Ngân hàng lãi lớn, nhưng thưởng Tết khó cao

(ĐTCK) Đã sang tháng 1, nhưng hầu hết lãnh đạo ngân hàng đều tránh nói về 2 từ "thưởng Tết".
BIDV dự kiến mức thưởng Tết năm nay tăng bình quân khoảng 5 - 6% BIDV dự kiến mức thưởng Tết năm nay tăng bình quân khoảng 5 - 6%

Techcombank là ngân hàng đầu tiên công khai chính sách thưởng Tết năm nay, với mức thưởng cao nhất là 7 tháng lương (đã bao gồm tháng thứ 13) cho khối kinh doanh và cao nhất là 5 tháng rưỡi lương cho khối hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng khác ngại công khai thưởng Tết và nhân viên của một số nhà băng chỉ mong được nhận tháng lương thứ 13. 

Thực tế cho thấy, lợi nhuận của phần lớn nhà băng trong năm 2016 có sự tăng trưởng so với năm trước đó. Mặc dù nguồn dự phòng rủi ro phải trích khá lớn, song với mức lợi nhuận đạt được khả quan trong năm qua, tiền thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng năm nay được kỳ vọng sẽ ở mức cao. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều ngân hàng chỉ chia sẻ nguyên tắc thưởng, không muốn nêu cụ thể.

Chuyện thưởng Tết đã được Ngân hàng cân nhắc, nhưng ở mức 1 - 2 tháng lương hay cao hơn vẫn chưa thể nói cụ thể.

- Ông Đỗ Minh Toàn,
Tổng giám đốc ACB.

Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng cho biết, trong năm qua, ngân hàng ước thực hiện vượt hơn 10% chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế, sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Kế hoạch năm 2016 là 450 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhưng kết thúc tháng 11 đã đạt 427 tỷ đồng. Đây được xem là thành công khá lớn của ngân hàng sau 2 năm lợi nhuận sụt giảm vì tình hình hoạt động khó khăn, nợ xấu tăng, đòi hỏi dự phòng rủi ro cao hơn.

Thế nhưng, khi đề cập đến chuyện thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên, vị chủ tịch ngân hàng trên chỉ chia sẻ, mức thưởng sẽ được tính trên năng suất lao động của từng nhân viên. Dĩ nhiên, Tết năm nay, mức thưởng sẽ có sự cải thiện so với năm trước, nhưng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào thành tích của từng người lao động.

Phó tổng giám đốc BIDV, ông Trần Xuân Hoàng cho hay, mức thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên năm nay cũng dựa trên năng suất lao động và kết quả kinh doanh đạt được của Ngân hàng trong năm 2016.

Kết thúc năm 2016, tổng tài sản của BIDV vượt 1 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 7.500 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015. Nhưng trong năm qua, con số dự phòng rủi ro mà BIDV đã trích lập khá lớn. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, Ngân hàng đã trích lập gần 7.000 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo ông Hoàng, dự phòng rủi ro cao đã ảnh hưởng đến lợi nhuận, vì vậy, thưởng Tết của người lao động khó tránh khỏi bị tác động. Dự kiến, mức thưởng Tết năm nay của BIDV tăng bình quân khoảng 5 - 6% so với Tết năm ngoái.

Tại nhiều ngân hàng khác, lợi nhuận thuần trên hoạt động kinh doanh đạt được trong năm 2016 vẫn ở mức khá cao, song do phải trích dự phòng rủi ro lớn nên lợi nhuận sau thuế phần nào bị “bào mòn”. Vì vậy, với mức lợi nhuận được công bố cả nghìn tỷ đồng, nhưng lãnh đạo các nhà băng lớn cho hay, áp lực dự phòng vẫn đè nặng. Đó cũng là lý do khiến ngân hàng khó có thể chia mức thưởng Tết đột biến.

Trong ngày 10/1, trên thị trường tài chính xuất hiện một số thông tin cho rằng, năm nay, Vietcombank có thể sẽ thưởng Tết lên tới 8 tháng lương cho nhân viên. Với mức lương bình quân là 21 triệu đồng/người/tháng thì mức thưởng bình quân gần 170 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã bị lãnh đạo Vietcombank lên tiếng bác bỏ và khẳng định, tiền thưởng Tết đúng nghĩa của Ngân hàng không quá 1 tháng lương. Ngoài tiền thưởng chung, nhân viên hoàn thành nhiệm vụ được trả khoản lương tạm giữ từ trong năm, nhưng cao nhất cũng không quá 100 triệu đồng.

Có thể thấy, mặc dù Vietcombank là ngân hàng hàng đầu trong hệ thống hiện nay, với kết quả kinh doanh khả quan, song mức thưởng Tết cũng khó kỳ vọng ở mức cao và Ngân hàng cũng ngại công khai mức thưởng cụ thể.

Tại ACB, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, năm vừa qua, ACB hoàn thành vượt hơn 10% chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế (kế hoạch là hơn 1.500 tỷ đồng). Chuyện thưởng Tết đã được Ngân hàng cân nhắc, nhưng ở mức 1 - 2 tháng lương hay cao hơn vẫn chưa thể nói cụ thể. Bởi lẽ, mức thưởng Tết là bao nhiêu còn tùy thuộc vào năng lực và cấp bậc điều hành đi kèm với nhiệm vụ, trọng trách của từng cán bộ, nhân viên.

Tổng giám đốc ACB khẳng định, Ban điều hành luôn mong muốn đời sống của toàn thể cán bộ, nhân viên ngày một cải thiện nên không chỉ mỗi chuyện thưởng Tết năm nay, mà thu nhập hàng tháng của người lao động cũng kỳ vọng ngày một tốt hơn.

Bên cạnh những ngân hàng lãi lớn, không ít nhà băng có lợi nhuận sụt giảm trong năm 2016. Trong số đó phải kể đến Eximbank, 9 tháng đầu năm 2016 chỉ ghi nhận 202 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2016. Hay Kienlongbank công bố lỗ 8,8 tỷ đồng trong quý III/2016, lũy kế 9 tháng đầu năm 2016 chỉ ghi nhận 19,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Vì vậy, với các nhà băng không đạt kế hoạch kinh doanh, mức thưởng Tết nhiều khả năng sẽ ở mức thấp. Nhân viên của một số ngân hàng chia sẻ, chỉ mong có lương tháng 13. Thậm chí, ở các ngân hàng “0 đồng”, người lao động khó kỳ vọng có được mức thưởng này. 

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thưởng Tết là không bắt buộc, không quy định trong Luật Lao động. Do đó, nếu doanh nghiệp không thưởng Tết cũng sẽ không bị phạt hành chính. Song Bộ khuyến khích các doanh nghiệp thưởng Tết khoảng 1 tháng lương và bằng tiền mặt để động viên người lao động.

Dù thị trường có khó khăn, hoạt động của ngành chưa có nhiều gam sáng, nhưng các nhà băng nên “thắt lưng, buộc bụng” để ít nhất có lương tháng 13 cho nhân viên và thêm khoảng 1 tháng lương thưởng Tết. Bởi lẽ, cạnh tranh về nhân sự trên thị trường, nhất là với lĩnh vực tài chính đang dần khốc liệt không thua kém hoạt động kinh doanh nên một chiến lược nhân sự rõ ràng, cụ thể có đầu tư dài hơi, đào tạo bài bản cùng chính sách đãi ngộ xứng đáng luôn là yếu tố quan trọng để giữ nguồn “chất xám” cho ngân hàng. Thực tế, để thu hút được nhân tài, dĩ nhiên khi tuyển dụng, các tổ chức đều đề cập đến lương, thưởng, phúc lợi...

Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Trung tâm Thực hành tài chính - ngân hàng Việt Thành Công (Viet Victory) cho rằng, các ngân hàng luôn phải đầu tư nhiều cho nguồn nhân lực và không ngừng tuyển dụng để có đủ nhân sự cho việc mở rộng mạng lưới. Thực tế, các ngân hàng tốn rất nhiều chi phí trong 6 tháng đầu tiên cho một nhân viên mới. Do đó, việc làm thế nào để giữ lại “chất xám” luôn là bài toán được các ngân hàng quan tâm, trong đó có chế độ phúc lợi hấp dẫn.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục