Tính đến 19/2/2020, dư nợ tín dụng trên toàn quốc là 8.172.299 tỷ đồng, giảm 0,37% so với cuối tháng 1/2020 và giảm 0,28% so với cuối năm 2019.
Trong đó, dư nợ tín dụng một số ngành kinh tế giảm hoặc có mức tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước như ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản giảm 0,11% so với 31/12/2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,01%).
Ngành thương mại, dịch vụ giảm 0,27% so với 31/12/2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,97%), trong đó dư nợ của 2 ngành chiếm tỷ trọng cao trong nhóm giảm mạnh: thứ nhất, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 2,04%;
Thứ hai, hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình giảm 1,45%.
Ngành công nghiệp mặc dù tăng 0,75% so với 31/12/2019, nhưng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2019 là 2,51%.
Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.
“Một số ngành có khả năng bị ảnh hưởng lớn như nông - lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục”, ông Hùng nói.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% mà Chính phủ đề ra cho năm 2020 đang bị đe dọa vì dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới.
Theo hai kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng thì tăng trưởng năm nay cao nhất cũng chỉ ở mức 6,27%.
ANZ mới đây dự báo GDP của Việt Nam trong quý I/2020 có thể bị mất 0,8% do ảnh hưởng từ dịch. Standard Chartered vừa công bố báo cáo ước tính GDP Việt Nam năm 2020 có thể chỉ tăng 6,6%, thay vì mức 7% như dự báo trước đó.
“Chúng tôi cho rằng, dịch Covid-19 sẽ có tác động lớn nhất đến ngành sản xuất - động lực tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam trong những năm gần đây”, Standard Chartered nhận định.
Đánh giá được tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã chủ động chỉ đạo toàn hệ thống rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp.
Đồng thời, Ngân hàng đánh giá lại dòng tiền, nguồn thu, khả năng tài chính, đánh giá mức độ thiệt hại của các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đang giao dịch tại SHB để từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Ông Vũ Tuấn Anh, Quyền Giám đốc Khối Ngân hàng doanh nghiệp SHB chia sẻ, SHB xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu của Ngân hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đồng thời triển khai các chương trình, chính sách ưu đãi cho vay về giá và phí.
Khách hàng sẽ được giảm lãi suất lên tới 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với các khoản vay bằng USD.
Bên cạnh đó, SHB miễn 100% phí chuyển tiền online cho các khách hàng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ebanking của Ngân hàng; xem xét miễn giảm các phí dịch vụ ngân hàng khác cho khách hàng.
Ngoài ra, SHB triển khai các ưu đãi phi tài chính như giới thiệu, kết nối doanh nghiệp với các tổ chức uy tín trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp chủ động trong các phương án kinh doanh, cung cấp các thông tin thị trường trong nước và quốc tế cùng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước dành cho doanh nghiệp.
“Đặc biệt, SHB đã triển khai gói sản phẩm tín dụng nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng trị giá 3.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ tăng lên 5.000 tỷ đồng. Tất cả các khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được tiếp cận gói vay ưu đãi này”, ông Tuấn Anh cho hay.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đánh giá, một tháng qua, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố và tất cả các tổ chức tín dụng đều đã vào cuộc một cách tích cực, đưa ra các chương trình, biện pháp thiết thực giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
“Phản hồi, đánh giá của các khách hàng về sự vào cuộc của ngân hàng là hết sức trách nhiệm, khẩn trương”, ông Tú nói.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu đã đạt được, đẩy mạnh triển khai các giải pháp trên tinh thần tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng bị thiệt hại.