Điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý II/2018 của LienVietPostBank là lợi nhuận từ mảng dịch vụ tăng mạnh, đạt gần 195% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, lợi nhuận chung trong kỳ lại không như kỳ vọng khi chỉ đạt gần 160 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 666,3 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch đặt ra.
Nguyên nhân được LienvietpotsBank đưa ra là do Ngân hàng đang dịch chuyển cơ cấu nguồn vốn, tăng tỷ lệ huy động bán lẻ, huy động từ người dân nhằm ổn định và tăng tính bền vững của nguồn vốn. Việc mạng lưới giao dịch và số lượng nhân sự tăng mạnh trong 2 quý đầu năm, kết hợp với tăng dự phòng chứng khoán đầu tư do ảnh hưởng từ biến động chung của thị trường chứng khoán, khiến chi phí hoạt động tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của Ngân hàng.
Trong hoạt động kinh doanh, SCB cũng đang hướng đến tăng thu từ hoạt động dịch vụ. Mảng này mang lại 319 tỷ đồng vào tổng doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2018, với mức tăng 65% so với cùng kỳ năm 2017, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng lợi nhuận chung là 27% sau nửa đầu năm, với 94 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, với định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, SCB đang nỗ lực cải thiện cơ cấu thu nhập, tăng nguồn thu phi tín dụng và giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng. Theo đó, SCB đã đẩy mạnh việc bán chéo với mục tiêu cung cấp những gói sản phẩm tài chính toàn diện và ưu việt, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Nhờ thu nhập lãi thuần đạt 1.995 tỷ đồng, gấp 1,5 cùng kỳ năm trước, nên lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của TPBank đạt 1.024 tỷ đồng, gấp đôi kết quả cùng kỳ. Các hoạt động kinh doanh khác cũng đều khả quan, trong đó lãi từ hoạt động dịch vụ tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 244 tỷ đồng. Riêng phí kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 53 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong khi con số cùng kỳ chỉ là 4,2 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận lãi 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 39 tỷ đồng…
HDBank cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 đạt 2.063 tỷ đồng. Trong đó, so với cùng kỳ năm 2017, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 172%; thu nhập từ lãi thuần tăng 34%; thu nhập khác tăng 93%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 1,74%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21,11%; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 13,45%; nợ xấu ở mức 1,31% (riêng lẻ HDBank là 0,93%).
Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất nửa đầu năm 2018 của VPBank đạt 14.511 tỷ đồng, trong đó thu nhập ngoài lãi khả quan. Phí thu được qua hợp tác bán bảo hiểm với AIA đạt 70% kế hoạch cả năm đề ra. Theo đại diện VPBank, đây là cơ sở để tin tưởng việc hợp tác sẽ tiếp tục mang lại kết quả khả quan trong thời gian tới. Các chỉ tiêu ROA và ROE của VPBank tính đến hết quý II/2018 lần lượt đạt 2,46% và 22,36%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm nay đạt hơn 4.375 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Công ty Tài chính FECredit đóng góp 36%.
Tại Techcombank, nhờ nhiều mảng kinh doanh tăng trưởng tốt, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2018 đạt 5.196 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2017 và cao nhất trong khối ngân hàng thương mại tư nhân. Tổng thu nhập hoạt động của Techcombank nửa đầu năm đạt 8.659 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 14,6% đạt 5.050 tỷ đồng; kinh doanh ngoại hối tăng 66%; mua bán chứng khoán đầu tư tăng gần 4 lần; thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng 2,5 lần...
Tổng giám đốc Techcombank - ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết, định hướng của Ngân hàng trong thời gian tới là tiếp tục đa dạng nguồn thu nhằm phân tán rủi ro, không quá phụ thuộc vào thu nhập lãi hay phí. Trong các nguồn thu ngoài lãi, hoa hồng bảo hiểm giúp thu về khoảng 288 tỷ đồng. Mảng bancassurance của Techcombank hiện chiếm 26% thị phần bán bảo hiểm qua ngân hàng. Không chỉ Techcombank hưởng lợi, việc hợp tác còn giúp đối tác Manulife đạt kỷ lục doanh thu 6 tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu toàn hệ thống ngân hàng về lợi nhuận, đạt mức 8.071 tỷ đồng lãi trước thuế sau 2 quý đầu năm 2018, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ hoạt động kinh doanh khác và thu nhập góp vốn mua cổ phần tăng đột biến, đạt lần lượt 2.383 tỷ đồng (tăng 2,6 lần cùng kỳ) và 545 tỷ đồng (tăng gần 4 lần). Nửa đầu năm, thu nhập lãi thuần đạt 12.997 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, nhưng lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 31,8% lên 1.732 tỷ đồng, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 91,7% lên 487 tỷ đồng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, tuy cơ cấu nguồn thu đang dần dịch chuyển, nhưng lợi nhuận của ngành ngân hàng Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào tín dụng, nhất là với các ngân hàng quy mô nhỏ.
"Muốn phân tán rủi ro từ hoạt động cho vay, giảm dần phụ thuộc vào tín dụng, các ngân hàng nên đẩy mạnh phát triển dịch vụ", ông Hiếu khuyến nghị.
Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để tăng trưởng bền vững, các ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa mảng bán lẻ, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ…