Ngân hàng dồi dào vốn, “bí” kênh đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Tiền gửi dân cư vẫn ồ ạt chảy vào ngân hàng, trong khi tín dụng tăng chậm khiến các ngân hàng phải tìm kênh đầu tư để “giải ngân” vốn thừa.
Ngân hàng dồi dào vốn, “bí” kênh đầu tư

Cho vay liên ngân hàng ế ẩm

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa tháng 8/2020, huy động vốn toàn hệ thống tăng gần 6,3%, trong khi tín dụng chỉ tăng 4,13%. Mặc dù trong vài tháng qua, NHNN đã kịp thời điều chỉnh tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một loạt tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, có điều kiện mở rộng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ tăng trưởng kinh tế, song tín dụng chung toàn hệ thống vẫn tăng rất chậm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, khách hàng có nhu cầu được cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay cho các khoản nợ cũ nhiều hơn là lượng khách hàng có nhu cầu vay mới.

Việc tín dụng tăng chậm trong khi huy động vốn tăng nhanh đang gây áp lực cho ngân hàng trong việc tìm kênh đầu tư sinh lời cho dòng vốn dư thừa. Theo bà Phượng, những năm trước, với lượng vốn dư, Agribank thường cho vay trên thị trường liên ngân hàng hoặc mua trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, năm nay, các ngân hàng đều dồi dào vốn, khiến nhu cầu vay trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, lợi suất trái phiếu chính phủ cũng thấp kỷ lục.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho hay, với lượng vốn dư thừa, ngân hàng này đang tập trung đầu tư chứng khoán nợ (trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, tín phiếu và một số giấy tờ có giá khác).

“So với các năm trước, năm nay, các kênh đầu tư với ngân hàng rất hạn hẹp. Cho vay liên ngân hàng thì lãi suất nhiều thời điểm gần như “cho không”, chỉ 1%/năm kỳ hạn 3 tháng, trong khi các kênh đầu tư an toàn khác cũng đem lại lợi tức thấp. Nếu tình hình này tiếp diễn, tín dụng không thể đẩy ra, ngân hàng sẽ rất khó khăn”, vị Phó tổng giám đốc trên cho biết.

Sự dư thừa vốn của các ngân hàng thể hiện ở diễn biến của thị trường trái phiếu. Nửa đầu năm nay, các ngân hàng vẫn là người mua trái phiếu nhiều nhất, đặc biệt là trái phiếu bất động sản. Chỉ tính trong 6 tháng, các ngân hàng đã “ôm” hơn 28.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, chiếm 40% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng vốn huy động (LDR) liên tục giảm.

Lãi suất giảm gây áp lực lên lợi nhuận ngân hàng

Tín dụng tăng chậm trong khi các kênh đầu tư, kinh doanh khác đều khó khăn đang gây áp lực lên bài toán kinh doanh của các ngân hàng. Chưa bao giờ các ngân hàng có mức tăng trưởng thu nhập lãi thấp hơn chi phí trả lãi lại nhiều như hiện nay.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng 2 quý đầu năm cho thấy, gần 70% thu nhập của các ngân hàng vẫn đến từ tín dụng. Vì vậy, việc đẩy mạnh cơ cấu nợ cho khách hàng cộng thêm tín dụng mới tăng chậm đã tác động rất mạnh đến thu nhập của ngân hàng những tháng đầu năm.

Theo báo cáo của FiinGroup, nếu chỉ tính số ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính, thu nhập lãi thuần nửa đầu năm nay đã giảm 7,5% so với quý I/2020 và chỉ tăng 0,1% so với quý II/2019.

Điều đáng mừng là, trong cảnh tín dụng khó tăng trưởng, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh các hoạt động ngoài lãi (gồm phí, dịch vụ và hoạt động khác). Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của khối ngân hàng niêm yết tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mảng kinh doanh ngoài lãi tăng trưởng đột phá của nhiều ngân hàng nửa đầu năm nay là chứng khoán (bao gồm cả chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh). Thu nhập từ chứng khoán của khối ngân hàng niêm yết nửa đầu năm nay tăng trưởng 268,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do mới chỉ chiếm 5,3% tổng thu nhập hoạt động, nên tăng trưởng từ hoạt động này chưa thể bù đắp được sự suy giảm lãi thuần của các ngân hàng.

Theo dự báo của FiinGroup, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của 18/19 ngân hàng (riêng CTG không đưa ra kế hoạch cụ thể) dự kiến chỉ tăng 4,9% so với năm 2019.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm của các ngân hàng ước tính sẽ giảm 22,1% so với cùng kỳ, do thu nhập hoạt động giảm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh. Dự báo cả năm, lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm gần 16% (do phải đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng), trong khi khối ngân hàng cổ phần vẫn có thể tăng trưởng 3,3% lợi nhuận nhờ chủ động cân đối giữa hỗ trợ khách hàng và bảo đảm mức lợi nhuận hợp lý.

Tiền vẫn chảy vào ngân hàng

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank

Tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng vẫn tăng hàng ngày, những cá nhân và doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn đa phần vẫn để trong ngân hàng. Thị trường bất động sản trầm lắng, thu nhập bấp bênh khiến người dân không dám đưa tiền vào bất động sản. Kênh đầu tư chứng khoán luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm... Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều khó khăn và tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay, tôi cho rằng, tiền vẫn sẽ chảy vào ngân hàng.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục