh việc tùy tiện trong quá trình thu giữ tài sản.

Việc Chính phủ đề xuất một luật riêng về xử lý nợ xấu là rất cần thiết. Bộ luật mới này vừa phải tiếp thu mặt tích cực của Nghị quyết 42, song đồng thời cũng phải khắc phục các vướng mắc hiện nay, trong đó có xử lý tài sản đảm bảo. Mặc dù quyền thu giữ tài sản bảo đảm và việc sang tên quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là một trong những nội dung trọng tâm tại Nghị quyết 42, nhưng việc triển khai trên thực tế rất vướng trong trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục