Ngân hàng lãi đậm từ kinh doanh bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mảng bảo hiểm liên kết (bancassurance) đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021, con số này sẽ còn cao hơn trong năm 2022.
Dự báo trong 5 năm tới, thu nhập từ kênh bán chéo bảo hiểm của VietinBank sẽ tăng 30 - 50% Dự báo trong 5 năm tới, thu nhập từ kênh bán chéo bảo hiểm của VietinBank sẽ tăng 30 - 50%

Thu lớn từ hợp đồng độc quyền

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB cho hay, kết thúc quý đầu năm 2022, Ngân hàng ước đạt lợi nhuận trước thuế hơn 4.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi đóng góp khoảng 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ; trong đó, hoạt động bancassurance đóng góp 390 tỷ đồng doanh thu.

Thu nhập từ phí của ACB cũng được hỗ trợ từ mảng ngân hàng bán lẻ. Theo đó, 1/3 danh mục cho vay cá nhân là cho vay các khách hàng cá nhân, các hộ kinh doanh, sau đó các khách hàng sẽ quay lại sử dụng các dịch vụ khác như bancassuarance, thẻ...

Năm qua, mảng kinh doanh bảo hiểm đã đóng góp trên 1.300 tỷ đồng vào con số gần 12.000 tỷ đồng tổng lợi nhuận của Ngân hàng. Từ năm 2020, ACB đã ký hợp đồng hợp tác độc quyền 15 năm với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam. Theo lãnh đạo ACB, khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.500 tỷ đồng) và được chi trả trong suốt quá trình hợp tác.

Tương tự, bancassuarance đang mang lại trái ngọt cho Vietcombank (VCB). Báo cáo tài chính của Ngân hàng cho thấy, mảng dịch vụ này đóng góp quan trọng vào con số hơn 6.000 tỷ đồng nguồn thu dịch vụ trong năm qua. Hợp tác giữa VCB và FWD tính đến nay vẫn là một trong những thương vụ nổi bật nhất trong thị trường bancassurance. Tính đến cuối năm 2021, hợp tác VCB - FWD ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao gần 4 lần so với thị trường - một con số ấn tượng dù chịu những tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó tổng giám đốc VCB khẳng định: “Chúng tôi rất tự hào với kết quả đạt được sau 2 năm triển khai. Đây là sự khởi đầu thuận lợi và chúng tôi tin tưởng hợp tác giữa VCB - FWD sẽ tiếp tục đạt được những kết quả đột phá hơn nữa cả về doanh thu lẫn chất lượng, trở thành mô hình bancassurance thành công nhất tại Việt Nam”.

Trong khi đó, phí dịch vụ bảo hiểm của Techcombank đạt 1.600 tỷ đồng trong năm qua, đạt mức tăng trưởng trên 88%. Doanh thu khai thác mới (APE) trong quý IV/2021 tăng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 104,5% so với quý trước đó, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng và nhờ đẩy mạnh mối quan hệ đối tác giữa Techcombank và Manulife Việt Nam. Trong năm qua, Techcombank đã đàm phán lại về những điều khoản triển khai dịch vụ với Manulife, từ đó thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai bên. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng doanh thu phí bảo hiểm của Techcombank sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong những năm tới.

Tại OCB, Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng cho biết, thu từ mảng bảo hiểm đóng góp gần 300 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận 5.519 tỷ đồng trước thuế trong 2021. Ông Tùng đánh giá, triển vọng tăng trưởng mảng dịch vụ tại Việt Nam hiện còn rất lớn, nhất là đối với thu phí bảo hiểm.

Năm qua, VIB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt gần 15.000 tỷ đồng, trong đó, thu nhập từ phí do các sản phẩm dịch vụ như bancassurance và thẻ đóng góp gần 20%. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán SSI, bán lẻ bảo hiểm thường chiếm 20% lợi nhuận trước thuế của VIB.

Thu nhập phí, trong đó có bancassurance trở thành điểm sáng của nhiều ngân hàng trong năm qua. VCBS thống kê doanh số bán bảo hiểm của 14 ngân hàng tham gia cho thấy, hơn 10.200 tỷ đồng đã chảy qua kênh bancassurance chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021. HDBank ghi nhận tăng trưởng thu dịch vụ gấp 2 lần cùng kỳ 2020.

Tiếp tục đột phá

ACB kỳ vọng thu nhập phí đạt 3.400 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 27% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bancassurance và khoản phí trả trước (được phân bổ trong vòng 15 năm và bắt đầu từ năm 2021) sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí của ACB trong 2022 và những năm sau.

Trong quý I/2022, VietinBank có thể ghi nhận khoảng 5 triệu USD phí trả từ hợp đồng hợp tác độc quyền với Manulife.

Lợi nhuận của ACB dự báo sẽ tăng trưởng tốc độ kép lên đến 25%/năm, với lực đẩy mạnh mẽ từ việc ghi nhận dần số tiền trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền. Năm nay, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 15.018 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 25% so với năm ngoái.

Các nhà phân tích YSVN đưa ra giả định, ACB sẽ ghi nhận 1.700 tỷ đồng/năm phí trả trước trong giai đoạn này, theo đó thu nhập ngoài lãi của Ngân hàng trong năm 2022 sẽ tăng lên 6.559 tỷ đồng, tương đương mức tăng 16,6%.

Các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động bán chéo bảo hiểm, để thúc đẩy nguồn thu dịch vụ trong dài hạn. Vào cuối tháng 1/2022, VietinBank và Manulife công bố thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm với khoản phí trả trước khoảng 30 triệu USD, dự kiến chi trả trong 6 năm. Trong quý I, VietinBank có thể ghi nhận khoảng 5 triệu USD phí trả từ hợp đồng hợp tác độc quyền này.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình cho biết, kế hoạch hợp tác với Manulife triển khai từ giai đoạn 2019 - 2020 nhưng do có sự thay đổi về tiến độ nên từ quý I/2022 mới bắt đầu ghi nhận phí trả trước từ hợp đồng bán chéo bảo hiểm.

Theo ước tính của SSI, trong 5 năm tới, thu nhập từ kênh bán chéo bảo hiểm của VietinBank sẽ tăng 30 - 50% so với trước. Trong khi đó, MSB ước tính hợp đồng hợp tác với Bảo hiểm Prudential có thể đem về cho ngân hàng này một khoản phí trả trước lên đến 3.500 tỷ đồng.

HDBank và Dai-ichi được cho là đã gỡ điều khoản độc quyền bancassurance, vì hợp đồng độc quyền 10 năm giữa HDBank và Dai-ichi được ký kết năm 2015 và chi phí trả trước ở thời điểm đó tương đối nhỏ nếu so với các thương vụ bancassurance độc quyền gần đây. Do đó, các thông tin đưa ra cho biết hai bên có thể rà soát và đàm phán lại các điều khoản chính. Động thái này có thể cho phép HDBank hợp tác với các công ty bảo hiểm, đa dạng danh mục sản phẩm cung cấp cho khách hàng, đồng thời mở ra cơ hội đàm phán một thương vụ bancassurance độc quyền khác. Chính lãnh đạo HDBank cũng tiết lộ Ngân hàng đang quá trình đàm phán.

Vì bảo hiểm là ngành đang còn nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam, nhiều công ty bảo hiểm nước ngoài và cả trong nước đang muốn tham gia thị trường. Các sản phẩm bancassuarance hiện rất đa dạng, vừa bảo hiểm vừa đầu tư sinh lời, bán kèm sản phẩm tiền gửi... Nhưng theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, điều quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng, công ty bảo hiểm phải làm sao để khách hàng nhìn thấy được lợi ích của sản phẩm từ việc sáng tạo hơn trong xây dựng các sản phẩm bảo hiểm cũng như triển khai nhiều phương thức truyền thông đến khách hàng.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cũng cho hay, Ngân hàng tự tin có thể thúc đẩy dịch vụ bảo hiểm ngày càng phát triển mạnh mẽ. Sau hơn 4 năm hợp tác, tính đến nay, Sacombank - Dai-ichi Life Việt Nam đã cung cấp dịch vụ tài chính cao cấp cho gần 560.000 hợp đồng bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt gần 6.400 tỷ đồng. Ngoài kênh bán hàng truyền thống, Sacombank đã triển khai thành công phân phối trực tuyến các sản phẩm bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam trên ứng dụng Sacombank Pay. Trong năm 2021, nguồn thu ngoài lãi của Ngân hàng chủ yếu được dẫn dắt bởi mảng dịch vụ (thu về 4.343 tỷ đồng, tăng 16%). Riêng quý VI/2021, nguồn thu từ dịch vụ của ngân hàng này đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2020.

Mai Anh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục