Ngân hàng bắt đầu thận trọng

(ĐTCK)  Kết thúc quý đầu năm, đa phần ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương nhờ giảm mạnh dự phòng rủi ro, nhưng thách thức lớn còn chờ ở phía trước.
Bộ đệm dự phòng của các ngân hàng hiện không còn “dày” như giai đoạn trước

Lợi nhuận quý I tăng nhờ giảm dự phòng

Trong quý I/2025, Vietcombank cắt giảm hơn 50% chi phí dự phòng rủi ro so cùng kỳ năm trước, giúp lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 1,3% đạt 10.860 tỷ đồng - tiếp tục giữ vị trí quán quân lợi nhuận ngành (Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý I); lợi nhuận sau thuế đạt 8.702 tỷ đồng, cũng tăng 1,3%. Ngân hàng có lãi trước thuế cao thứ hai là MBBank, ở mức 8.386 tỷ đồng, trong khi BIDV báo lãi 7.413 tỷ đồng, xếp thứ ba trong hệ thống.

Xét về cơ cấu thu nhập, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt 13.687 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, do mức tăng của thu nhập lãi (tăng 2,31%) thấp hơn mức tăng của chi phí lãi (tăng 9,52%). Ở chiều ngược lại, mảng kinh doanh ngoài lãi đem lại kết quả khả quan khi thu về 3.578 tỷ đồng, tăng 11,72% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm hơn 44%, từ 1.442 tỷ đồng xuống còn 806 tỷ đồng.

Như vậy, tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của Vietcombank đi ngang so với cùng kỳ, nhưng tổng chi phí lại tăng 11,8%, từ đó thu hẹp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (giảm 5%, đạt 11.612 tỷ đồng). Chi phí hoạt động trong kỳ tăng lên chủ yếu do tăng chi cho nhân viên, nhưng với việc mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro giúp cho Vietcombank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương. Tuy vậy, tính đến cuối quý, số dư nợ xấu của Vietcombank tăng 7,7% lên 15.036 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,96% lên 1,03%.

Tại Techcombank, chi phí dự phòng rủi ro giảm 10% trong quý đầu năm nay, chỉ trích gần 1.100 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 7.236 tỷ đồng. Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của Techcombank tăng 9,6% so với đầu năm, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ (tính bằng nợ nhóm 3,4 và 5 chia tổng cho vay khách hàng) lên 1,17%, song vẫn thấp hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Với TPBank, ngân hàng này giảm tới 59% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý I/2025, chỉ còn trích gần 490 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.109 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với kế hoạch 9.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm 2025, TPBank đã thực hiện được hơn 23% sau 3 tháng đầu năm. Dù vậy, đi cùng xu hướng chung của toàn hệ thống, tổng nợ xấu của TPBank tính đến 31/3/2025 đạt gần 5,971 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ 1,52% lên 2,27%.

Kết thúc 3 tháng đầu năm 2025, VietinBank lãi trước thuế 6.823 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế ở mức 5.499 tỷ đồng, tăng gần 10%. Thu nhập lãi thuần tăng 2% khi mức tăng thêm của thu nhập lãi tăng trội hơn so với chi phí lãi, đồng thời thu nhập ngoài lãi tăng gần 28%, mang về 4.978 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 9,5% về mức 1.611 tỷ đồng, lãi kinh doanh ngoại hối giảm hơn 32%, từ 1.344 tỷ đồng xuống còn 913 tỷ đồng.

Trong quý I/2025, tổng thu nhập hoạt động của VietinBank tăng 7,3% và tổng chi phí cũng tăng gần 15%, chủ yếu do tăng chi cho nhân viên. Vì vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng khiêm tốn 4,7% lên 14.934 tỷ đồng. Số dư nợ xấu vào cuối kỳ tăng 31% lên 27.971 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,55%.

Ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, năm 2025 sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8% và nỗ lực kiểm soát tỷ lệ này ở mức 1,2-1,3% trong năm 2026. Năm qua, VietinBank thu hồi xử lý rủi ro khoảng 8.000 tỷ đồng và kỳ vọng năm nay đạt khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng. Về quản trị rủi ro tín dụng, VietinBank phân tích từng ngành, xem xét kỹ lưỡng dựa trên nhiều thông tin để hoạch định danh mục cấp tín dụng phù hợp.

Nhìn chung, hiện tại, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng không còn “dày” như giai đoạn trước và có sự phân hóa rõ nét. Các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ có bộ đệm dự phòng thấp hơn nhóm các ngân hàng quốc doanh.

Thách thức chờ ở phía trước

Năm 2025, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận thận trọng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 3,5%; lợi nhuận riêng lẻ dự kiến đạt 42.734 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 10%; huy động vốn thị trường 1 tăng 8% và được điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng tín dụng được giao. Tín dụng năm nay của Vietcombank dự kiến tăng tối đa 16,28% và thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù lợi nhuận tăng nhẹ quý đầu năm, song lãnh đạo Vietcombank cho biết, do đang chiếm 20% thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại và có danh mục khách hàng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn hơn so với ngân hàng khác, chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn, hơn 40% tổng huy động vốn và hơn 50% doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại khách hàng bán buôn… nên thách thức thuế quan là rất lớn. Tuy vậy, Vietcombank đã chủ động làm việc với khách hàng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và phối hợp với các cơ quan quản lý để đề xuất giải pháp ứng phó phù hợp theo từng ngành nghề.

Liên quan tới chính sách thuế quan của Mỹ, Chủ tịch HĐQT MBBank - ông Lưu Trung Thái cho rằng, với cách tiếp cận chủ động và mềm dẻo trong quan hệ thương mại quốc tế, cùng lợi thế về nhân công, tài nguyên cũng như độ mở của nền kinh tế, Việt Nam sẽ tìm ra cách để hóa giải những nguy cơ tiềm ẩn gây tác hại đến nền kinh tế, từ đó duy trì được sự tăng trưởng ổn định. Với MBBank, năm nay, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức khiêm tốn 10% do lãi vay giảm. Ban lãnh đạo MBBank cũng đưa ra nhận định, sẽ có nhiều khó khăn đến từ cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia.

MBBank vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 8.386 tỷ đồng, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 6.675 tỷ đồng, tăng 44,3%. Vì thế, theo lãnh đạo MBBank, Ngân hàng sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận lên cao hơn khi điều kiện cho phép, đồng thời tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động bởi chính sách thuế quan mới.

Tại Sacombank, năm 2025, ngân hàng này đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Dự kiến nguồn vốn huy động tăng 9% lên 736.300 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 14% lên 614.400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới 2%. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15%.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Tổng giám đốc Sacombank nhìn nhận, trước bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, không riêng Sacombank mà các ngân hàng đều phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó áp lực từ việc giảm lãi suất cho vay trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) suy giảm.

Thêm vào đó, tác động từ yếu tố bên ngoài - chính sách thuế của Mỹ và toàn cầu, ngày càng rõ nét. Nếu Mỹ tăng thuế hoặc siết chính sách thương mại với Trung Quốc và các đối tác, dòng vốn FDI và xuất nhập khẩu tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm cầu tín dụng từ doanh nghiệp xuất khẩu.

Bởi vậy, theo bà Diễm, Sacombank sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra. Với chỉ tiêu tín dụng cho năm 2025 ở mức 14%, Sacombank sẽ tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Với Techcombank, năm 2025, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm trước. Ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank cho hay, một trong những vấn đề được quan tâm là NIM do áp lực cạnh tranh trong ngành đang gia tăng đáng kể, nhất là đối với khách hàng vay có chất lượng tín dụng tốt. Cùng với đó là định hướng rõ ràng về việc hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhà quản lý khiến tốc độ giảm lãi suất cho vay nhanh hơn lãi suất huy động, dẫn đến biên lợi nhuận thuần bị thu hẹp.

Dù vậy, nếu so với mặt bằng chung, NIM 12 tháng qua của Techcombank vẫn cao hơn trung bình ngành và trong môi trường hiện nay, đây có thể xem là một tín hiệu tích cực. Vì thế, Techcombank tự tin sẽ hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh xây dựng cho cả năm 2025.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục