Cụ thể, MB cho biết, sẽ phát hành 30.000 trái phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ, dự kiến có thể phát hành trong 50 đợt với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng, với kỳ hạn các trái phiếu bao gồm từ 5 đến 10 năm và mức lãi suất sẽ được Tổng giám đốc quyết định tuỳ theo từng đợt chào bán.
Trái phiếu phát hành của MB lần này là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản, là nợ thứ cấp đủ điều kiện tính vốn cấp 2 theo quy định pháp luật. Ngân hàng dự kiến phát hành thành một đợt hoặc nhiều đợt.
Đối tượng chào bán là các tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật.
MB cho hay, số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu sẽ được ngân hàng sử dụng để tăng vốn cấp II và cho vay đối với các khách hàng có nhu cầu hoặc phục vụ các hoạt động, kinh doanh của ngân hàng phù hợp với quy định của pháp luật. Thời điểm giải ngân nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu sẽ dựa trên tình hình thực tế sử dụng số tiền thu được tại thời điểm đó.
Theo thông tin MB đưa ra, tính đến ngày 30/9, giá trị trái phiếu đã phát hành tại MB đạt 51.644 tỷ đồng. Trước đó, MB đã hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), nâng vốn điều lệ lên 53.063 tỷ đồng. Sau khi phát hành ESOP, vốn điều lệ của MB đã tiến ngay sát VietinBank (53.700 tỷ đồng), cao thứ 5 toàn ngành ngân hàng.
Techcombank cũng huy động gần 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9/024. Theo đó, chỉ trong 2 ngày 26-27/9/2024, ngân hàng này đã phát hành ra thị trường tổng cộng 5 lô trái phiếu với tổng giá trị 9.700 tỷ đồng.
Cụ thể, lô trái phiếu TCBL2427013 có mệnh giá 1.000 tỷ đồng, 3 lô trái phiếu TCBL2427012, TCBL2427011 và TCBL2427010 có giá trị 2.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu trên đều có kỳ hạn 3 năm, dự kiến đáo hạn ngày 27/9/2027. Lô trái phiếu có giá trị lớn nhất là TCBL2426014 với 2.700 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, dự kiến tới 26/9/2026 mới đáo hạn. Lãi suất phát hành 5 mã trái phiếu trên đều là 5%/năm.
Techcombank cho biết, số tiền thu được từ phát hành và chào bán trái phiếu sẽ được Techcombank sử dụng để cho vay khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Thời điểm giải ngân trước 31/12/2024. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Techcombank đã huy động thành công 14 lô trái phiếu với tổng giá trị 31.700 tỷ đồng. Trong đó, mã trái phiếu TCBL2427005 có giá trị lớn nhất với 5.000 tỷ đồng, trái phiếu được phát hành ngày 11/6/2024 với lãi suất phát hành 4,6%/năm, có kỳ hạn 3 năm và dự kiến đáo hạn năm 2027.
Nhưng ở chiều ngược lại, Techcombank cũng đã tiến hành mua lại trước hạn 10 mã trái phiếu với giá trị 19.950 tỷ đồng trong năm nay. Trong đó, mã trái phiếu lớn nhất mà ngân hàng mua lại là TCBL2326003 có giá trị 5.000 tỷ đồng phát hành năm 2023 và tới 2026 mới đáo hạn.
Một diễn biến khác, Techcombank dự kiến chào bán 19,8 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, tương ứng tỷ lệ 0,2815% vốn điều lệ. Thời gian dự kiến phát hành là quý III hoặc quý IV/2024, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành. Sau khi hoàn thành đợt chào bán, vốn điều lệ của Techcombank sẽ đạt 70.649 tỷ đồng.
Trong tháng 8 vừa qua, ACB cũng đã phát hành thêm 2 lô trái phiếu riêng lẻ với quy mô đạt 670 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm đến 6,1%/năm cho năm đầu tiên. Trong khi OCB đã huy động được 5.000 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo cho nhà đầu tư, kỳ hạn 2-3 năm, lãi suất cố định ở mức 5,6%/năm.
BVBank chào bán ra công chúng 15 triệu trái phiếu với lãi suất 7,9% một năm. Từ năm thứ hai, lãi suất bằng lãi tham chiếu cộng biên độ 2,5%. Tương tự, cuối tháng 8, HDBank cũng phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất cao hơn 2,8% so với bình quân tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng tại thời điểm thanh toán.
Loạt nhà băng khác như BIDV, VPBank, MB, BIDV, ACB, OCB... cũng có nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ - dành riêng cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - với mức lãi cao hơn tiền gửi khoảng 1-1,5%. Mặc dù các ngân hàng phải trả chi phí cao hơn khi phát hành trái phiếu, nhưng kênh này giúp họ cân đối tỷ trọng huy động và an toàn vốn. So với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 5,5 đến 6%/năm như hiện tại, trái phiếu có chi phí vốn đắt đỏ hơn, nhưng các nhà băng vẫn tìm tới kênh huy động này thời gian qua.
Thế nhưng, theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), 8 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 247.000 tỷ đồng. Trái phiếu ngân hàng dẫn đầu khi chiếm tới 73% tổng giá trị trái phiếu, trái phiếu bất động sản xếp thứ hai và chỉ chiếm khiêm tốn gần 18%.
Trái phiếu giúp ngân hàng huy động vốn cấp II (vốn bổ sung) với giá trị lớn để mở rộng hoạt động mà không cần giảm tỷ lệ sở hữu qua phát hành cổ phiếu. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo các tiêu chuẩn Basel được tính dựa trên quy mô so với tài sản có trọng số rủi ro. Khi các nhà băng duy trì tăng trưởng tín dụng 14-15% mỗi năm, phần mẫu số của công thức này liên tục tăng. Để đảm bảo tỷ lệ CAR, các nhà băng bắt buộc phải tăng vốn.
Ngoài ra, trái phiếu là kênh huy động dài hạn, giúp các nhà băng đảm bảo cấu trúc vốn theo quy định. Từ cuối năm ngoái, các nhà băng phải giảm tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30%, thay vì 34% như trước; cho vay trên tổng vốn huy động dưới 85%.
Các chuyên gia của Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng tăng tốc từ tháng 6, báo hiệu sự phục hồi của nhu cầu vay vốn cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới. Do đó, khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm nay, nhằm có thêm vốn trung, dài hạn trên 3 năm khi tăng trưởng tín dụng dần khởi sắc.
Trong khi đó, đơn vị xếp hạng tín nhiệm VIS Rating dự báo 1-3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Nguồn lực này sẽ hỗ trợ các nhà băng tăng vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.