Chỉ cần bằng năm qua
Tăng trưởng dư nợ tín dụng được các nhà băng kỳ vọng sẽ được cải thiện tốt hơn, song theo các ngân hàng, khó có thể tăng trưởng đột biến trong năm nay. Nguồn thu của các ngân hàng hiện chủ yếu vẫn đến từ mảng hoạt động này, trong khi nợ xấu vẫn trong xu hướng gia tăng. Đó cũng chính là lý do các ngân hàng cân nhắc trong việc đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận kinh doanh cho năm 2015.
Cụ thể, tại OCB, năm 2014, Ngân hàng đạt 310 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (chỉ tiêu đưa ra đầu năm ngoái là 260 tỷ đồng). Theo lãnh đạo nhà băng này, dự kiến kế hoạch lợi nhuận trước thuế trình ĐHCĐ vào tháng 4 tới cũng chỉ khoảng 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
“Trong điều kiện hiện nay, để kỳ vọng lợi nhuận cao là rất khó, nên chúng tôi phải cân nhắc kỹ để đưa ra chỉ tiêu phù hợp”, vị lãnh đạo trên nói.
Trong khi đó, với NamA Bank, lợi nhuận đạt được năm qua vượt gần 30% chỉ tiêu đưa ra ban đầu, với 243 tỷ đồng trước thuế. Kế hoạch lợi nhuận năm 2015 được Ngân hàng dự kiến là 400 tỷ đồng. Nhưng theo ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank, để đạt được mục tiêu trên cũng khá áp lực.
Không chỉ với các nhà băng quy mô vừa và nhỏ, mà ngay cả những nhà băng lớn cũng khá thận trọng đối với chỉ tiêu lợi nhuận năm nay, mà Sacombank là một điển hình. Năm 2014, Ngân hàng đạt lợi nhuận rất khả quan, với 3.000 tỷ đồng trước thuế. Thế nhưng, theo một nguồn tin, chỉ tiêu lợi nhuận Sacombank dự kiến đưa ra cho năm nay không cao hơn con số này.
Trong khi đó, với Eximbank, do phải trích lập dự phòng rủi ro mức cao nên lợi nhuận đạt được năm vừa qua chỉ có 56 tỷ đồng và Ngân hàng dự kiến trình ĐHCĐ kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng cho năm 2014, mức lợi nhuận thấp hơn nhiều so với con số thực hiện và kế hoạch của vài năm trước.
Áp lực dự phòng vẫn lớn
Mặc dù đã nỗ lực kéo giảm nợ xấu bằng nhiều cách (thu hồi tiền mặt, phát mãi tài sản và bán cho VAMC), nhưng xem ra giải pháp tốt nhất trước tình hình hiện nay là ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, đưa nợ xấu về mức an toàn.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Vietcombank cho thấy, năm 2014, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh xuống còn 2,3%, từ mức 2,7% hồi đầu năm 2014. Tổng dư nợ cho vay khách hàng năm 2014 đạt 323.332 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cuối năm 2013. Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietcombank trong quý IV/2014 đạt 2.755 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước và cả năm đạt 10.447 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro của Vietcombank tăng mạnh, trong đó, riêng quý IV tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ, với 1.059 tỷ đồng và cả năm tăng xấp xỉ 30%, lên 4.572 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận cả năm chỉ tăng 5,3% so với 2013, đạt 4.610 tỷ đồng.
ACB báo lãi trước thuế năm 2014 hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 17% so với con số 1.035 tỷ đồng của năm 2013. Sau thuế, ACB đạt lợi nhuận 952 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái. Nợ xấu của nhà băng này cũng giảm mạnh gần 22% so với năm 2013, xuống còn khoảng 2,2% trên tổng dư nợ (mức cuối năm ngoái nợ xấu là 3%). Tuy nhiên, để kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu về mức này, đòi hỏi ACB trích dự phòng rủi ro khá cao, tới 977 tỷ đồng cả năm 2014.
Thực tế, nếu không kiểm soát được rủi ro, lợi nhuận thu về nhiều, nhưng nợ xấu tăng đòi hỏi trích lập lớn thì lợi nhuận còn lại sau trích lập sẽ không còn bao nhiêu. Đơn cử như VPBank hay VIB, lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt mức tương đối khá, VIB đạt trên 1.800 tỷ đồng và VPBank đạt 1.600 tỷ đồng trước thuế (trước dự phòng rủi ro). Tuy nhiên, sau khi trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận còn lại của VIB chỉ còn 648 tỷ đồng. VPBank cũng dành gần 1.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Hiện nợ xấu của nhiều ngân hàng đã được bán cho VAMC, nhưng theo quy định vẫn phải trích lập dự phòng 20%. Việc trích dự phòng 20% cho khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, theo các chuyên gia tài chính, là áp lực lớn đối với ngân hàng trong tình hình tín dụng khó tăng trưởng.
NHNN cũng đã có chỉ đạo các TCTD phải trích lập đầy đủ dự phòng, trước khi nghĩ đến việc chia lợi tức cho cổ đông. Đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng phớt lờ cổ tức năm 2014.