Dự tính nhiều, thực hiện chẳng được bao nhiêu
Ngày 30/7/2019, hơn 419 triệu cổ phiếu VietBank chính thức được đưa vào giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán VBB. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cổ phiếu. Đây là cổ phiếu ngân hàng đầu tiên lên UPCoM trong năm nay.
VietCapital Bank sẽ là cái tên tiếp theo đưa cổ phiếu lên UPCoM. Ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông để đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) vào ngày 31/7/2019. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, kế hoạch lên sàn đã được cổ đông VietCapital Bank thông qua.
Ngoài những cái tên nêu trên, một số ngân hàng khác như OCB, MaritimeBank, ABBank, Nam A Bank… cũng đã lên kế hoạch niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong năm nay, nhưng hiện mới có VietBank là chính thức lên sàn.
Thực tế, không phải đến thời điểm này mà một vài năm trước, một số ngân hàng đã hoàn tất chốt danh sách cổ đông để đăng ký lưu ký chứng khoán, nhưng vì nhiều lý do mà kế hoạch bị hoãn lại, trong đó chủ yếu đến từ việc thị trường chứng khoán không thuận lợi.
Đơn cử, với OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT chia sẻ, Ngân hàng đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE), nhưng do thị trường thời điểm cuối năm 2018 không mấy tích cực nên phải hoãn lại. Tuy nhiên, OCB sẽ niêm yết trong năm nay.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, Ngân hàng cũng sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE năm nay. Sau Đại hội đồng cổ đông 2019, Nam A Bank có kết hoạch thu hút thêm vốn ngoại để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính rồi mới tiến hành niêm yết cổ phiếu. Trước đó, năm 2018, cổ đông Nam A Bank đã thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện LienVietPostBank và VIB cũng cho biết, sẽ sớm chuyển cổ phiếu từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HOSE trong năm 2019 và 2020.
Không còn đường lùi
Theo quy định tại Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, các ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán (bao gồm HOSE, HNX và UPCoM) vào cuối năm 2016 như là một trong những giải pháp giúp minh bạch hoạt động ngân hàng, cũng như đa dạng hóa hàng hóa trên thị trường chứng khoán.
Còn theo chủ trương mới tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2/2019, đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Điều này có nghĩa, các ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên giao dịch tại 2 sàn niêm yết chính thức là HOSE hoặc HNX (Sở GDCK Hà Nội), mà không còn được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, với thời hạn chót là đến hết năm 2020.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhiều lần có công văn nhắc nhở các ngân hàng về thực hiện chủ trương, lộ trình đưa cổ đưa cổ phiếu lên sàn nhưng kết quả chưa như mong đợi. Tính đến nay, trong tổng số khoảng 40 ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động, mới có 18 ngân hàng niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Chính vì thế, các ngân hàng hiện khó có thể lần lữa việc niêm yết cổ phiếu khi chỉ còn chưa đầy 1,5 năm để thực hiện.
Theo đánh giá của giới phân tích tài chính, ngoài yếu tố thị trường, các chế tài xử lý chưa đủ mạnh cũng là nguyên ngân dẫn đến tình trạng ngân hàng chậm trễ đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán.
TS. Nguyễn Văn Thuận, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, việc các ngân hàng niêm yết cổ phiếu sẽ không chỉ tác động tích cực lên thị giá cổ phiếu, mà còn tới toàn ngành, toàn thị trường chứng khoán, khi cổ phiếu ngân hàng luôn được xem là nhóm cổ phiếu trụ cột, dẫn dắt thị trường.