Chi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng mua cổ phiếu
Ðại diện HDBank cho biết, thời gian qua, do tác động của các yếu tố như thương chiến Mỹ - Trung..., thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động dẫn tới giá cổ phiếu nhiều ngân hàng, trong đó có HDBank bị giảm mạnh.
Thị giá cổ phiếu HDBank đang ở mức thấp hơn giá trị hợp lý và không phản ánh đúng tiềm năng tăng trưởng và phát triển bền vững của Ngân hàng.
HÐQT HDBank tin rằng, giá cổ phiếu HDBank sẽ tăng trưởng tích cực trong thời gian tới và việc mua lại cổ phiếu đã phát hành làm cổ phiếu quỹ ở vùng giá hiện nay không chỉ giúp ổn định giá cổ phiếu, mà còn là khoản đầu tư mang lại hiệu quả cao cho Ngân hàng, cổ đông.
Do đó, HÐQT Ngân hàng đã có Nghị quyết quyết định mua lại tối đa 5% lượng cổ phiếu đang lưu hành, tức khoảng 49 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.
Nguồn vốn thực hiện lấy từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định.
Thời gian thực hiện dự kiến sau khi HDBank nhận được văn bản chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng đã hoàn tất thủ tục công bố thông tin theo quy định.
Tổng thời gian thực hiện là 30 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện giao dịch mua lại. Phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
Cũng tính chuyện mua cổ phiếu quỹ, VPBank dự định chi tiền để mua lại tối đa 10% vốn điều lệ. Ngân hàng này đang có hơn 2,45 tỷ cổ phiếu đang lưu hành.
Như vậy, số cổ phiếu quỹ mà VPBank muốn mua lại tối đa là hơn 245 triệu cổ phiếu. Với thị giá hiện nay, số tiền mua cổ phiếu quỹ của VPBank có thể lên tới hơn 4.000 tỷ đồng.
Mục đích mua lại được ngân hàng này nói rõ là nhằm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch và tăng giá trị cho cổ đông. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2019, qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Nguồn vốn để mua cổ phiếu dự kiến sẽ được lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Ngân hàng.
Theo VPBank, tiềm năng phát triển của Ngân hàng vẫn đang được đánh giá tốt.
Tuy nhiên, do nền tảng vĩ mô của thị trường và ngành ngân hàng còn có những yếu tố bất định, dẫn đến sức hấp dẫn của cổ phiếu VPB đối với nhà đầu tư không cao như trước đây, khiến giá cổ phiếu của VPBank đã giảm mạnh so với thời gian trước.
Việc mua lại cổ phiếu quỹ với mục tiêu ổn định giá cổ phiếu, giảm bớt số cổ phiếu đang lưu hành, nhằm tăng tỷ lệ sinh lời trên mỗi cổ phiếu.
Ðồng thời, hoạt động mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ được VPBank xem là việc đầu tư vào một tài sản có giá trị và khả năng sinh lời cao trong tương lai.
Hiện VPBank đang có 73,2 triệu cổ phiếu quỹ, được Ngân hàng mua lại vào tháng 7/2018. Nếu mua lại thành công 245 triệu cổ phiếu, số cổ phiếu quỹ của nhà băng này sẽ tăng lên con số hơn 318 triệu cổ phiếu.
Trước đó, TPBank cũng đăng ký mua tối đa 24 triệu cổ phiếu quỹ trong vòng 1 tháng nhằm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch và gia tăng giá trị cổ đông.
Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính kiểm toán thời điểm 31/12/2018.
Trong năm 2019, TPBank còn đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng; tổng tài sản tăng hơn 16% lên 158.000 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, trong khi nhiều ngân hàng chi tiền tỷ mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ thì ACB lại công bố bán tiếp hơn 35 triệu cổ phiếu quỹ, giá không thấp hơn 23.100 đồng/cổ phiếu.
Tổng giá trị giao dịch nếu bán với giá tối thiểu 23.100 đồng/cổ phiếu là hơn 813 tỷ đồng. Ngân hàng này cho biết, mục đích bán hơn 35 cổ phiếu quỹ lần này là để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Phương thức thực hiện thông qua thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Thời gian thực hiện sau khi có chấp thuận của các cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Diễn biến ngược chiều
Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng hơn 14%. Thống kê 18 mã cổ phiếu ngân hàng niêm yết cho thấy, vốn hoá nhóm cổ phiếu ngành này tăng khoảng 14%.
Cùng với đó, các ngân hàng lớn như VPBank, Techcombank, MBBank… đều liên tục tăng trưởng hoạt động kinh doanh, đặc biệt đạt lợi nhuận “khủng" trong nửa đầu năm 2019. Thế nhưng, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng nói chung và các mã này nói riêng lại diễn biến ngược chiều.
Trong Top 5 cổ phiếu ngân hàng có giá trị thị trường lớn nhất, mã TCB của Techcombank có vốn hoá giảm 15% so với đầu năm 2019.
TCB đang giao dịch quanh vùng giá 22.000 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 40% so với vùng giá 36.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh) hồi mới lên sàn tháng 6/2018.
Còn so với đầu năm 2019, giá cổ phiếu của TCB đã giảm 19,2%. Cổ phiếu VPB cũng trong đà giảm giá. Ngoài ra, một số mã khác, giá trị thị trường giảm so với đầu năm 2019 như ACB (25%), STB (8%), SHB (12%)...
Trong khi đó, theo thống kê từ báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của 25 ngân hàng trong hệ thống cho thấy, tổng giá trị lợi nhuận mà các ngân hàng ghi nhận đạt hơn 53.076 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4% so với nửa đầu năm ngoái.
Vietcombank vẫn đang giữ vị trí quán quân lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng với hơn 11.300 tỷ đồng và ngày càng bỏ xa những ngân hàng còn lại.
Tương tự như 6 tháng đầu năm ngoái, Techcombank và VietinBank tiếp tục đứng thứ 2 và thứ 3 về lợi nhuận; con số cũng không cách biệt quá nhiều, lần lượt đạt 5.662 tỷ và 5.335 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Techcombank hoàn thành 48% kế hoạch năm, còn VietinBank đã hoàn thành 56% kế hoạch lợi nhuận 2019. BIDV, VPBank và MBBank là 3 ngân hàng tiếp theo có mức lợi nhuận cao nhất, tuy nhiên đã có sự xáo trộn về thứ hạng.
MBBank đã leo lên vị trí thứ 4 với 4.875 tỷ đồng lợi nhuận. VPBank theo sau khá sát với 4.343 tỷ đồng lãi trong nửa đầu năm.
Trong nhiều bản tin phân tích gần đây, một số công ty chứng khoán cho rằng, với thanh khoản khá vững của các ngân hàng và cả hệ thống, đồng thời kết quả kinh doanh nửa đầu năm cũng như dự phóng cả năm 2019 khả quan, đà giảm của nhiều cổ phiếu ngân hàng tốp đầu là nghịch lý.
Theo giới phân tích, xu hướng giảm giá của các mã này chỉ trong ngắn hạn và có thể là cơ hội để các nhà đầu tư tổ chức lựa chọn các cổ phiếu ngân hàng tốt với giá hấp dẫn.
Tuy nhiên, theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect, chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam đã đạt đỉnh từ năm 2017, đến nay ngành ngân hàng đã chuyển sang giai đoạn tăng trưởng ổn định.
Do đó, các nhà băng có vị thế tốt trong việc mở rộng mảng cho vay bán lẻ và thu nhập ngoài lãi, trong khi định giá hấp dẫn hơn so với các ngân hàng trong khu vực sẽ được chú ý. Vì thế, giá cổ phiếu “vua” từ đó cũng có sự phân hóa rõ nét hơn trong thời gian sắp tới.