Ngân hàng đặt kịch bản hồi phục mạnh trong nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như trong quý II, hầu hết ngân hàng đều đưa ra nhiều kịch bản kinh doanh theo các mức "tốt, xấu, trung bình", thì sang quý III, tình hình đã khác...
Mục tiêu lợi nhuận năm nay là 2.573 tỷ đồng trước thuế, nhưng Sacombank sẽ cố gắng đạt được mức lợi nhuận như năm trước là 3.217 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận năm nay là 2.573 tỷ đồng trước thuế, nhưng Sacombank sẽ cố gắng đạt được mức lợi nhuận như năm trước là 3.217 tỷ đồng.

Lợi nhuận kỳ vọng cải thiện sau tháng 9

Lý do bởi sau tháng 9/2020 là thời điểm kết thúc tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Lúc này, các khoản lãi khách hàng vay trước đó mới được trả nên nhà băng kỳ vọng lợi nhuận tích cực hơn.

Tổng giám đốc một ngân hàng quy mô vừa và nhỏ cho biết, với mục tiêu lợi nhuận đưa ra hơn 1.000 tỷ đồng trước thuế năm nay, ước 6 tháng đầu năm mới đạt trên 350 tỷ đồng trước thuế.

Tuy nhiên, khả năng lợi nhuận sẽ được cải thiện sau giai đoạn tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng theo quy định của Thông tư 01.

Bởi sau giai đoạn này, khách hàng bắt đầu trả lãi cho ngân hàng, thay vì ngân hàng phải thoái lãi dự thu hoàn toàn 6 tháng qua, nên mục tiêu lợi nhuận đưa ra có cơ sở đạt được.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank chia sẻ, mục tiêu lợi nhuận năm nay giảm 20% so với năm 2019 do ảnh hưởng dịch bệnh. Việc tái cơ cấu, giãn nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch cũng tác động làm giảm khoảng 2.000 tỷ đồng lợi nhuận của Sacombank.

Bên cạnh đó, do Ngân hàng đang phải tái cơ cấu nợ cho khách hàng nên các khoản lãi dự thu không còn được thu, mà phải thoái hoàn toàn theo Thông tư 01. Tuy nhiên, bà Diễm cho biết, Sacombank sẽ cố gắng đạt được mức lợi nhuận như năm trước (3.217 tỷ đồng).

Tính đến hết tháng 5/2020, lợi nhuận trước thuế Sacombank đạt 1.303 tỷ đồng, tổng tài sản 477.302 tỷ đồng, tổng huy động 434.709 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 310.745 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2%.

Năm 2020, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.573 tỷ đồng, tổng tài sản 498.400 tỷ đồng, tổng huy động 457.200 tỷ đồng, dư nợ tín dụng 329.400 tỷ đồng; kiểm soát nợ xấu dưới 3%.

Thực tế, để chia sẻ khó khăn với khách hàng, đồng thời cứu chính mình, các nhà băng phải đẩy mạnh tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch, phải hy sinh lợi nhuận để kiểm soát được rủi ro.

Đơn cử, Sacombank, Vietcombank và VietinBank... đã giảm lần lượt 2.000 tỷ đồng, 2.500 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế để tái cơ cấu nợ cho khách hàng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, năm 2020, Ngân hàng chủ trương “hạ cánh mềm” nên để ngỏ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, đặt kế hoạch tăng trưởng dư nợ 10%, tổng tài sản tăng 7%, huy động vốn tăng 8%...

Tính đến gần cuối tháng 6/2020, lợi nhuận của Vietcombank đạt xấp xỉ mức cùng kỳ 2019 (hơn 11.000 tỷ đồng), dù tín dụng tăng chậm hơn (tăng 3,4%).

Nếu 6 tháng cuối năm, Vietcombank tăng trưởng tín dụng như kế hoạch đề ra cả năm là 10% (tức 6 tháng cuối năm tín dụng tăng gấp đôi 6 tháng đầu năm), thì lợi nhuận sẽ tăng vọt, vượt mức 1 tỷ USD của năm 2019.

Một lý do nữa khiến Vietcombank có thể tăng tốc lợi nhuận nửa cuối năm là nợ xấu được kiểm soát tốt và được hoàn nhập dự phòng vào cuối năm. Được biết, Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ dự phòng “bao” nợ xấu cao trong hệ thống, lên đến 250%.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu thời hạn tra nợ cho gần 260.000 khách hàng, dư nợ xấp xỉ 180.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi suất cho 421.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng, cho vay mới 1,1 triệu tỷ đồng cho 240.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn 0,5-2,5%/năm so với lãi suất thông thường.

Đây chính là yếu tố tác động lên lợi nhuận, song các ngân hàng kỳ vọng hoạt động của ngành nửa cuối năm sẽ tích cực hơn nửa đầu năm, từ đó có thể cải thiện lợi nhuận.

Áp lực trích lập dự phòng

Mặc dù các hoạt động kinh tế trong nước đã trở lại, nhưng nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam vẫn chịu tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng bất lợi tới triển vọng kinh doanh của nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng nói riêng. Vì thế, khả năng lợi nhuận của ngành năm nay khó tăng cao.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng bất lợi tới triển vọng kinh doanh của nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng nói riêng. Vì thế, khả năng lợi nhuận của ngành năm nay khó tăng cao.    

 Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2020 của các TCTD do Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) vừa thực hiện cho biết, tình hình kinh doanh toàn hệ thống đã sụt giảm 2 quý liên tiếp, điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng, cũng như nhu cầu của nền kinh tế đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng suy giảm rõ rệt, trong khi mức độ rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tăng lên.

Bên cạnh đó, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao dự kiến ảnh hưởng lớn tới thu nhập và lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong năm 2020.

Các TCTD đã hạ mức dự báo về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2020 ở 2 kỳ điều tra liên tiếp. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 3,5% trong quý III/2020 và tăng 10,5% trong năm 2020, giảm mạnh so với kỳ vọng tương ứng 13,1-14,1% của 2 kỳ điều tra trước.

Kết quả hoạt động kinh doanh trong quý II/2020 tiếp tục được đánh giá suy giảm hơn (26,4% TCTD nhận định "suy giảm” so với 16,4% TCTD có cùng đánh giá tại kỳ trước).

Tỷ lệ TCTD nhận định kết quả hoạt động kinh doanh trong quý III “cải thiện” hơn so với quý trước giảm mạnh từ mức 65,7% tại thời điểm tháng 12/2019 và 47% tại thời điểm tháng 3/2020 xuống mức 32% tại kỳ điều tra này; có 15,3% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh sẽ suy giảm.

Tuy nhiên, có 54,3% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý III/2020 cải thiện hơn so với quý II/2020.

Song, điều đáng chú ý là kỳ vọng bình quân của toàn hệ thống về mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh so với các mức kỳ vọng ghi nhận tại cuộc điều tra trước.

Trên thực tế, các ngân hàng đã mạnh tay trích dự phòng trong nửa đầu năm nay do lo ngại dịch bệnh sẽ khiến nợ xấu tăng. Cụ thể, 5 tháng qua, Sacombank trích lập dự phòng rủi ro khoảng 1.500-1.700 tỷ đồng. Quỹ dự phòng rủi ro của Sacombank đến thời điểm này đã lên đến 4.000-5000 tỷ đồng.

Tại Vietcombank, do ngân hàng này đã tăng trích dự phòng rủi ro từ những năm trước, nên mức trích lập năm 2020 sẽ rất cao, có thể vượt mức 250%. Bởi theo lãnh đạo Vietcombank, với diễn biến dịch bệnh hiện nay, chất lượng tín dụng sẽ còn bị ảnh hưởng, nên Ngân hàng đã tăng trích dự phòng để “bao” nợ xấu.

Trong thời gian qua, doanh nghiệp kêu khó tiếp cận tín dụng, nguyên nhân theo tổng giám đốc một ngân hàng là bởi các ngân hàng đều huy động vốn từ bên ngoài nên phải kiểm soát chất lượng tín dụng để hạn chế rủi ro nợ xấu, do đó không thể hạ chuẩn cho vay. Nếu doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện tín dụng ngân hàng sẵn sàng cho vay.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất khả năng trả nợ.

Điều này không chỉ xuất hiện trong thời gian dịch bệnh xảy ra, mà còn trong 6 tháng cuối năm - là khoảng thời gian có thể chứng kiến mức độ khó khăn nhất của toàn hệ thống TCTD. Các ngân hàng đang nỗ lực kiểm soát nợ xấu, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu hoạt động.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục tăng cường rà soát các ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng để đánh giá rõ thực trạng nợ xấu và có giải pháp kiểm soát cụ thể.

Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành được dự báo ở mức cao, từ 3,7-4% trong năm nay, nên các nhà băng phải tăng trích dự phòng để có thể “bao” nợ xấu.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục