Bộ đệm thanh khoản của ngân hàng mỏng hơn, có đáng lo?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo tài chính các ngân hàng trong quý đầu năm 2021 cho thấy, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của nhiều ngân hàng tăng mạnh, thậm chí vượt 100%.
Tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi của VPBank tăng từ 124,58% lên 129,58% trong quý I/2021 Tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi của VPBank tăng từ 124,58% lên 129,58% trong quý I/2021

Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi lên tới 130%

Khảo sát báo cáo tài chính quý I/2021 của 15 ngân hàng, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, MBBank, Techcombank, VPBank, ACB, VIB, MSB, TPBank, HDBank, Sacombank, LienVietPostBank, NCB, SHB, có thể thấy, chỉ có hai ngân hàng là VietinBank, HDBank có tỷ lệ cho vay trên tiền gửi giảm so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, mức giảm là không đáng kể, chỉ 0,8 điểm phần trăm.

Ngược lại, có tới 13 ngân hàng tăng tỷ lệ cho vay trên tiền gửi trong quý đầu năm nay. Nổi bật nhất là MSB, với mức tăng 6,81 điểm phần trăm, từ mức 90,66% lên 97,475%. Tiếp sau là VPBank, với mức tăng 5 điểm phần trăm, từ 124,58% lên 129,58%. Đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ cho vay trên tiền gửi cao nhất trong số ngân hàng được khảo sát.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tăng tỷ lệ cho vay trên tiền gửi, gồm VIB (tăng 0,41 điểm phần trăm); BIDV (tăng 1,63 điểm phần trăm); MB (tăng 2,88 điểm phần trăm); Techcombank (tăng 3,06 điểm phần trăm); ACB (tăng 3,89 điểm phần trăm)…

Được biết, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) là một trong những thước đo quan trọng được sử dụng trong hoạt động quản lý và giám sát hoạt động ngân hàng nhằm đánh giá thanh khoản hay khả năng chi trả của một tổ chức tín dụng.

Tại Việt Nam, LDR được quy định khá rõ ràng tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, sau đó được sửa đổi tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, tỷ lệ LDR đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 90%, ngân hàng thương mại cổ phần là 80%. Nhưng với Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tất cả các ngân hàng đều phải duy trì ở mức 85% với thời gian chuyển tiếp là 2 năm, trước ngày 1/1/2022.

Tỷ lệ LDR ở các ngân hàng thương mại cổ phần được nới lên 85% đồng nghĩa với việc các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn hoặc giảm được áp lực huy động vốn để đảm bảo tỷ lệ theo đúng quy định.

Trong năm 2020, theo dữ liệu từ VietstockFinance, chỉ BIDV có tỷ lệ LDR là 85% và cũng chỉ có 6 ngân hàng (gồm cả BIDV) có tỷ lệ LDR từ 80 - 85%. Các ngân khác có tỷ lệ LDR dưới 80%, thậm chí gần một nửa số ngân hàng có tỷ lệ này dưới 70%.

Tỷ lệ LDR càng cao thì khả năng sinh lời càng cao nhưng đồng thời với đó, tính thanh khoản của ngân hàng cũng giảm đi tương ứng, rủi ro thanh khoản tăng theo.

Công thức tính LDR gồm có hai cấu phần chính. Trong đó, tử số là tổng dư nợ cho vay (tín dụng) và mẫu số là tổng tiền gửi. Tỷ lệ LDR khoảng trên dưới 80% được xem là khá an toàn để các ngân hàng đảm bảo khả năng sinh lời và vẫn còn khoản dự phòng khi có vấn đề phát sinh.

Tín dụng thường được coi là tài sản kém linh hoạt nhất trong số các tài sản sinh lời của ngân hàng. Tỷ lệ LDR càng cao thì khả năng sinh lời càng cao nhưng đồng thời với đó, tính thanh khoản của ngân hàng cũng giảm đi tương ứng, rủi ro thanh khoản tăng theo. Hiểu đơn giản, nếu tỷ lệ LDR của ngân hàng tiệm cận 100% hoặc lớn hơn 100% thì khả năng tự bảo vệ khỏi nguy cơ bị rút tiền gửi đột ngột kém.

