Ngân hàng kỳ vọng tăng thu ngoài lãi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng chậm lại trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, nên các ngân hàng kỳ vọng nguồn thu ngoài lãi sẽ tăng, đóng góp nhiều hơn vào chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.
Thu nhập phi tín dụng tại nhiều ngân hàng có xu hướng gia tăng Thu nhập phi tín dụng tại nhiều ngân hàng có xu hướng gia tăng

Tín dụng tăng chậm

Trong quý I/2023, một số ngân hàng ghi nhận dư nợ tín dụng giảm như VietBank giảm 3,3%, ABBank giảm 3,1%, VIB giảm 1,2%, Eximbank giảm 0,33%, ACB giảm 0,6%... Ngược lại, dư nợ tín dụng tại Techcombank tăng 9,3%, VPBank tăng 7%, TPBank tăng 7,3%, SHB tăng 6%… Đặc biệt, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, trong quý đầu năm 2023, Ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cả năm khi ghi nhận mức tăng 13,17%.

Tính chung, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong quý đầu năm 2023 ở mức thấp, chỉ đạt 2,06%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,04% của cùng kỳ năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 27/4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 12,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022 và tăng 9,92% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến ngày 9/5/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 12,24 triệu tỷ đồng, tăng 2,69% so với cuối năm 2022 và tăng 9,56% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm nay ở mức thấp, chủ yếu do 4 nguyên nhân sau.

Thứ nhất, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm. Kinh tế Việt Nam có độ mở cao, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế, trong khi kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, lạm phát cao, nhu cầu thương mại và đầu tư thấp, ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với tình trạng đơn hàng, đơn giá giảm. Trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh giảm, dẫn tới nhu cầu tín dụng thấp.

Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay ngân hàng nhưng chưa đáp ứng được điều kiện vay, hoặc gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Thứ ba, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận tín dụng do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế... Riêng nhóm doanh nghiệp bất động sản, tín dụng các năm trước thường tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện thị trường bất động sản khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án), các sự kiện của thị trường bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp vừa qua ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, người mua nhà, khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh, dẫn tới việc các tổ chức tín dụng phải cân nhắc trong quá trình thẩm định, xem xét quyết định cho vay các doanh nghiệp này.

Thứ tư, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm…).

Kỳ vọng nguồn thu ngoài lãi tăng

Các ngân hàng nỗ lực giảm phụ thuộc vào tín dụng, đa dạng hóa nguồn thu đi kèm với cuộc đua chuyển đổi số.

Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay, các ngân hàng kỳ vọng sẽ gia tăng nguồn thu ngoài lãi. Thực tế, thu nhập từ lãi những năm trước bình quân chiếm hơn 90% tỷ trọng tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng, nhưng gần đây có xu hướng giảm. Thay vào đó, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi gia tăng, bình quân chiếm hơn 20% cơ cấu doanh thu. Sự dịch chuyển này được cho là hợp lý khi các ngân hàng ngày càng chủ động trong việc giảm tỷ trọng kinh doanh lĩnh vực rủi ro cao, trong khi tối ưu hóa nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, năm 2022, mảng kinh doanh ngoài lãi của Ngân hàng gặp khó khăn, nhưng kỳ vọng năm 2023 sẽ tích cực.

Theo ông Tùng, mảng kinh doanh ngoài lãi của OCB trong năm qua gặp khó khăn chủ yếu do mảng kinh doanh trái phiếu chính phủ hầu như không có thu nhập, thậm chí có thời điểm lỗ, do lãi suất liên ngân hàng tăng cao. OCB có tham gia mảng trái phiếu doanh nghiệp, nhưng Ngân hàng có chủ trương thận trọng nên cũng không có nguồn thu từ mảng này.

“Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nên chúng tôi sẽ tích cực tiếp cận thị trường này trong thời gian tới”, ông Tùng nói.

Tại VPBank, đây là một trong những ngân hàng nổi lên trong xu thế tối ưu hóa nguồn thu ngoài lãi, khi tỷ trọng trong cơ cấu thu nhập hoạt động vượt hẳn lên trung bình ngành trong quý I/2023. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng hợp nhất tăng gần 34%, riêng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng mẹ tăng 44% so với cùng kỳ, với động lực chính tới từ thẻ, hoạt động thanh toán và bảo hiểm. Riêng hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ, nhiều ngân hàng đối mặt với thách thức từ việc siết chặt hành lang pháp lý của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, nhưng hoạt động thu phí từ bảo hiểm của VPBank vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, đạt Top 3 toàn ngành về doanh số bảo hiểm nhân thọ.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho hay, năm 2023, ngành ngân hàng đối diện với những khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng Sacombank đã chủ động đa dạng hóa các nguồn vốn trong và ngoài nước để phục vụ hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, những sản phẩm số của Sacombank sẽ được đẩy mạnh ra thị trường, giúp gia tăng trải nghiệm và tối ưu về hiệu quả kinh doanh. Trong tệp khách hàng lên tới 15 triệu của Ngân hàng, có 50% là khách hàng số. Giai đoạn 2018 - 2022, số lượng giao dịch trên kênh số của Sacombank tăng trưởng bình quân 43%/năm. Ngoài ra, Ngân hàng chú trọng chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tập trung và quá trình tái cấu trúc bộ máy đang dần hoàn thiện, giúp gia tăng hiệu quả hoạt động, kiểm soát rủi ro tốt hơn.

Trong khi đó, theo ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank, để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch trọng yếu đề ra cho năm 2023, Ngân hàng sẽ từng bước kiện toàn nền tảng chiến lược chuyển đổi số, chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh theo xu thế hiện đại, đầu tư phát triển công nghệ và nguồn nhân lực hàm lượng công nghệ cao; tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ, nhằm gia tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng cơ cấu thu nhập, đảm bảo thu nhập dịch vụ tăng 1,7 - 1,8 lần/năm, từng bước đưa tỷ lệ thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập đạt 16 - 17% vào năm 2025.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục