Ngân hàng dự báo tín dụng tăng 5,09% quý 2/2021, lo ngại sự cạnh tranh lẫn nhau

0:00 / 0:00
0:00
Kết quả thăm dò dự báo của NHNN cũng cho thấy, kỳ vọng cải thiện tình hình kinh doanh quý 2/2020 của các tổ chức tín dụng vẫn cao song đã giảm so với trước đó.
Thanh khoản dồi dào, lãi suất sẽ tiếp tục hạ. Thanh khoản dồi dào, lãi suất sẽ tiếp tục hạ.

Tín dụng tăng, huy động vốn giảm

Kết quả khảo sát vừa được NHNN thực hiện cho thấy, tại thời điểm cuối quý I/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) nhận định: nhu cầu vay vốn phục hồi mạnh hơn, nhu cầu gửi tiền, thanh toán tiếp tục cải thiện nhưng tốc độ chậm lại.

Các TCTD điều chỉnh tăng kỳ vọng đối với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong Quý II/2021, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Cụ thể, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD dự báo tăng 5,09% trong quý II/2021 và tăng 14,7% trong năm 2021, điều chỉnh tăng so với mức 13% kỳ vọng ở kỳ trước.

So với kết quả ghi nhận tại kỳ điều tra tháng 12/2020, ngoại trừ nhóm NHTMCP nhỏ và nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính, các nhóm TCTD còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm 2021. Dự báo trong năm 2022, tăng trưởng dư nợ tín dụng của nền kinh tế có thể đạt 15%.

Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,6% trong Quý II/2021 và tăng 12% trong năm 2021 (tương đương kỳ vọng của kỳ trước).

So với kỳ điều tra tháng 12/2020, ngoại trừ nhóm NHTMNN và NHTMCP lớn, 3 nhóm TCTD còn lại đều điều chỉnh giảm mức dự báo về tăng trưởng huy động vốn năm 2021. Dự báo năm 2022, huy động vốn của toàn hệ thống TCTD có thể tăng trưởng đạt 13%.

Thanh khoản dồi dào, lãi suất sẽ còn hạ nhiệt

Hệ thống TCTD cho biết tiếp tục điều chỉnh “giảm” nhẹ lãi suất biên và phí dịch vụ trong Quý I/2021 và dự kiến “giảm” trong cả năm 2021.

Tại kỳ điều tra này, tỷ lệ các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong quý II/2021 và cả năm 2021 đạt cao hơn so với tỷ lệ TCTD dự báo mặt bằng lãi suất tăng.

Bình quân toàn hệ thống, kỳ vọng mặt bằng lãi suất tính đến cuối năm 2021 về cơ bản xoay quanh mức lãi suất phổ biến ở cuối năm 2020. Bước sang năm 2022, bình quân toàn hệ thống kỳ vọng mặt bằng lãi suất tăng 0,34 điểm phần trăm.

Nguyên nhân khiến lãi suất giảm là thanh khoản hệ thống dồi dào, dù đã thanh khoản quý 1/2021 đã thu hẹp đáng kể so với thời điểm cuối Quý IV/2020.

Dự báo trong Quý II/2021, tình hình thanh khoản được kỳ vọng cải thiện hơn quý trước. Dự báo cả năm 2021, thanh khoản được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt nhưng có thể không dồi dào bằng năm 2020 do kỳ vọng tín dụng sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch Covid_19.

Kỳ vọng lợi nhuận bị thu hẹp, lo ngại cạnh tranh lẫn nhau

Theo đánh giá của các TCTD, tình hình kinh doanh trong quý I/2021 có cải thiện nhưng với tốc độ chậm lại do ảnh hưởng từ dịp nghỉ Tết Nguyên Đán.

Các TCTD cũng điều chỉnh thu hẹp hơn kỳ vọng về tốc độ phục hồi kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong năm 2021.

Dự kiến trong thời gian tới, có 74,8% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II/2021 và 76,6% TCTD kỳ vọng cải thiện hơn trong cả năm 2021 (thấp hơn tỷ lệ 81% ở kỳ điều tra trước), trong đó 12,2-18,7% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”.

Bên cạnh đó, vẫn còn 7,5% TCTD quan ngại triển vọng kinh doanh “suy giảm nhẹ” trong năm 2021.

Tại cuộc điều tra kỳ này, xét trên bình diện toàn hệ thống, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận không khả quan bằng kỳ vọng tại kỳ điều tra trước (tỷ lệ TCTD dự kiến lợi nhuận trước thuế “tăng trưởng dương” trong năm 2021 đã giảm từ 95% ở kỳ điều tra trước xuống còn 87,5%; tỷ lệ TCTD lo ngại lợi nhuận “giảm” đã tăng từ mức 5% lên 9,6%).

Mặc dù lạc quan về sức cầu của nền kinh tế tác động tích cực đến kết quả kinh doanh năm 2021, song các tổ chức tín dụng lại tỏ ra quan ngại về sự cạnh tranh lẫn nhau từ các tổ chức tín dụng, cho rằng điều này có thể làm suy giảm tình hình kinh doanh.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục