Thay mặt Ban điều hành NHCSXH, Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ kết quả hoạt động của NHCSXH sau hơn 16 năm xây dựng và phát triển.
Với mạng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, NHCSXH đã huy động được trên 194 nghìn tỷ đồng (trong đó nguồn vốn ủy thác các địa phương chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 11.809 tỷ đồng) để cho vay.
Tổng dư nợ đến hết năm 2018 đạt trên 187 nghìn tỷ đồng, với gần 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ; trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 165.141 tỷ đồng, hàng năm luôn hoàn thành 100% kế hoạch.
Chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện, nợ quá hạn, nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,78% tổng dư nợ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng năm mới các cán bộ nhân viên Ngân hàng chính sách
NHCSXH đã cho vay trên 34,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, góp phần giúp trên 5,1 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động; hơn 3,6 triệu lượt có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn.
Bên cạnh đó, góp phần xây dựng gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 568 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, gần 13 nghìn căn nhà phòng tránh bão lụt cho các tỉnh miền Trung; trên 118 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chúng ta đang có một tư duy là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cho nên chúng ta quan tâm đặc biệt đến vấn đề an sinh xã hội để bảo đảm những vấn đề bức xúc của xã hội, đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo khắp mọi vùng miền của Tổ quốc, cùng với đó là các nhiệm vụ khác như: xuất khẩu lao động, hỗ trợ an sinh cho người nghèo.
Trong thời gian vừa qua, có thể nói Việt Nam đã được thế giới, các tổ chức liên hiệp quốc đánh giá cao trong việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có xóa đói, giảm nghèo và NHCSXH là kênh thực hiện an sinh xã hội của đất nước”.
Thủ tướng khẳng định, mô hình hoạt động, sự phối hợp của NHCSXH được thực tế chứng minh là phù hợp với điều kiện và cấu trúc hệ thống chính trị của đất nước ta, không những về hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội rất lớn, trong đó có việc phát huy vai trò, uy tín của đoàn thể chính trị - xã hội trong giải quyết các vấn đề thiết thực của người dân.
"Mô hình này cần được tổng kết, nâng lên để đảm bảo “đồng tiền, bát gạo” của Nhà nước được đến được với dân, đến với đối tượng chính sách một cách dễ dàng, đúng đối tượng quy định", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng nói: “Hôm nay có đầy đủ các vùng miền Tổ quốc xa xôi, điều đặc biệt tôi đánh giá cao ý thức các địa phương trong việc ủy thác nguồn vốn cho NHCXH. Tôi cũng biết một số địa phương kinh tế khá giả nhưng vẫn chưa góp phần ủy thác. Năm mới tôi không tiện nêu tên các địa phương nhưng giám đốc các chi nhánh về báo cáo với chính quyền cần có trách nhiệm”.
Tham dự buổi làm việc có ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH; đại diện các Bộ, Ban, ngành và Lãnh đạo chủ chốt của NHCSXH tại Trụ sở chính. Đây cũng được xem là cuộc giao ban đầu xuân Kỷ Hợi của hệ thống NHCSXH khi mà tất cả các chi nhánh trên toàn quốc đều dự, theo dõi qua truyền hình trực tuyến. |