Đẩy nhanh tiến độ niêm yết
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, dự kiến cuối quý III hoặc đầu quý IV/2018, OCB sẽ niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE), bỏ qua bước giao dịch trên thị trường
UPCoM trước khi lên HOSE như dự tính ban đầu. Kế hoạch niêm yết đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại kỳ họp ngày 28/3 vừa qua.
"Diễn biến thị trường chứng khoán năm nay được đánh giá tích cực, nên việc niêm yết cổ phiếu sẽ đem lại nhiều cơ hội cho cổ đông, nhà đầu tư và cả OCB. Do đó, HĐQT OCB quyết định triển khai kế hoạch niêm yết sớm hơn 1 năm so với dự kiến", ông Tuấn nói.
Tại VIB, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho hay, VIB sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong năm 2018. Hiện tại, cổ phiếu VIB đang giao dịch trên thị trường UPCoM.
"Việc niêm yết sẽ giúp các nhà đầu tư tiếp cận được nhiều thông tin hơn về VIB và theo đó, thị trường sẽ sớm nhận ra giá trị thật và tiềm năng của cổ phiếu VIB", ông Vỹ nói và cho biết thêm, trước khi thực hiện niêm yết, VIB sẽ tìm đối tác bán cổ phiếu quỹ và chia cổ phiếu thưởng cho các cổ đông.
Ngày 19/4 tới, TPBank sẽ chính thức niêm yết 555 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE với giá khởi điểm là 32.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị niêm yết 17.760 tỷ đồng (781 triệu USD). Như vậy, TPBank sẽ là ngân hàng lên sàn thứ 2 lên sàn năm 2018, sau HDBank.
Ngoài các ngân hàng trên, cổ đông của Techcombank cũng đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong năm nay. Trong khi đó, LienVietPostBank cho biết, sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trước năm 2020. Được biết, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank đã giao dịch trên UPCoM từ tháng 10 năm ngoái.
Đón đầu dòng vốn ngoại
Sở dĩ các nhà băng muốn đẩu nhanh tiến độ niêm yết cổ phiếu, theo giới quan sát, là nhằm tận dụng đà tăng tích cực của thị trường chứng khoán hiện nay. Thực tế cho thấy, việc chỉ số VN-Index bứt phá trong hơn 1 năm qua và vượt đỉnh 11 năm 1.170 điểm có sự đóng góp lớn của các cổ phiếu ngân hàng, trong đó các "tân binh" như VPB tăng 70% giá trị, HDB cũng tăng khoảng 20% sau 3 tháng niêm yết. Trong bối cảnh thị trường chung đang thiết lập mặt bằng giá mới, cổ phiếu ngân hàng nếu được niêm yết sớm sẽ càng có nhiều cơ hội tăng giá.
Đánh giá được đưa ra từ chủ tịch HĐQT một ngân hàng chuẩn bị niêm yết cho rằng, câu chuyện nợ xấu hiện không còn là bài toán quá nặng nề như trước đây, khi mà cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu đã thông thoáng hơn nhiều. Theo vị chủ tịch này, việc bài toán nợ xấu được giải quyết đã giúp nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận khả quan trong năm qua, từ đó tác động tích cực lên giá cổ phiếu.
Kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động tín dụng khởi sắc, thị trường chứng khoán thuận lợi... là những điều kiện không thể tốt hơn để các ngân hàng thu hút vốn từ nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại. Thực tế cho thấy, giới đầu tư nước ngoài đã chi hàng trăm triệu USD mua cổ phần của ngân hàng Việt thời gian qua như thương vụ bán hơn 21% cổ phần của HDBank thu về trên 300 triệu USD; Techcombank vừa công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ Warburg Pincus...
OCB cho biết, sẽ bán cổ phần cho đối tác nước ngoài trước khi niêm yết cuối năm nay. Đầu năm 2018, cổ đông ngoại BNP Paribas đã thoái toàn bộ 18,68% vốn khỏi OCB. Theo công bố mới nhất của OCB, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của Ngân hàng là 4,98% vốn điều lệ. Như vậy, cơ hội cho nhà đầu tư ngoại tại OCB là rất lớn. Ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, OCB hiện đang trong quá trình đàm phán với một số nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trước khi đưa cổ phiếu lên niêm yết.
Lên sàn đúng thời điểm thị trường thuận lợi có thể giúp cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng giá. Tuy nhiên, theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng, rủi ro cũng sẽ không nhỏ khi nhóm cổ phiếu này đã có thời gian dài tăng điểm với mức tăng lớn, vì thế mà lợi nhuận cho các nhà đầu tư đến sau sẽ giảm đi đáng kể. Thậm chí, nếu không chọn được thời điểm và giá tốt thì nhà đầu tư có thể chịu thua lỗ.