Ngân hàng còn nắm giữ bao nhiêu trái phiếu doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số lượng trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng nắm giữ được điều chỉnh giảm dần, song Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sẽ kiểm soát chặt chất lượng tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Ngân hàng còn nắm giữ bao nhiêu trái phiếu doanh nghiệp?

Số lượng nắm giữ giảm gần 15%

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 5/2023, toàn hệ thống có 40 tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổng số dư 205.400 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cuối năm 2022 và giảm 11,6% so với năm 2020. Tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trên tổng dư nợ tín dụng nhỏ, chiếm 1,67%, thấp hơn mức 2% cuối năm 2022.

Đồng thời, đến tháng 7/2023, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm 0,55%; tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng 4,99% so với cuối năm 2022, chiếm 21,73% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của các ngân hàng cũng cho thấy, MBBank, Techcombank, VPBank, TPBank và SHB… là nhóm các nhà băng “ôm” lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, song giá trị nắm giữ trên đà giảm.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2023, thống kê từ báo cáo tài chính 27 ngân hàng cho thấy tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ hơn 200.000 tỷ đồng. Trong đó, MB vẫn là nhà băng nắm nhiều nhất.

Trong đó, MB đến cuối quý II/2023 ghi nhận 40.428 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẵn sàng để bán, giảm hơn 3.100 tỷ đồng so với cuối năm trước. Đây là trái phiếu có kỳ hạn từ 3 - 15 năm, có lãi suất từ 7,3% - 13,8%/năm.

Ở mục đầu tư đến ngày đáo hạn, MB ghi nhận 2.561 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn từ 4 - 10 năm, lãi suất 8,9% - 13%/năm. Đồng thời, ở kỳ này MB có 22.715 tỷ đồng chứng khoán nợ chưa niêm yết ghi nhận tại mục chứng khoán kinh doanh, tăng vọt so với đầu năm.

Lượng trái phiếu doanh nghiệp Techcombank nắm giữ cũng tiếp đà giảm. Đến cuối tháng 6/2023, chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành còn 39.787 tỷ đồng, giảm 3%.

Tính đến cuối tháng 6/2023, VPBank cũng chỉ còn nắm giữ hơn 38.000 tỷ đồng, cũng giảm so với cuối năm trước. Năm 2023, có một số trái phiếu đến hạn, VPBank dự kiến sẽ giảm mức tỷ trọng còn khoảng 50% so với hiện nay.

Sở dĩ, các ngân hàng giảm số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ có thể do các đơn vị phát hành tăng tốc mua lại; cơ cấu khoản nợ hoặc chuyển sang tài sản đảm bảo. Đồng thời, diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua cũng khiến các ngân hàng kém mặn mà với kênh đầu tư này nên giảm giá trị nắm giữ. Tuy lượng trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng nắm giữ có giảm, nhưng cơ bản số lượng vẫn còn khá lớn.

Theo dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA), cập nhật đến ngày công bố thông tin 13/9/2023, số đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 8 là 30 đợt với tổng giá trị hơn 30.600 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 9/2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là gần 140.000 tỷ đồng, với 17 đợt phát hành ra công chúng và 111 đợt phát hành riêng lẻ (chiếm 88% tổng số).

Còn Báo cáo của Tổng cục Thống kê trước đó cũng cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay (tính đến ngày 31/8/2023), có 48 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 115.900 tỷ đồng (giảm 62,8% so với cùng kỳ năm 2022). Ngành Ngân hàng chiếm đa số trong khối lượng phát hành 8 tháng đầu năm, chiếm 40,7%, theo sau là nhóm bất động sản chiếm 35,3%.

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, các doanh nghiệp đã mua lại 125 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 166.654 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51.78% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 86.294 tỷ đồng).

Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 109.448 tỷ đồng. 36,3% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản, theo sau là nhóm ngân hàng chiếm 28%.

Kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó có một số lĩnh vực kinh doanh bất động sản có tính chất đầu cơ, phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung…, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ), bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, NHNN đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.

NHNN giám sát thường xuyên, liên tục đối với tình hình hoạt động các đơn vị trong hệ thống và xây dựng các báo cáo giám sát an toàn vĩ mô, vi mô theo định kỳ đối với các đối tượng và nhóm đối tượng giám sát; giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp,…) qua hệ thống báo cáo thống kê và từ các nguồn thông tin khác.

Trên cơ sở kết quả giám sát, ban hành các văn bản cảnh báo, khuyến nghị đối với các vấn đề cần quan tâm.

NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.

Đồng thời, NHNN kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, bất động sản kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo..., đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn.

Báo cáo của NHNN cũng đưa nhận định, thị trường chứng khoán, trái phiếu chịu tác động mạnh mẽ, thay đổi đột ngột sau khi xảy ra các sự kiện, thông tin tiêu cực dẫn đến nhiều dự án bị đình trệ, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng.

Bởi một số doanh nghiệp vừa vay vốn tại tổ chức tín dụng, vừa phát hành trái phiếu doanh nghiệp nên khi xảy ra tình trạng mất khả năng trả nợ/mất thanh khoản do việc khó khăn từ huy động vốn từ kênh trái phiếu dẫn đến không có dòng tiền để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu để trả nợ.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp, cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không được trả gốc và lãi theo cam kết nên ảnh hưởng đến nguồn thu, thiếu vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất, ảnh hưởng đến tình hình tài chính nói chung và ảnh hưởng đến các khoản trả nợ vay tổ chức tín dụng nói riêng.

Đối với thị trường bất động sản, sau thời gian phát triển nóng đã bộc lộ nhiều tồn tại, giá bất động sản sụt giảm ở nhiều phân khúc. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến khả năng thanh khoản và khả năng bán/cho thuê tài sản để thanh toán nợ gốc, lãi vay khi đến hạn của khách hàng.

Trả lời cử tri TP.HCM mới đây về đề nghị các ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu đã trung gian chào bán cho nhà đầu tư, Thống đốc NHNN cho hay, theo quy định hiện nay, ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp ngân hàng thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu đã phát hành.

Thế nhưng, theo đánh giá từ các nhà phân tích thị trường tài chính, từ trước đến nay, các ngân hàng thương mại chỉ chọn bảo lãnh phát hành chứ ít khi chọn bảo lãnh thanh toán.

Trong trường hợp bảo lãnh phát hành mà không thực hiện hết lượng trái phiếu này thì ngân hàng mới mua đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Lúc này, lượng trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị tính vào tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.

Nhưng theo các chuyên gia tài chính, thời gian qua, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm sút nên việc có ngân hàng bảo lãnh thanh toán thì niềm tin của nhà đầu tư sẽ mau hồi phục. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi Chính phủ và NHNN vào cuộc mới có thể thực hiện được.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng, ngân hàng nên bảo lãnh thanh toán trong trường hợp đóng vai trò là nhà phân phối trái phiếu cho doanh nghiệp, nhưng phải có thêm các quy định về quản trị rủi ro của ngân hàng, quy định về vốn trong trường hợp thanh toán trái phiếu.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục