Tăng lãi suất tiết kiệm
Lãi suất huy động tiền đồng của nhiều ngân hàng tăng 0,1 - 0,5%/năm gần đây. Trong đó, SCB tăng lãi suất huy động online 0,2% ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, Eximbank tăng 0,1 - 0,3%/năm, OCB tăng 0,2%/năm...
Số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, kênh tiền gửi ngân hàng đang trở nên kém hấp dẫn khi tổng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng gần như đi ngang kể từ tháng 2/2021. Trong khi đó, cầu vốn khách hàng dần hội phục trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ngân hàng tái tăng lãi suất tiền gửi huy động vốn cho vay. Lãi suất tiền gửi đang tăng dần về cuối năm và theo nhận định của giới phân tích, điều này hoàn toàn phù hợp, bởi nếu xét về yếu tố mùa vụ, cuối năm là dịp các ngân hàng tăng hút vốn để phục vụ nhu cầu tăng cao của nền kinh tế.
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, nếu so với lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở mức 3- 4%, thì với mặt bằng lãi suất trên, người gửi tiền vẫn có thể được được hưởng lãi suất thực dương. Nhưng áp lực lạm phát năm tới đang gia tăng, thêm vào đó thị trường cổ phiếu, bất động sản vẫn hấp dẫn hút tiền nhàn rỗi…, nên mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ nhích tăng trong thời gian tới.
Tín dụng hồi phục mạnh
Các nhà băng chạy đua thanh khoản cuối năm, nhằm đáp ứng cầu tín dụng tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm, nhất là trước dịp Tết. Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tháng 11/2021, tín dụng trên địa bàn Thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn so với tháng trước, tăng trên 2% so với tháng 10/2021. Như vậy, tín dụng của các ngân hàng tại TP.HCM tăng trưởng tháng thứ hai liên tiếp (sau khi giảm 0,67% trong tháng 9/2021).
Các ngân hàng tại TP.HCM cam kết giải ngân 70.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trong quý IV/2021. Cả năm 2021, có 11 ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, với tổng số tiền đăng ký cho vay là 312.045 tỷ đồng.
Cập nhật mới nhất từ bà Bùi Thuý Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), từ đầu năm đến cuối tháng 11/2021, tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,1% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm trước tăng 8,4%). Như vậy, chỉ trong tháng 11, các ngân hàng đã cung cấp khoảng 126.600 tỷ đồng tín dụng ra thị trường, gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với thời điểm giữa năm (tháng 8 và 9).
Để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay, mở rộng hoạt động cho vay cuối nămNHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong quý IV/2021, với mức tăng 1-6% tùy từng nhà băng.