Ngân hàng “bung” lãi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự báo, năm nay sẽ có cuộc đua gay cấn về tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận giữa các ngân hàng.
Đa số tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn trong quý II/2021 Đa số tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn trong quý II/2021

Tín dụng cao, lợi nhuận cao

Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn cho biết, quý I/2021, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 1.112 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý cho kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước tới nay.

Trong quý I/2021, dư nợ thị trường 1 của LienVietPostBank đạt trên 183.100 tỷ đồng, tăng hơn 6.100 tỷ đồng so với cuối năm 2020; tỷ trọng tăng trưởng bán lẻ trong tăng trưởng tín dụng đạt hơn 80%.

Tương tự, SeABank cho hay, Ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I/2021 là 698,3 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần cùng kỳ năm 2020; cho vay khách hàng tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 111.050 tỷ đồng.

Với HDBank, ngân hàng này ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2021 đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lãi thu từ dịch vụ có quý thứ ba liên tiếp cao gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tính đến 31/3/2021, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt 5,2% so với cuối năm 2020.

MSB ước tính lãi quý I/2021 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 37% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Tăng trưởng tín dụng của MSB trong quý đầu năm nay đạt khoảng 9,5%. Năm 2021, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức 3.280 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020.

Trong khối các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của Vietcombank đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tương đương 28% kế hoạch cả năm. VietinBank ước lãi trước thuế quý đầu năm khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng, chưa gồm phí trả trước từ hợp đồng bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) độc quyền với Manulife. Đây là mức lợi nhuận rất cao so với những năm gần đây.

Được biết, quý IV năm ngoái, cả Vietcombank và VietinBank đều đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhất là Vietcombank, nên thu nhập lãi tăng cao trong quý I năm nay.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank chia sẻ, năm 2021 được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 10,5%. Xét về con số tuyệt đối thì năm nay, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có quy mô tín dụng tăng trưởng cao nhất toàn ngành. Có ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng 11 - 12%, nhưng quy mô tín dụng của những ngân hàng đó nhỏ hơn nhiều nên mức tăng sẽ không thể bằng Vietcombank.

Để có được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao, cơ quan quản lý xem xét, đánh giá Ngân hàng rất tổng thể, đặc biệt là khả năng đáp ứng các hệ số an toàn, thanh khoản, quản trị chất lượng tín dụng, tập trung dư nợ vào các lĩnh vực hiệu quả.

Đầu năm ngoái, Vietcombank được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 10%, cao hơn các ngân hàng có cùng quy mô khoảng 1 - 1,5%. Đến quý III, dư nợ của Ngân hàng đã tăng trưởng gần bằng hạn mức cả năm, tập trung vào các lĩnh vực sản suất - kinh doanh và cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Ngân hàng kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, hệ số sử dụng vốn ở mức an toàn (huy động vốn được 100 đồng chỉ dùng hơn 70 đồng để cho vay)… Do đó, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng của Vietcombank lên 14%. Kết quả, Vietcombank đã tăng trưởng như chỉ tiêu được điều chỉnh, trở thành ngân hàng có quy mô tăng trưởng tín dụng cao nhất năm 2020.

“Năm 2021, chúng tôi dự kiến, trong trường hợp được điều chỉnh tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng như năm 2020 thì Vietcombank chắc chắn sẽ đạt được và tiếp tục là ngân hàng có quy mô tăng trưởng tín dụng cao nhất năm 2021”, ông Thành nói.

4 lưu ý khi đánh giá lợi nhuận quý I

Liên quan đến lợi nhuận quý I/2021 của nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng cao, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần thận trọng với con số này, với 4 lý do chính.

Ảnh tác giả

Lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng năm 2021 dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan, khoảng 20 - 25%.

TS. Cấn Văn Lực

Một là, lợi nhuận quý I không phản ánh đầy đủ, chính xác xu hướng lợi nhuận của cả năm do chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro. Số liệu lịch sử cho thấy, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng rất khác nhau theo quý và có xu hướng tăng vào thời điểm cuối năm.

Hai là, Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 nên nhiều ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro (30%) theo tinh thần của Thông tư này.

Ba là, lợi nhuận quý I năm nay so với nền lợi nhuận rất thấp của quý I năm ngoái nên tỷ lệ tăng trưởng cao, nhưng số tuyệt đối lớn hơn không nhiều.

Bốn là, nếu diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và nhiều doanh nghiệp còn khó khăn (trong quý I/2021 có 23.837 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020), nợ xấu (gồm cả nợ nhóm 2) có thể tăng và như vậy, lợi nhuận các quý còn lại sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

“Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2020 và 2021 cần được nhìn nhận toàn diện, đầy đủ hơn, thay vì chỉ tập trung vào hoạt động tín dụng và số liệu công bố theo quý, nhất là quý I”, TS. Lực nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, TS. Lực cho rằng, triển vọng kiểm soát dịch Covid-19 cùng với tiến trình sản xuất, cung ứng vắc-xin tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu sẽ kéo theo sức cầu tiêu dùng và tín dụng, dịch vụ tài chính tăng lên trong năm 2021. Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ tích cực hơn năm 2020 và có thể tăng 12 - 14%. Bên cạnh đó, thu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nhờ động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ.

Ngoài ra, chi phí hoạt động sẽ được kiểm soát tốt hơn nhờ hoạt động đẩy mạnh chuyển đổi số, cải tiến quy trình và cơ cấu lại mạng lưới, tổ chức, bộ máy.

Về vấn đề trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN, lộ trình trích lập các khoản nợ được cơ cấu lại là 3 năm, trong đó năm 2021 trích lập 30%.

“Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, tổng mức dự phòng rủi ro cần trích thêm của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 40.000 - 45.000 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng năm 2021 dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan, khoảng 20 - 25% (so với mức tăng 15,8% của năm 2020)”, TS. Lực chia sẻ.

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2021 của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh trong quý I/2021 có sự cải thiện, nhưng với tốc độ chậm do ảnh hưởng từ đợt nghỉ Tết Nguyên đán.

Có 74,8% tổ chức tín dụng kỳ vọng, tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn trong quý II/2021 và 76,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng cải thiện hơn trong cả năm 2021 (thấp hơn tỷ lệ 81% ở kỳ điều tra trước), trong đó 12,2 - 18,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng “cải thiện nhiều”. Bên cạnh đó, vẫn còn 7,5% tổ chức tín dụng quan ngại triển vọng kinh doanh “suy giảm nhẹ” trong năm 2021. Chỉ số cân bằng đạt 43,9%, giảm so với mức 51,4% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 12/2020.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục