Bàn về câu chuyện kế hoạch lợi nhuận là bởi mùa Đại hội cổ đông đang diễn ra, những kế hoạch lợi nhuận liên tiếp được công bố. Sự lạc quan là có cơ sở, năm 2017, hầu hết ngân hàng đã phục hồi hoạt động và đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Diễn biến thuận lợi được dự báo tiếp tục cho năm 2018 khi kinh tế tiếp đà tăng trưởng cao ngay từ quý I, kèm theo đó là hàng loạt yếu tố nội tại cũng đang rất “thuận” như tín dụng vẫn hoạt động tốt, tăng thu dịch vụ, nợ xấu được đẩy lùi sẽ hoàn nhập dự phòng, tăng lợi nhuận…
Nhìn vào những kế hoạch lạc quan là dễ hiểu, nhưng để tin vào những con số tăng trưởng thì cần có sự xem xét kỹ. Nên nhớ rằng, ngay năm ngoái, rất nhiều ngân hàng đặt mục tiêu ở mức khiêm tốn đầu năm và cuối năm về đích ở mức cực xa kế hoạch, có ngân hàng lệch đến khoảng 2.000 tỷ đồng giữa số thực hiện và số kế hoạch.
Tất nhiên, khi lệch theo hướng tăng hơn, thì cổ đông hay bản thân nhân sự làm tại ngân hàng đó vẫn chỉ là “vui mừng”, không mấy người xem xét chất lượng dự báo, chất lượng lập kế hoạch của các ông chủ nhà băng.
Còn trong quá khứ xa hơn một chút, giai đoạn tái cấu trúc ngân hàng 2012-2015, chẳng ngân hàng nào đặt kế hoạch kinh doanh lỗ, nhưng kết quả thực tế là không ít ngân hàng sau khi trích lập dự phòng rủi ro đã chuyển từ lãi sang lỗ. Tất nhiên, các phiên Đại hội đồng cổ đông sau đó luôn nóng bỏng, vì lỗ thì không cổ tức, giá cổ phiếu sụt giảm…
Nhắc những câu chuyện quá khứ để nhắc tới một điều, cổ đông hay nhà đầu tư rất nên có quan điểm đánh giá riêng về những con số được công bố, dù những lý do tăng trưởng năm nay, theo ghi nhận là “khá thuyết phục”.
Nhiều trứng vàng
Trong khối cổ phần tư nhân chiếm chi phối, VPBank và Techcombank là 2 cái tên nổi nhất khi kết thúc năm 2017, cả 2 nhà băng này đều đạt mức lợi nhuận tuyệt đối trên 8.000 tỷ đồng và đặt kế hoạch 2018 là 5 con số, trên 10.000 tỷ đồng. Số tuyệt đối lớn, nhưng nếu xét kỹ thì mức tăng trưởng lợi nhuận hầu như chỉ ở tỷ lệ khoảng 25%.
Một loạt những cái tên thuộc nhóm tiếp theo mới là những ngân hàng đặt tỷ lệ tăng trưởng cao. HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận 2018 ở mức gần 4.000 tỷ đồng trước thuế, tăng đáng kể so với mức 2.420 tỷ đồng năm 2017. MB đặt mục tiêu lợi nhuân trước thuế là 6.800 tỷ đồng năm nay, tăng 47% so với năm 2017. OCB còn mạnh dạn đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận 2018 ở mức 2.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm trước….
Số nhỏ đặt mức tăng cao hơn số lớn: cũng có lý!
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, nếu phân tách kỹ cơ cấu kế hoạch năm nay của khối ngân hàng có thể thấy, nhiều ngân hàng kỳ vọng vào sự tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ. Đặc biệt là dự báo thị trường bất động sản vẫn duy trì độ ấm và cho vay mua nhà sẽ là sản phẩm chủ lực. Ngoài ra, cho vay tiêu dùng cũng là “máy đẩy” khác, khi tiêu dùng chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong tăng trưởng GDP, mà GDP năm nay dự báo sẽ ở mức tăng trưởng tốt khoảng trên 6,7%.
Còn xét về mặt thực tế, quý I năm nay, nhiều nhà băng đã báo lãi lớn như OCB, VIB, MBB, HDB…, lần lượt là 600 tỷ đồng, 500 tỷ đồng, 1.600 tỷ đồng và hơn 1.000 tỷ đồng. Lãnh đạo các nhà băng này cho rằng, kết quả đạt được trong quý I/2018 sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cho cả năm, nhất là các quý cuối cùng của năm.
Nhưng một khoản rất quan trọng mà các nhà băng kỳ vọng năm nay sẽ được hạch toán vào lợi nhuận chính là hoàn nhập dự phòng. Việc liên tục phát mãi tài sản đảm bảo giúp công tác thu hồi nợ thuận lợi hơn, các khoản dự phòng sẽ được hoàn nhập khi khoản nợ được dứt điểm.
Vấn đề ở chỗ, các khoản hoàn nhập này, mức độ lượng hóa trong kế hoạch sẽ khó chính xác vì phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bất động sản, phụ thuộc vào thái độ của khách hàng và độ dài xử lý về mặt pháp lý…
Ngân hàng là mạch máu nền kinh tế, nên mối quan hệ giữa tăng trưởng của ngân hàng và nền kinh tế là song hành. Mức lợi nhuận kế hoạch của các ngân hàng có nhiều lý do để tăng, nhưng vào từng ngân hàng thì mỗi nhà đầu tư cần xét kỹ tình hình cụ thể của mỗi ngân hàng, thay vì những kế hoạch dự báo được công bố.