Điều này cũng có nghĩa là, ngân hàng đang cho vay quá nhiều, vượt nguồn huy động đầu vào. Khi có vấn đề phát sinh, ngân hàng không có khả năng tự xoay xở sẽ phải vay mượn trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) với chi phí khá cao, trong khi lợi nhuận thu về có thể không đủ bù chi phí.

Trái lại, nếu tỷ lệ LDR thấp thì thanh khoản ngân hàng tốt, có thể thoải mái tăng trưởng, dễ dàng quyết định đầu tư và cho vay, khi nhiều khách hàng rút tiền gửi cùng lúc cũng không khó để đáp ứng.

Với tầm quan trọng như trên, Ngân hàng Nhà nước hiện đang yêu cầu mức LDR tối đa của các ngân hàng thương mại là 85%. Tức, ngân hàng huy động được 100 đồng chỉ được cho vay 85 đồng, còn 15 đồng phải để dự trữ, làm “bộ đệm” thanh khoản. Và 15 đồng dự trữ này thường được ngân hàng mua tài sản có tính thanh khoản cao để dự trữ như trái phiếu chính phủ. Trong trường hợp xấu nhất, các ngân hàng có thể lấy khoản dự trữ ra bán, hoặc cũng có thể chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở (OMO) để lấy tiền trả các nghĩa vụ nợ.

Việc tỷ lệ LDR của 15 ngân hàng được khảo sát tăng lên cho thấy “bộ đệm” thanh khoản của hệ thống đang mỏng dần.

“Tình hình đã thay đổi”

Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi tăng trong quý I/2021, theo lý giải của một số chuyên gia kinh tế, là do tiền gửi giảm khoảng thời gian này, trong khi tín dụng lại tăng trưởng tích cực hơn cùng kỳ năm trước. Việc lãi suất huy động duy trì ở mặt bằng thấp khiến nhiều khách hàng thay vì gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng thì tìm đến các kênh đầu tư cho tỷ suất sinh lời hấp dẫn hơn như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản…

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho thấy sức hút của kênh đầu tư chứng khoán. Cụ thể, trong tháng 3/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam có 113.875 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới. Được biết, đây là số lượng mở mới cao nhất lịch sử giao dịch của thị trường và “đạp đổ” kỷ lục này đạt được trong tháng 1/2021 với 86.107 tài khoản cá nhân trong nước được mở mới. VN-Index chạm mốc 1.191,44 điểm tại ngày 31/3/2021, tăng 7,93% so với đầu năm, thanh khoản thị trường cũng lập kỷ lục với hàng loạt phiên giao dịch có giá trị trên 15.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ba tháng đầu năm 2021, tín dụng bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%.

Câu hỏi đặt ra là, việc tỷ lệ LDR tăng mạnh, “bộ đệm” thanh khoản của các ngân hàng trong quý I mỏng hơn có phải là điều đáng ngại với các ngân hàng?

Câu trả lời được lãnh đạo nhiều ngân hàng đưa ra là, “tình hình đã có những thay đổi”. Theo đó, làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam vào cuối tháng 4 vừa qua đã khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đình trệ và đương nhiên, hoạt động cho vay của các ngân hàng sẽ chịu tác động tiêu cực.

“Vòng quay tiền đang chậm lại bởi các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nền kinh tế suy giảm do dịch bệnh”, phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn của một ngân hàng thương mại cổ phần khẳng định.

Số liệu thống kê tại 15 ngân hàng trên chỉ là so sánh mặt bằng tỷ lệ cho vay trên tiền gửi tại thời điểm cuối năm 2020 với quý I/2021 và xu hướng có thể tăng, không đánh giá ngân hàng có tuân thủ Thông tư 22/2019/TT-NHNN, cụ thể hơn là có vi phạm tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) quy định là 85% hay không.

Phạm Việt Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục