Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, 5 tháng đầu năm, Ngân hàng đã đấu giá thành công 9.700 tỷ đồng, nên từ nay đến cuối năm, chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu. Sacombank đã tích cực thu hồi, xử lý nợ xấu, giảm thiểu tài sản không sinh lời. Doanh số thu hồi và xử lý nợ riêng năm 2019 đạt 18.400 tỷ đồng, nâng con số lũy kế lên 38.346 tỷ đồng; tài sản tồn đọng giảm 35,6% so với năm 2016, hiện chỉ chiếm 13,8% tổng tài sản.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, hiện Ngân hàng còn nắm giữ hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), song đã trích dự phòng hơn 40%. Quỹ dự phòng của SCB đã lên tới trên 11.000 tỷ đồng. Ngân hàng vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu để sớm hoàn nhập dự phòng sau khi kết thúc quá trình tái cấu trúc, xử lý hết nợ xấu. Hiện quá trình xử lý nợ xấu đã có cơ chế của VAMC.
Từ đầu năm 2020 đến nay, BIDV, VietinBank, Sacombank đã rao bán nhiều dự án, tài sản bất động sản như Kenton Node, The Era Town, tài sản gắn liền với đất ở Bình Dương, Hưng Yên... Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, việc phát mãi tài sản của các ngân hàng gặp khó khăn.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do chậm phát mãi bất động sản Khu công nghiệp Phong Phú, ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, quá trình triển khai bất động sản này có những tồn tại, nên UBND TP.HCM yêu cầu Sacombank tạm dừng phát mãi để xem xét lại.
Những năm trước, các ngân hàng liên tục bán nợ xấu có tài sản thế chấp là bất động sản cho VAMC, thì gần đây, họ không ngừng đẩy mạnh phát mãi tài sản, thu hồi nợ xấu. Nguyên nhân là, sau thời hạn 5 năm bán nợ xấu cho VAMC, năm 2019 là lúc các ngân hàng phải tất toán trái phiếu VAMC đối với những khoản nợ chưa xử lý được, dù đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro 20% mỗi năm. Vì thế, khi nợ xấu được nhận về, các nhà băng nỗ lực tất toán tài sản, kể cả phải giảm giá bán trong các phiên đấu giá tìm người mua.
Theo số liệu được ông Nguyễn Văn Du, Phó chánh thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) công bố, ước tính đến cuối tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ở mức 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2% hồi đầu năm. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống xử lý được 305.700 tỷ đồng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu, không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt.
Được biết, VAMC đang xây dựng Đề án Thành lập Sàn giao dịch nợ xấu, trước mắt đã thống nhất thành lập Câu lạc bộ AMC (gồm VAMC, các công ty mua bán nợ trực thuộc ngân hàng). Theo kế hoạch, năm 2020-2021, VAMC sẽ chính thức vận hành Sàn giao dịch nợ xấu; đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch mua bán nợ xấu và thị trường mua bán nợ xấu tập trung, trong đó VAMC là trung tâm của thị trường.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng, với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng hiện nay, việc mua hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường theo kế hoạch đề ra của VAMC là rất khó khăn.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, để thị trường mua bán nợ vận hành suôn sẻ, Quốc hội cần sớm vào cuộc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan đến thuế, chuyển nhượng tài sản đảm bảo là bất động sản. Trên thực tế, một số nhà đầu tư khi mua lại tài sản đảm bảo nợ xấu không thể làm thủ tục sang tên do có sự tranh chấp.
Đơn cử như quyền thu giữ tài sản đảm bảo, dù Nghị quyết 42 cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo, song thực tế, nếu không có sự chấp thuận của con nợ, ngân hàng không thể thu giữ để xử lý. Thời gian đầu thực hiện Nghị quyết 42, nhiều con nợ hợp tác bàn giao tài sản cho ngân hàng, song gần đây, khi thấy công an, chính quyền, tòa án chậm vào cuộc, các con nợ có xu hướng chây ỳ trở lại, thậm chí còn rủ nhau chây ỳ trả nợ.