Lãi lớn quý I
Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho hay, quý I/2018, MB ước tính lợi nhuận trước thuế tối thiểu là 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2017. Năm nay, MB đặt chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng 47%, tương ứng khoảng 6.800 tỷ đồng. Trước đó, ông Thái cho biết, đây là chỉ tiêu an toàn và tin cậy, bởi MB có thể tạo ra kết quả lợi nhuận tăng đột biến, nhưng Ngân hàng lựa chọn mức tăng trưởng hợp lý và bền vững hơn.
Trong khi đó, HDBank ước tính lãi bình quân mỗi tháng đầu năm nay đạt khoảng 350 tỷ đồng, lũy kế quý I/2018 đạt khoảng 1.050 tỷ đồng. Ngày 21/4 tới đây, HDBank dự kiến sẽ chốt lại tỷ lệ cổ tức lên tới 30% trình đại hội đồng cổ đông.
Dù con số lợi nhuận chưa đạt tới nghìn tỷ đồng, nhưng các nhà băng như LienVietPostBank, OCB, VIB cũng gây ấn tượng rất tích cực. Cụ thể, theo thông tin từ LienVietPostBank, quý đầu năm nay, nhà băng này ước đạt hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 28% kế hoạch cả năm và tăng trưởng hơn 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2018, LienVietPostBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.800 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với năm trước.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 vừa diễn ra, OCB cho biết, ước lãi trong quý I đạt 600 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 30% kế hoạch năm. Ngân hàng này đề ra mục tiêu kinh doanh cho cả năm 2018 là 2.000 tỷ đồng, gấp đôi thực hiện năm 2017. Mục tiêu tổng tài sản đạt 115.700 tỷ đồng, tăng trưởng 37%; huy động vốn tăng 36% lên 104.407 tỷ đồng; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 25% đạt 60.679 tỷ đồng.
Mục tiêu lợi nhuận của OCB năm nay được xem là đột phá so với những năm trước đó, song ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, ngân sách trích lập năm 2018 của Ngân hàng là 500 tỷ đồng (bao gồm 20% nợ xấu VAMC trích theo quy định và nội bảng) nhưng nhiều khả năng sẽ thu hồi được toàn bộ số nợ xấu 728 tỷ đồng trái phiếu VAMC và không phải trích lập dự phòng. Hiện tại, Ban điều hành Ngân hàng chưa đưa điều này vào dự toán lợi nhuận trước thuế là 2.000 tỷ đồng năm 2018.
Bên cạnh đó, VIB cũng báo lãi trước thuế hơn 500 tỷ đồng trong quý I, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2017. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 được HĐQT VIB trình cổ đông thông qua ở mức 2.005 tỷ đồng, nhưng nhà băng này cho biết, đây chỉ là mức sàn, kỳ vọng sẽ đạt cao hơn.
Room tín dụng của VIB do Ngân hàng Nhà nước phân bổ đầu năm nay là 14%, song Ngân hàng kỳ vọng sẽ xin điều chỉnh lên 25%. Đồng thời, VIB cũng tự tin rằng, trong quý I, Ngân hàng đạt lợi nhuận 510 tỷ đồng thì cả năm rất có thể đạt con số 2.400 - 2.500 tỷ đồng.
Hoạt động tín dụng tích cực
Trong các ngân hàng đã bước đầu xác định kết quả lợi nhuận quý I, có một điểm đáng chú ý ở VIB là tăng trưởng tín dụng của khối bán lẻ đã đạt 13% chỉ trong quý đầu năm. Lãnh đạo các nhà băng cho hay, tín dụng tiếp tục tạo điều kiện tích cực trong việc đem lại nguồn thu cho ngân hàng, bên cạnh mảng dịch vụ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm ngày 20/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,23% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm trước tăng 2,88%); huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,20% (cùng kỳ năm trước tăng 2,43%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,23% (cùng kỳ năm trước tăng 2,81%).
Năm nay, bước đầu, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các thành viên ở các mức khá thấp 14 - 16%, thậm chí thấp hơn đối với các nhà băng nhỏ, nhằm kiểm soát tốc độ chung của ngành, cũng như giữ vững an toàn hệ thống. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, phụ thuộc tình hình thực tế, các ngân hàng thành viên sẽ trình và cơ quan này sẽ xem xét nới chỉ tiêu theo điều kiện của mỗi thành viên.
Theo đánh giá của các nhà băng, tín dụng đang theo chiều hướng tích cực, bởi tăng trưởng ngay trong quý đầu năm là điều không dễ thực hiện các năm trước đây. Nguyên nhân một phần nhờ diễn biến của nền kinh tế đang theo chiều hướng thuận lợi cho hoạt động ngành ngân hàng. Bên cạnh đó phải kể tới các yếu tố như quá trình xử lý nợ xấu được cải thiện nhờ Nghị quyết 42, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng tích cực…
Trong bối cảnh này, lợi nhuận ngân hàng được dự báo sẽ theo xu hướng đi lên. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - kinh tế nhận định, lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ khá khả quan, dù mức tăng trưởng tín dụng có thể sẽ thấp hơn so với năm 2017. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận sẽ từ 20-25%, phù hợp với đà tăng trưởng tốt của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nhìn lại lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2017, gam màu “sáng” đóng vai trò chủ đạo khi tín dụng tăng, nợ xấu dần được đẩy lùi, chi phí dự phòng giảm dần. Một điều đáng mừng trong năm qua là phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng vọt lên đến cả nghìn tỷ đồng, tăng trưởng mạnh, thậm chí gấp đôi, gấp ba so với năm 2016. Kết thúc năm 2017, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt mức 18,17%. Nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh nên thu nhập lãi thuần của các nhà băng cũng có sự cải thiện tích cực.
Theo một báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) toàn hệ thống trong năm 2017 ước tăng lên gần 3%, từ mức 2,74% trong năm 2016. Một điểm sáng nữa trong bức tranh ngân hàng năm 2017 là việc chất lượng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng đã được cải thiện.
Theo ước tính của NFSC, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng cuối năm 2017 vào khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016, chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm. Vì vậy, thị trường năm 2017 chứng kiến sự vượt dòng ngoạn mục của cổ phiếu “vua” cả niêm yết và chưa lên sàn sau thời gian dài “ngủ đông”.