ACB vừa tung ra gói tín dụng ưu đãi quy mô 25.000 tỷ đồng từ nay đến 30/6/2020 để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó 13.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân và 12.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Với khách hàng là cá nhân, lãi suất tối thiểu từ 7,5%/năm cho các khoản vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và 8,5%/năm cho các khoản vay trung - dài hạn.
Các khoản vay bổ sung vốn ngắn hạn có mức lãi suất vay ngắn hạn từ 6,5%/năm, vay đầu tư mua sắm/sửa chữa máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng, văn phòng… lãi suất vay trung - dài hạn từ 8,5%/năm và có thể cố định lãi suất kỳ đầu trong 24 tháng.
Sacombank triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm tới 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Căn cứ vào phương án kinh doanh và sử dụng nguồn vốn, khách hàng có thể vay vốn ngắn hạn với lãi suất tối thiểu 6,5%/năm đối với doanh nghiệp và 8,5%/năm đối với cá nhân.
Thời gian triển khai gói vay kết thúc vào ngày 30/6/2020 hoặc khi hết hạn mức.
Nam A Bank triển khai chương trình ưu đãi lãi vay với mức giảm lãi suất 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với VND và USD.
Chương trình kéo dài từ nay đến khi Chính phủ có thông báo kết thúc dịch, dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, hàng không, nông nghiệp, nhà hàng, quán ăn, xuất nhập khẩu (giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch).
Eximbank dành 4.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay ưu đãi với lãi suất từ 6,99%/năm, đồng thời sẽ triển khai gói tín dụng khoảng 3.000 tỷ đồng lãi suất từ 5,5%/năm cho doanh nghiệp lớn.
Việc cắt giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ khó tránh tác động tới lợi nhuận ngân hàng, song đây được xem là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay, bởi việc giảm lãi vay vừa có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa giúp ngân hàng ngăn chặn được nợ xấu nếu doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh.
Vietcombank ước tính, quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Vietcombank chia sẻ với doanh nghiệp ước khoảng 300-450 tỷ đồng.
Dù vậy, Vietcombank vẫn đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp lúc này.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, dư nợ từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch tính đến thời điểm này vào khoảng 925.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.
“Thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra là rõ ràng, song cần được tính toán, đánh giá cụ thể để đề xuất Chính phủ có giải pháp hỗ trợ phù hợp”, ông Hùng nói.
Theo lãnh đạo NHNN, tổ chức tín dụng cũng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vì giảm lãi suất đồng nghĩa với việc dùng chính tiền của ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Để tránh lợi nhuận sụt giảm, ngân hàng cần đa dạng hóa nguồn thu.
Mặc dù vậy, các ngân hàng cũng chỉ có thể giảm mức độ thiệt hại cho khách hàng, trong khi vẫn phải đảm bảo bù đắp được chi phí. Ðể tránh lợi nhuận sụt giảm, ngân hàng cần đa dạng hóa nguồn thu.
Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 vừa được NHNN đưa ra, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng theo quy định.
NHNN đã trù tính khoảng thời gian hỗ trợ thêm 90 ngày kể từ sau thời điểm hết dịch, tạo bước đệm cho cả ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn.
Khoảng thời gian này được NHNN giải thích là để đảm bảo phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền của khách hàng sau khi hết dịch.
Về mốc xác định dư nợ từ 23/1/2020, NHNN cho biết, đây là thời điểm mà khả năng trả nợ của doanh nghiệp, người dân bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch, phù hợp với thời điểm phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với Covid-19 theo Quyết định số 173/QÐ-TTg ngày 01/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ...
Với doanh nghiệp, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được giữ nguyên nhóm nợ tạo điều kiện để cân đối lại dòng tiền, tránh bị hạ điểm tín dụng dẫn đến khó tiếp cận những khoản vay mới, không bị áp lãi phạt khi có nợ quá hạn như thông thường.
Còn với ngân hàng, cơ chế trên giúp chưa ghi nhận ngay nợ xấu, nên chưa phải tăng chi phí trích lập dự phòng. Mặt khác, khi khách hàng có thêm điều kiện để trả nợ, áp lực nợ xấu cũng giảm thiểu.
Như vậy, cả ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn cũng đều có thêm khoảng thời gian để tái tạo, cân đối lại dòng tiền cả sau khi hết dịch để từng bước ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh…