Vietcombank báo lãi trước thuế gần 5.900 tỷ đồng trong quý I/2019, riêng mảng dịch vụ lãi hơn 1.000 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần trong kỳ đạt 8.499 tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi 928 tỷ đồng, tăng 50,9%, nhưng hoạt động mua bán chứng khoán lại giảm 76%, chỉ đạt 66 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác và thu nhập góp vốn cũng giảm mạnh 27% và 89%, lần lượt đạt 1.166 tỷ đồng và 39 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,4% lên 661.261 tỷ đồng. Huy động tiền gửi tăng 4,5% so với đầu năm.
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, Vietcombank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận năm 2019 đạt 20.500 tỷ đồng. Nếu theo mục tiêu này, Vietcombank đã hoàn thành được 29% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau quý I.
Trao đổi với báo chí, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2019 tương đương với mức tăng trưởng tín dụng là 15%, cao hơn hạn mức của ngành. Để giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng, Vietcombank sẽ đẩy mạnh chiến lược tăng nguồn thu từ dịch vụ, hoàn thành mục tiêu nguồn thu từ dịch vụ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu năm nay.
Không chỉ Vietcombank, nhiều ngân hàng khác cũng báo lãi cao khi kết thúc quý I/2019, trong đó hoạt động dịch vụ ghi nhận sự tăng trưởng khả quan.
Đơn cử, VIB ghi nhận lãi trước thuế 810 tỷ đồng trong quý I/2019, tăng 56% so với cùng kỳ 2018, trong đó lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 348 tỷ đồng, tăng 168% chủ yếu đến từ khoản thu phí hoa hồng bảo hiểm đạt 209 tỷ đồng, tăng gấp 10,5 lần cùng kỳ. Ngoài ra, thu từ dịch vụ thanh toán tăng 27% lên 99 tỷ đồng.
Doanh thu trong kỳ đạt 1.714 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập ngoài lãi chiếm 19% và tăng 68% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 3/2019, tín dụng đạt 104.632 tỷ đồng, huy động vốn đạt 99.123 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 145.000 tỷ đồng.
Kết thúc quý đầu năm nay, TPBank đạt 853 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 3 lần lên gần 217 tỷ đồng, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 2 lần lên hơn 397 tỷ đồng.
Tại Nam A Bank, lợi nhuận trước thuế quý I/2019 đạt 300 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2018 và hoàn thành hơn 1/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tính đến cuối kỳ, tổng huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và cá nhân đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ và tăng 6,3% so với đầu năm; tổng dư nợ đạt gần 54.000 tỷ đồng với cơ cấu cho vay tiếp tục dịch chuyển sang hoạt động bán lẻ.
Theo giới quan sát, hoạt động bán lẻ đã được các ngân hàng đẩy mạnh những năm gần đây, trong đó bancassurance và ngân hàng số là 2 mảng được tập trung nhiều nhất. Trong bối cảnh tín dụng không còn tăng trưởng cao như trước, đây được xem là xu hướng để các ngân hàng gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, giảm dần phụ thuộc vào tín dụng.
Năm 2018, nguồn thu dịch vụ đã tăng rất mạnh ở nhiều ngân hàng lớn, trong khi tăng thấp hơn ở các ngân hàng nhỏ do hạn chế về thị phần, dù vậy dịch vụ vẫn chiếm 15-20% tổng nguồn thu. Chẳng hạn, tại SCB, cơ cấu nguồn thu năm 2018 đã có sự chuyển dịch rõ nét khi nguồn thu ngoài lãi tăng khá cao, đạt trên 1.300 tỷ đồng (bao gồm cả kinh doanh tiền tệ) và chiếm hơn 30% tổng thu nhập.
Trong một báo cáo mới đây, CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá, trong ngắn hạn, thu nhập dịch vụ của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ hoạt động thanh toán và bảo hiểm, nhưng mức độ tăng trưởng sẽ phân hóa rõ nét tùy vào lợi thế và chiến lược riêng của từng ngân hàng.
Về dài hạn, không tính các khoản thu nhập bất thường, tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ trong thu nhập hoạt động của các ngân hàng sẽ tăng dần từ 8,6% (ước tính năm 2018) lên 10% trong 2019 và 13,8% trong năm 2022.
"Năm 2019, tăng trưởng thu nhập dịch vụ của HDBank có thể đạt 70%, còn của MBBank là 50% nhờ tăng thu nhập từ kinh doanh bảo hiểm", VDSC dự báo.