Chi phí vốn thấp
Mặt bằng lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn trên 5.000 tỷ đồng đã giảm xuống còn 4,66/năm% và 5,5%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Theo đó, trung bình lãi suất huy động 2 kỳ hạn trên của các ngân hàng giảm lần lượt 0,02 và 0,03 điểm phần trăm, xuống 4,82%/năm và 5,61%/năm vào cuối tháng 6/2021.
Thực tế, sự điều chỉnh diễn ra tại cả nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ.
Không chỉ kỳ hạn 6 và 12 tháng, mà lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn đều giảm mạnh trong thời gian qua.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 21/6/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,48% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,59%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,35%). Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 2,45%). Còn theo số liệu mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, người dân không mấy mặn mà gửi tiền vào ngân hàng hơn. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2021, lượng tiền gửi dân cư đạt hơn 5,26 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,34% so với đầu năm.
Mặt bằng lãi suất huy động giảm xuống mức thấp, song lãi suất cho vay của ngân hàng không giảm tương ứng. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay ở hầu hết ngân hàng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp khoảng 6 - 9%/năm; với khách hàng cá nhân là 9 - 11,5%/năm.
Nhà băng hưởng lợi
Theo báo cáo chiến lược thị trường 6 tháng cuối năm 2021 vừa được công bố, các nhà phân tích VNDirect cho rằng, ngân hàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí vốn thấp do chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng duy trì trong nửa cuối năm 2021 để hỗ trợ nền kinh tế cũng như giúp các ngân hàng duy trì thanh khoản ổn định.
Lãi suất liên ngân hàng vẫn ổn định trong quý I/2021 khi tín dụng hệ thống tăng trưởng mạnh. Cùng với đó, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của các ngân hàng vào cuối quý I (ngoại trừ VietinBank và BIDV) tiếp tục không vượt quá mức 80%, so với mức trần 85%. Mặt khác, lãi suất liên ngân hàng cũng đã đảo chiều vào tháng 6/2021.
Một số ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao và còn nhiều dư địa mở rộng đối với mảng ngân hàng bán lẻ như Vietcombank, MB, Techcombank, VietinBank sẽ có nhiều cơ hội cải thiện biên lãi ròng.
VNDirect dự báo, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng có thể đạt 13% trong năm nay. Mức tăng trưởng này được VNDirect đưa ra dựa trên kỳ vọng nhu cầu quốc tế phục hồi thúc đẩy các hoạt động sản xuất và kinh doanh trong nửa cuối năm 2021. Đồng thời, lãi suất cho vay thấp nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay thúc đẩy các doanh nghiệp vay thêm các khoản vay mới để phục vụ hoạt động.
Theo VNDirect, tăng trưởng dư nợ vay của các ngân hàng có thể vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp cho năm 2021 do kết quả từ việc mở rộng nhanh chóng trong những tháng đầu năm. VNDirect dự báo, tăng trưởng dự nợ của Vietcombank năm nay có thể đạt mức 14%, MB đạt 17%, VIB đạt 26%, Techcombank đạt 14%...
Mặt bằng lãi suất huy động giảm thấp, trong khi lãi suất đầu ra khó giảm mạnh theo là lý do các ngân hàng đạt được kết quả tích cực trong nửa đầu năm. Theo thông tin vừa công bố, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 3.007 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước. VietinBank đạt khoảng 13.000 tỷ đồng lợi nhuận qua 6 tháng đầu năm, tăng tới 75% so với cùng kỳ năm 2020. Tương tự, MSB ước tính lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 2.800 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 85% kế hoạch năm 2021…
Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2021. Theo đó, 85,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2021 và 9,7% tổ chức lo ngại lợi nhuận giảm trong năm nay.