Hầu hết ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và cho biết, khách hàng đang dần trả nợ khi kinh tế tăng trưởng trở lại sau giai đoạn giãn cách trong năm 2021, giúp sức khỏe doanh nghiệp được cải thiện. Vì thế, ngân hàng tự tin xây dựng kế hoạch tăng trưởng cho lợi nhuận năm 2022.
Ông Lê Văn Bé Mười, Phó tổng giám đốc Viet Capital Bank cho hay, trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng không chỉ áp dụng một biện pháp cơ cấu nợ theo các thông tư của Ngân hàng Nhà nước, mà áp dụng song song nhiều biện pháp để đồng hành cùng khách hàng, bao gồm hỗ trợ lãi suất, cấp thêm tín dụng trên cơ sở dòng tiền mới của khách hàng.
Việc này đảm bảo tái cơ cấu nợ và hỗ trợ khách hàng theo chính sách của Ngân hàng Nhà nước đi đúng vào phân khúc khách hàng thực sự còn khả năng kinh doanh và có khả năng phục hồi sau dịch. Với các khách hàng được cơ cấu nợ và đến hạn trong năm 2022, Viet Capital Bank chủ động đánh giá từng khách hàng và thiết kế giải pháp phù hợp với tình hình tài chính, khả năng phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh nói chung, khả năng trả nợ nói riêng như tái cấp tín dụng, cấp tín dụng tăng thêm, cấp tín dụng mới.
Nhiều ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay tăng 20 - 40% như VPBank, Viet Capital Bank, MSB, ACB...
Viet Capital Bank đánh giá, với các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi kinh tế, sống chung với dịch trong điều kiện bình thường mới, đa phần các khách hàng đã cơ cấu nợ sẽ phục hồi được 70% hoạt động kinh doanh trong quý I/2022 và có khả năng trả nợ trong thời gian tới khi hoạt động kinh doanh tiếp tục khởi sắc. Trên cơ sở đánh giá sự hồi phục của nền kinh tế và tiềm lực bản thân, Ngân hàng dự kiến tổng tài sản năm 2022 sẽ tăng hơn 20%, lợi nhuận tăng hơn 40% so với năm 2021.
Tương tự, ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBank chia sẻ, năm 2021, trong bối cảnh vừa kinh doanh vừa chống dịch, Ngân hàng đã phải rất nỗ lực để hoàn thành mục tiêu kinh doanh, đạt lợi nhuận trước thuế 1.979 tỷ đồng, tổng tài sản 121.620 tỷ đồng, dư nợ và huy động lần lượt là 78.640 tỷ đồng và 79.255 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 12,79%...
Về các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ kết thúc vào tháng 6/2022, ABBank tập trung đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và khả năng, thời điểm phục hồi sản xuất - kinh doanh của khách hàng để thực hiện phương án cơ cấu nợ phù hợp. Bên cạnh đó, Ngân hàng tăng cường công cụ cho công tác phê duyệt tín dụng thông qua việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng (bao gồm PD, EAD, LGD) cho tất cả các phân khúc khách hàng, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro nhằm ngăn ngừa và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. ABBank đặt mục tiêu đến quý III/2022 sẽ mua lại hết trái phiếu VAMC (mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC).
“Các khoản cho vay của ABBank đều có tài sản bảo đảm có tính thanh khoản cao, là điều kiện thuận lợi để Ngân hàng xử lý nợ trong thời gian tới. Ngoài ra, để chủ động trước nợ xấu có thể gia tăng từ nợ tái cơ cấu, ABBank sẽ chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro nhằm tăng bộ đệm chống đỡ”, ông Hải nói.
ABBank đang triển khai tăng vốn điều lệ từ gần 7.000 tỷ đồng lên gần 10.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35%. Tăng vốn là một trong những cơ sở để Ngân hàng xây dựng mục tiêu tăng trưởng năm 2022: lợi nhuận trước thuế kỳ vọng tăng 156%, ước đạt 3.079 tỷ đồng; tổng tài sản dự kiến 138.250 tỷ đồng; tín dụng tăng 17%; huy động và dư nợ lần lượt đạt 94.081 tỷ đồng và 92.250 tỷ đồng; tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng lên 20%.
Lạc quan vào triển vọng phục hồi kinh tế, nhiều ngân hàng khác đặt mục tiêu tăng trưởng 20 - 30% trong năm nay như MSB, ACB, VPBank..., chủ yếu dựa vào mảng bán lẻ, cho vay cá nhân.
Theo các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), với chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, các ngân hàng có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện nay, tỷ lệ nợ xấu từ 1,6 - 1,7% dư nợ. Một số ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng, giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao như Vietcombank (424%), MSB (268%), VietinBank (171%)...
BSC cho rằng, dư nợ tái cơ cấu sẽ không quá ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng do tổng thu nhập tạo ra ở mức cao, có thể trích lập thêm mà không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng. Kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ đạt mức 22,2% nhờ kinh tế phục hồin