Bất chấp ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận những khoản lãi lớn từ hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance). Cụ thể, tại VPBank, lãi thuần từ mảng dịch vụ ghi nhận đạt 2.323 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm nay, tăng 19,6%. Trong đó, hoạt động bán bảo hiểm đóng góp khoảng 35% với 792 tỷ đồng.
Thu nhập mảng bancassurance của VPBank được mở rộng nhờ phân phối bảo hiểm nhân thọ cho các phân khúc khách hàng ưu tiên, theo hợp đồng hợp tác độc quyền với AIA Việt Nam từ cuối năm 2017.
Tại TPBank, lãi thuần từ hoạt động bancassurance trong 9 tháng đầu năm đạt 390 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng lãi thuần mảng dịch vụ.
Thực tế cho thấy, bancassurance cũng đóng góp không nhỏ vào hoạt động dịch vụ của nhiều ngân hàng khác như SHB với 189 tỷ đồng (chiếm 58% lãi thuần dịch vụ); LienVietPostBank với 256 tỷ đồng (chiếm 35,4% lãi thuần dịch vụ)…
Trong khi đó, VIB, bancassurance cũng là động lực tăng trưởng chính của mảng dịch vụ khi đóng góp hơn 50% nguồn thu. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của VIB 3 quý đầu năm nay đạt gần 822 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Với việc ký kết hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential vào cuối năm 2015, thu nhập bancassurance của VIB đã liên tục tăng trưởng mạnh trong 4 năm qua.
Theo VIB, hiện ngân hàng này sở hữu khoảng 75% thị phần mảng bảo hiểm qua kênh ngân hàng của Prudential.
Đáng chú ý ở một số ngân hàng có công ty bảo hiểm trực thuộc, nguồn thu từ mảng bancassurance còn tăng trưởng cao hơn.
Trong 9 tháng đầu năm nay, MB ghi nhận 2.135 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp chiếm gần 86% tổng thu nhập của mảng dịch vụ.
Bên cạnh việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ của Bảo hiểm Quân đội (MIC), MB đã bắt tay với Tập đoàn Ageas và Muang Thai Life thành lập MB Ageas Life, phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Tuy chưa có số liệu 9 tháng đầu năm nay nhưng theo MB Ageas Life, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance năm 2019 đạt hơn 1.525 tỷ đồng, chiếm 66% tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty.
Không những thế, bên cạnh nguồn thu định kỳ, nhiều ngân hàng còn được nhận hàng nghìn tỷ đồng phí trả trước từ việc ký hợp đồng phân phối bảo hiểm.
Ngày 18/11, ACB ký hợp đồng độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm với Sun Life Việt Nam trong thời hạn 15 năm.
Trước đó, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, ACB sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh cho đối tác bảo hiểm để đảm bảo đạt được một thỏa thuận banca độc quyền với những điều khoản có lợi cho ACB.
Ngân hàng này đứng ở vị trí thứ 5 trong Top nhà phân phối banca Việt Nam đến cuối năm 2019 dù chưa có thỏa thuận độc quyền nào.
Với cơ sở khách hàng hiện tại BVSC ước tính upfront fee của ACB có thể hơn 90 triệu USD.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán SSI đưa giả định về một khoản phí trả trước theo thỏa thuận bancassurance độc quyền có thể giúp làm tăng tổng vốn chủ sở hữu của ACB năm 2021.
Quan sát các giao dịch bancassurance độc quyền gần đây, phí bancassurance mỗi khách hàng dao động từ 20 USD đến 35 US. Do đó, SSI Research giả định phí độc quyền trong trường hợp của ACB có thể khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng, giúp ACB tăng vốn chủ sở hữu năm 2021.
Trước ACB, Sun Life Việt Nam đã ký kết thỏa thuận tương tự với Ngân hàng Tiên Phong. Giá trị thương vụ được ước tính là hơn 1.700 tỷ đồng theo Bloomberg.
Cuối năm 2019, Vietcombank và Tập đoàn Bảo hiểm FWD đã kí kết hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm mà theo hãng tin Bloomberg, giá trị của thương vụ này lên tới 1 tỷ USD (hơn 23.000 tỷ đồng).
Trong thương vụ này, hãng bảo hiểm đến từ Hong Kong phải chi trả ngay cho ngân hàng phía Việt Nam 400 triệu USD như một phần của giao dịch chuyển nhượng vốn góp tại liên doanh Vietcombank-Cardif (VCLI).
Nhận định được đưa ra từ Vietnam Report, bancassurance được dự báo là kênh tiềm năng với những thương vụ hợp tác qui mô lớn và tỉ trọng trong tổng doanh thu tăng vọt trong thời gian tới .
Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định xu hướng phát triển bancassurance sẽ ngày càng nóng hơn và thu hút nhiều khoản đầu tư lớn.
Đó cũng chính là lý do để các ngân hàng đẩy việc đào tạo nhân viên bán bảo hiểm. Thay vì lực lượng tư vấn trực tiếp chỉ có 300-400 người từ các công ty bảo hiểm như trước thì hiện nay, gần 4.000 cán bộ nhân viên Techcombank tiếp xúc trực tiếp với khách hàng được đào tạo, được cấp chứng chỉ từ Bộ Tài chính để có khả năng tư vấn bảo hiểm cho khách hàng.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng gần đây nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, phí bancassurance dự kiến sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng thu nhập dịch vụ các ngân hàng nhờ xu hướng gia tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm và tỷ trọng kênh bancassurance trong tổng thu nhập phí bảo hiểm.
Xu hướng chuyển dịch sang phân phối qua kênh bancassurance đang trở nên rõ ràng hơn trong mảng nhân thọ khi tỷ trọng đóng góp của kênh này trong tổng doanh thu phí bảo hiểm năm tăng nhanh từ 5,9% năm 2019 lên 16,4% năm 2019.
Nguồn thu từ bảo hiểm cũng bù đắp cho tăng trưởng tín dụng bị chậm lại do dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trước phản ảnh của nhiều khách hàng, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó một nội dung quan trọng được Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh là các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng. Nói cách khác là “ép” khách hàng mua bảo hiểm mới được vay vốn.
Vietnam Report cũng đánh giá, bancassurance hiện vẫn chưa giải quyết tốt hai vấn đề gồm tỷ ệ hủy hợp đồng năm thứ hai của khách hàng cao do nhân viên ngân hàng bị áp chỉ tiêu và mức phí cắt lại cho ngân hàng quá lớn, khiến công ty bảo hiểm không có lời cho các vụ hợp tác này.